Hợp tác quảng cáo

7 lý do vì sao bạn luôn thức giấc với trạng thái mệt mỏi, và cách để giải quyết vấn đề này

Bạn lắng nghe lời khuyên của chuyên gia, ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày để hồi phục lại năng lượng sau một ngày làm việc vất vả. Nhưng vì sao bạn luôn rơi vào trạng thái mệt mỏi mỗi khi thức giấc thay vì cảm thấy khỏe khoắn, tỉnh táo hơn? Các chuyên gia sức khỏe cho biết, rất có thể 7 lý do sau đây là “thủ phạm” gây nên tình trạng này.

Hoạt động suốt cả ngày trời sẽ khiến cơ thể cạn kiệt năng lượng và rơi vào trạng thái mệt mỏi. Lúc này, cơ thể cần được nghỉ ngơi, thư giãn thông qua giấc ngủ. Đồng thời, thời điểm ta nghỉ ngơi cũng chính là lúc các cơ quan trong cơ thể tiếp tục thực hiện quá trình lọc và thải độc.

Cụ thể, từ lúc 21h, mỗi cơ quan bên trong cơ thể sẽ bắt đầu thực hiện các chức năng riêng biệt của nó. Vì vậy, các chuyên gia sức khỏe luôn khuyến khích mọi người nên đi ngủ sớm trước 23h (để cơ thể chìm vào giấc ngủ REM trước 0h) - điều này sẽ giúp các hoạt động của cơ quan trong cơ thể được vận hành trơn tru và hiệu quả.

Cho đến sáng tầm khoảng 5 - 7h, quá trình thực hiện chức năng của các cơ quan sẽ ngừng lại, và bạn sẽ thức giấc để hoàn thiện bước cuối cùng, chính là đại tiện - nhằm đào thải hết các cặn bã đã được lọc ở tối hôm trước. Quá trình này được diễn ra trong vòng 8 tiếng, nếu có thể làm đúng với quy trình này sẽ giúp sức khỏe luôn ổn định, tinh thần thoải mái, tràn đầy năng lượng.

Tuy nhiên, kể cả khi bạn đã nghiêm túc làm đúng những điều này, đi ngủ sớm - ngủ đủ giấc - dậy đúng giờ nhưng vẫn cảm thấy mệt mỏi, uể oải khi thức dậy, thì có khả năng cao là do 7 vấn đề sau đây gây ra.

1. Điều kiện phòng ngủ chưa tốt

Những điều kiện trong phòng ngủ như nhiệt độ, cách bài trí cũng là một trong những yếu tố có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ của bạn. Ví dụ nhiệt độ quá thấp hay quá cao sẽ khiến cơ thể bị nóng hay lạnh, từ đó gây ra cảm giác khó chịu, không thể ngủ ngon.

Cách bài trí trong phòng cũng là điều mà bạn cần lưu ý. Theo ý kiến của các chuyên gia thiết kế nội thất, phòng ngủ chỉ nên bài trí tối giản với những gam màu trung tính như xám, trắng, beige, kem,... để tạo cảm giác nhẹ nhàng, thoải mái. Không nên chọn màu quá sáng tạo cảm giác chói lóa hay quá tối khiến phòng ngủ bị u ám, dễ thu hút điềm xấu. Ngoài ra, không nên đặt quá nhiều thứ vào trong phòng ngủ gây tốn diện tích, và đặc biệt là không đặt cây xanh trong phòng ngủ vì cây xanh sẽ hút O2 và thải CO2 vào buổi tối, oxy trong không khí bị suy giảm sẽ khiến ta không có đủ oxy, gây khó thở và dẫn đến tình trạng mệt mỏi khi ngủ dậy.

2. Cơ thể bạn đang bị thiếu nước

Thiếu nước là một trong những nguyên nhân khiến cơ thể bạn bị mệt mỏi mỗi khi tỉnh giấc, do không thể hấp thụ được lượng nước cần thiết trong thời gian ngủ từ 6 - 8 giờ mỗi đêm. Khi cơ thể không đủ nước, huyết áp sẽ giảm đồng nghĩa với việc làm chậm dòng oxy đưa tới não. Hệ quả của việc thiếu oxy là cảm giác mất tỉnh táo. Do đó, nếu bạn tỉnh giấc một cách mệt mỏi thì hãy uống ngay một hoặc hai cốc nước để nhanh chóng bù nước cho cơ thể.

7 ly do vi sao ban luon thuc giac voi trang thai met moi, va cach de giai quyet van de nay

Tuy lượng nước cần nạp sẽ phụ thuộc vào nhu cầu cá nhân, nhưng bạn nên uống đủ nước để có cảm giác cần đi vệ sinh ít nhất 3 lần mỗi ngày. Lượng nước này sẽ tương đương với khoảng từ 6 - 8 cốc nước, từ 2 - 2,5 lít ( Ảnh minh họa: Internet)

3. Ngủ không đúng tư thế

Ngủ không đúng tư thế có thể là một trong những nguyên nhân phổ biến khiến bạn cảm thấy mệt mỏi mỗi khi thức dậy. Cụ thể, giấc ngủ là phương tiện giúp cơ thể đi vào trạng thái nghỉ ngơi, nhưng việc ngủ sai tư thế có thể gây ra một số phản ứng tức thời như chuột rút cơ, khó thở khi ngủ khiến cơ thể ngủ không được thoải mái. Không chỉ vậy, ngủ sai tư thế về lâu dài sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng đến sức khoẻ như đau lưng, cổ vai gáy, uể oải, mệt mỏi khi thức dậy, tuần hoàn không đều, nhức đầu, ợ nóng, khó tiêu, thậm chí làm xuất hiện nếp nhăn sớm.

