Hợp tác quảng cáo

7 sai lầm về việc ăn dặm mà nhiều phụ huynh mắc phải, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của trẻ

Ăn dặm là thời điểm mà trẻ đã có thể tiếp xúc với các loại thực phẩm một cách đa dạng hơn chứ không còn phụ thuộc vào sữa. Tuy nhiên, chuyện cho trẻ ăn dặm không phải là việc dễ dàng, vì đôi khi có một số việc các phụ huynh tưởng chừng là đúng - nhưng thực tế lại có thể gây hại đến trẻ.

Thống kê từ Viện Dinh dưỡng Quốc gia năm 2016 cho biết, cứ bốn trẻ dưới 5 tuổi thì có một trẻ bị suy dinh dưỡng, thấp còi. Cho đến báo cáo năm 2022, tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng được ghi nhận là 19,6%. Các chuyên gia nhi khoa chi biết, nguyên nhân khiến trẻ mắc suy dinh dưỡng dù cuộc sống hiện nay đã đầy đủ và tiện nghi hơn đều xuất phát từ những sai lầm của nhiều bậc phụ huynh khi cho trẻ ăn dặm. Đơn cử như với 7 sai lầm sau đây.

1. Cho trẻ ăn dặm quá sớm hoặc quá muộn

Thời điểm ăn dặm chính xác nhất là khi trẻ đạt 6 tháng 1 ngày. Lúc này, hầu như các trẻ đã mọc được 1 - 2 chiếc răng cửa hàm dưới, đồng thời hệ tiêu hóa cũng đã đủ khỏe để bắt đầu tham gia vào quá trình nghiền nát thức ăn, tiếp nhận đa dạng các chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, với vấn đề về thời gian ăn dặm, có không ít phụ huynh mắc các sai lầm sau đây:

- Cho trẻ ăn dặm quá sớm: ăn dặm trước 6 tháng được tính là sớm. Có nhiều mẹ khi thấy trẻ đã cứng cáp hơn liền nghĩ con mình đã có thể ăn dặm - ngay cả khi con chưa đủ tháng. Lúc này, hệ tiêu hóa của trẻ vẫn còn rất yếu, việc cho trẻ ăn dặm quá sớm có thể khiến con gặp các vấn đề về đường ruột như tiêu chảy, táo bón, đầy hơi,... Việc này sẽ khiến trẻ sợ ăn và tạo thành thói quen từ chối thức ăn, gây sụt cân và dẫn đến nguy cơ bị suy dinh dưỡng khi lớn lên.

- Cho trẻ ăn dặm quá muộn: sau 6 tháng mà vẫn chưa cho trẻ ăn dặm bằng thực phẩm sẽ được xem là muộn. Các chuyên gia dinh dưỡng cho biết, sau 6 tháng thì nhu cầu về dinh dưỡng của trẻ cũng sẽ lớn hơn mà sữa không thể đáp ứng đủ, việc mẹ trì hoãn chuyện ăn dặm có thể khiến trẻ bị thiếu hụt dinh dưỡng, dẫn đến sụt cân, miễn dịch yếu, và cũng có thể gặp nguy cơ suy dinh dưỡng.

7 sai lam ve viec an dam ma nhieu phu huynh mac phai, gay anh huong tieu cuc den suc khoe cua tre

Trẻ sau 6 tháng đã có thể hấp thụ dưỡng chất từ thức ăn, tại thời điểm này mẹ nên lên kế hoạch tạo thực đơn ăn dặm cho trẻ để bổ sung đủ nguồn dinh dưỡng thiết yếu (Ảnh: Internet)

2. Lạm dụng nước hầm xương

Nhiều chuyên gia dinh dưỡng đã lên tiếng khuyến cáo rằng nước xương hầm dù ngon và bổ dưỡng đến mấy, nhưng nếu lạm dụng quá sẽ mang đến nhiều bất lợi cho hệ tiêu hoá chưa hoàn thiện của trẻ. Đừng quá chú trọng trong việc tìm kiếm món ăn nào nhiều dinh dưỡng, thay vào đó, xác định rõ lượng ăn bao nhiêu trong tuần là đủ và ăn như thế nào để đảm bảo sức khỏe cho trẻ, tránh dư thừa dưỡng chất mới là điều mà các mẹ cần phải quan tâm.

Theo đó, các chuyên gia khuyên người lớn chỉ nên cho trẻ ăn nước xương hầm từ 3 - 4 bữa trong một tuần. Trên thực tế, dù nước xương hầm có chứa đạm và canxi nhưng tỷ lệ lại rất ít, vì hai chất này về cơ bản là khó tan trong nước.

7 sai lam ve viec an dam ma nhieu phu huynh mac phai, gay anh huong tieu cuc den suc khoe cua tre

Trong 100mg xương hầm chỉ có 0,6g đạm, đáp ứng 1/30 nhu cầu gam đạm của trẻ. Và trong 100ml nước xương hầm chỉ có 33,5mg canxi, lượng canxi này chỉ đáp ứng chưa đến 1/100 nhu cầu canxi của trẻ 1 ngày (Ảnh: Internet)

Bên cạnh đó, trong các bữa ăn của trẻ, có hay không có nước xương hầm không quan trọng, mà quan trọng là phải có đạm động vật như thịt, trứng, cá, tôm nấu vào bữa bột/ cháo cho trẻ. Việc mẹ lạm dụng nước hầm xương nhưng lại bỏ thịt có thể khiến trẻ gặp các vấn đề sức khỏe như: bị tiêu chảy hoặc khó tiêu, thiếu hụt chất dinh dưỡng, còi xương, chậm mọc răng,...