Cách duy nhất để cải thiện tình trạng này đó là hãy ngủ đúng tư thế. Có hai tư thế ngủ đúng nhất được các chuyên gia khuyến nghị đó là tư thế nằm nghiêng sang sang trái và nằm ngửa - lưng thẳng, bạn có thể điều chỉnh một trong hai tư thế liên tục để tìm ra tư thế ngủ phù hợp nhất với mình.

4. Tuyến giáp đang gặp vấn đề

Khi cơ quan tuyến giáp - một tuyến sản sinh các hormone giúp điều hòa giấc ngủ, và kiểm soát hệ thống nội tiết của mỗi người - không hoạt động hoặc hoạt động kém hiệu quả (còn được gọi là tình trạng suy giáp) thì chất lượng của giấc ngủ cũng sẽ bị ảnh hưởng, dù bạn có ngủ đủ 8 tiếng đi chăng nữa.

Nguyên nhân có thể là do tuyến giáp tiết ra quá ít các hormone T4 - chất nội tiết tố thyroxin có vai trò điều hòa sự phát triển của các cơ quan và duy trì các chức năng tình dục, giấc ngủ, suy nghĩ. Trong trường hợp bạn luôn mệt mỏi dù đã ngủ rất nhiều, hãy đặt hẹn với bác sĩ chuyên khoa nội tiết để được kiểm tra tuyến giáp xem có đang gặp vấn đề gì hay không.

5. Bạn đang mắc chứng rối loạn ngưng thở khi ngủ

Chứng rối loạn này đang làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của khoảng 3 - 7% dân số. Những người mắc phải chứng ngưng thở khi ngủ sẽ phải thức giấc liên tục vì họ bị ngừng thở ở trong khoảng 5 - 15 giây, và từ 5 cho đến hàng trăm lần mỗi tiếng. Đáng sợ hơn, có những người không biết mình đang mắc các triệu chứng này vì chúng không biểu hiện rõ ràng và không đủ để đánh thức họ dậy. Các triệu chứng khác của những kiểu gặp rối loạn về hô hấp khi ngủ là ngáy, hay bị đau đầu khi thức dậy, nguyên nhân chủ yếu là do thiếu oxy.

7 ly do vi sao ban luon thuc giac voi trang thai met moi, va cach de giai quyet van de nay

Nếu cảm thấy mình hay bị tỉnh giấc bất chợt, ngủ chập chờn và nghi ngờ mình đang mắc một chứng bệnh gì đó khi ngủ, hãy nhờ người nhà theo dõi giúp bạn, sau đó thì đến gặp bác sĩ để được tư vấn và thăm khám một cách kỹ lưỡng hơn (Ảnh: Internet)

6. Bạn có thói quen ngủ muộn

Dù ngủ đủ 8 tiếng, nhưng nếu bạn đi ngủ sau 23h thì sang ngày hôm sau bạn vẫn sẽ cảm thấy mệt mỏi như thường. Vì từ 23h trở đi sẽ là thời điểm các cơ quan thực hiện các quá trình thải độc và thanh lọc, đồng thời sản sinh ra các hormone cần thiết cho việc duy trì các chức năng của cơ thể. Và thói quen ngủ muộn của bạn có thể làm gián đoạn mọi hoạt động của những cơ quan trong cơ thể, từ đó hạn chế sản sinh ra các hormone làm sức đề kháng của cơ thể giảm sút.

7 ly do vi sao ban luon thuc giac voi trang thai met moi, va cach de giai quyet van de nay

Việc thức khuya còn làm cơ thể mệt mỏi, thiếu năng lượng và với hệ miễn dịch suy giảm. Đó là nguyên nhân vì sao dù ngủ đủ 8 tiếng nhưng bạn vẫn sẽ cảm thấy uể oải, kém sắc, và không thể tỉnh táo (Ảnh: Internet)

7. Cơ thể đang thiếu hụt magie

Magie là một loại khoáng chất đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì lượng đường huyết, sức mạnh của cơ hay sự tập trung trí não. Do đó, việc thiếu magie có thể là nguyên nhân dẫn đến sự mệt mỏi của bạn. Hãy kiểm tra lại chế độ ăn của mình liệu có cung cấp đủ magie chưa. Magie thường có nhiều trong các loại rau xanh và hạt. Nếu chế độ ăn của bạn không đủ lượng magie cần thiết, bạn có thể tìm đến sự hỗ trợ từ các thực phẩm chức năng hoặc viên uống bổ sung.

Trên đây là 7 nguyên nhân bạn có thể đang mắc phải, gây ra tình trạng mệt mỏi khi thức giấc dù đã ngủ đủ 8 tiếng. Trước mắt, bạn cần thay đổi lại các thói quen không tốt trong sinh hoạt và ăn uống của mình, nếu cảm thấy không có dấu hiệu khả quan thì rất có khả năng sức khoẻ của bạn đang gặp vấn đề, lúc này thì đừng ngại ngần gì mà đi khám sức khỏe ngay bạn nhé!

Xem thêm: Gánh nặng tâm lý từ việc thi trượt lớp 10: cha mẹ phải là điểm tựa cho con lúc này

Quỳnh Giang

Theo Người đưa tin

Tin cùng chuyên đề

TIN KHÁC

Sống tâm lý

Cho con

Giảm béo