3. Nêm muối khi nấu đồ ăn cho trẻ

Nhu cầu về natri (có trong muối) đối với trẻ dưới 12 tháng là không quá 1 gam/ ngày, và hàm lượng natri này đã hoàn toàn được đáp ứng thông qua nguồn sữa mẹ hoặc sữa công thức.

Do đó, khi nấu đồ ăn cho trẻ, các bậc phụ huynh không nên nêm bất kỳ gia vị nào như muối, nước mắm, hạt nêm,... bởi điều này có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ - chẳng hạn như tổn thương thận, cao huyết áp và thậm chí là nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

4. Cho trẻ ăn ít rau củ quả

Rau, củ, quả là nhóm thực phẩm có chứa nguồn chất xơ và axit folic cực kỳ dồi dào, có khả năng thúc đẩy các chức năng tiêu hóa rất hiệu quả.

Thường thì với trẻ dưới 5 tuổi, hệ tiêu hóa vẫn còn trong quá trình hoàn thiện nên các chức năng tiêu hóa vẫn chưa được thực hiện tối đa, đó là lý do vì sao trẻ rất dễ gặp tình trạng táo bón hay đầy hơi. Trong khi đó, chất xơ có khả năng ngậm nước mạnh, khi vào ruột, chất xơ sẽ hút nhiều nước, giúp nhuận tràng để việc đi đại tiện ở trẻ dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, nhiều phụ huynh lại không thực sự chú ý đến vấn đề này, thường chỉ cho trẻ ăn các loại rau củ đơn điệu và lặp lại nhiều lần bí đỏ, cà rốt, hạt đậu,... Trong khi đó các loại rau lá xanh cũng rất tốt cho trẻ.

7 sai lam ve viec an dam ma nhieu phu huynh mac phai, gay anh huong tieu cuc den suc khoe cua tre

Các bậc phụ huynh nên tăng cường bổ sung cho trẻ nhiều hơn các loại rau củ quả trong những bữa ăn hàng ngày, giúp phòng ngừa hoặc điều trị bệnh táo bón cho trẻ (Ảnh: Internet)

5. Chú ý về lượng đạm

Nhiều mẹ nghĩ rằng cho con ăn nhiều thịt, cá, trứng… sẽ giúp con mau lớn, tăng cân nhanh. Đây là sai lầm rất nghiêm trọng vì lượng đạm quá nhiều không những có thể làm trẻ rối loạn tiêu hóa mà còn dễ dẫn đến chứng biếng ăn ở trẻ.

Thay vào đó, chế độ ăn của trẻ phải đa dạng các nhóm thực phẩm, ít nhất 5 trong 8 nhóm thực phẩm gồm: nhóm tinh bột, nhóm sữa và chế phẩm sữa, nhóm dầu mỡ, nhóm rau củ, nhóm thịt cá, nhóm trứng, nhóm các loại hạt, nhóm rau củ đa sắc màu. Và theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, trẻ dưới 1 tuổi không ăn quá 100 gam đạm/ ngày.

6. Không bổ sung dầu cho trẻ

Từ 7 tháng trở đi, mẹ cần bổ sung thêm 1 - 2 muỗng dầu thực vật (như dầu gấc, dầu mè, dầu óc chó, dầu ô liu,... ) vào bữa ăn của trẻ để trẻ được tăng cường hàm lượng chất béo. Đối với trẻ nhỏ, chất béo có vai trò tái tạo năng lượng và tăng khả năng hấp thu các vitamin tan trong chất béo gồm vitamin A, D, E, K. Chưa kể, trong giai đoạn từ khi sinh ra đến khi 3 tuổi là trẻ sẽ phát triển vượt bậc về các chức năng não bộ như tư duy, cảm xúc, trí nhớ,... và não bộ sẽ dựa trên nguồn axit béo omega-3 và omega-6 có trong chất béo để thực hiện điều này. Việc trẻ bị thiếu hụt chất béo có thể gây cản trở nghiêm trọng đến sự phát triển toàn diện của trẻ.

7. Nấu một nồi cháo ăn cả ngày

Nhiều phụ huynh có thói quen nấu một nồi cháo từ sáng rồi để trẻ ăn cả ngày, cứ đến bữa là sẽ lấy ra xay rồi nấu lại. Đây là điều không nên, bởi việc để cháo suốt một ngày có thể gây ra mùi khó chịu, cũng như làm cho lượng vitamin và chất dinh dưỡng trong thực phẩm bị giảm hoặc mất đi, trẻ dù được ăn nhiều bữa cũng không được cung cấp đủ chất dinh dưỡng.

Chưa kể nếu bảo quản không cẩn thận, đồ ăn của trẻ có thể gặp vấn đề ôi, thiu, nếu trẻ không may ăn vào thì dễ bị ngộ độc thực phẩm, rối loạn tiêu hóa, loạn khuẩn/ nhiễm khuẩn đường ruột,... rất nguy hiểm.

Xem thêm: Vì sao con ăn nhiều nhưng vẫn bị suy dinh dưỡng?

Quỳnh Giang

Theo Người đưa tin

Tin cùng chuyên đề

TIN KHÁC

Sống tâm lý

Cho con

Giảm béo