Hợp tác quảng cáo

7 thói quen này tuy tốt, nhưng lạm dụng quá mức sẽ gây phản tác dụng

Có một số việc làm về cơ bản là tốt cho sức khỏe, rất được khuyến khích thực hiện thường xuyên. Nhưng điều đó không đồng nghĩa là chúng ta nên làm quá mức, bởi các chuyên gia sức khỏe cảnh báo, việc lạm dụng các thói quen tốt này cũng có thể làm phản tác dụng, gây hại cho sức khỏe.

Có thể thấy, sau tác động không mấy tốt đẹp từ các bệnh dịch vừa qua, chúng ta dần nhận ra việc chú ý và chăm sóc sức khỏe của bản thân là điều rất quan trọng. Chúng ta biết cách bỏ dần đi các thói quen xấu, tập trung thực hiện các thói quen tốt.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia sức khỏe đã đưa ra cảnh báo, chủ động thực hiện các thói quen tốt cho sức khỏe là điều rất đáng hoan nghênh, nhưng phải thực hiện như thế nào, với tần suất bao nhiêu cũng là điều mà mọi người phải chú ý. Vì khi làm sai cách, chúng có thể bị phản tác dụng và gây hại ngược lại cho sức khỏe, nhất là với 7 thói quen sau đây.

7 thói quen tốt nhưng không nên lạm dụng quá mức

1. Dành quá nhiều thời gian để nghỉ ngơi

Nhiều người biện minh cho việc lười vận động của bản thân bằng cách đề cao tầm quan trọng một cách quá mức của việc nghỉ ngơi và thư giãn. Đương nhiên, khái niệm “nghỉ ngơi" và “thư giãn" là hoàn toàn khác với việc lười biếng, chúng ta có thể nghỉ ngơi - thư giãn sau một ngày lao động mệt nhọc, hoặc đã trải qua quá trình vận động nặng.

Nhưng cả một ngày không làm gì mà chỉ nghỉ ngơi - thư giãn, lâu dần sẽ khiến hệ thống miễn dịch bị suy yếu dần dần do không có sự tác động từ bên ngoài như tập thể dục - giúp thúc đẩy quá trình trao đổi chất, tăng cường sản xuất kháng thể và tế bào bạch cầu giúp chống lại bệnh tật.

2. Uống quá nhiều nước

Nước chiếm phần lớn trọng lượng cơ thể chúng ta, và cũng có ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động của cơ thể. Do đó, việc cấp nước là rất quan trọng. Tuy nhiên, chúng ta vẫn luôn thường xuyên nhầm lẫn giữa việc bổ sung đủ nước và uống quá nhiều nước, khiến sức khỏe vẫn bị ảnh hưởng.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, mặc dù cơ thể cần nước nên ta sẽ phải bù nước liên tục, nhưng lượng nước bù cũng chỉ nên từ 2 - 2,5 lít nước mỗi ngày. Đối với người thường làm việc nặng hay vận động nhiều ngoài trời nắng thì có thể uống nhiều hơn 0,5 lít nước.

Vì sao lại như vậy? Câu trả lời đó là uống quá nhiều nước có thể làm giảm nồng độ natri trong máu, gây loãng máu và làm xáo trộn hoạt động của thận. Không chỉ vậy, uống quá nhiều nước mà còn uống bằng nước ngọt, trà sữa, các loại thức uống có đường khác thay vì nước lọc bình thường, mọi người cũng sẽ đối mặt với nguy cơ tăng cân, béo phì, tiểu đường.

Đặc biệt, ai còn có thêm thói quen uống nhiều nước cùng một lúc (uống ào ạt, liên tục từ 10 - 15 giây không nghỉ) cũng có thể gặp nguy hiểm, do nó sẽ làm cản trở tiêu hóa khiến tim đập loạn, khó thở, ra mồ hôi lạnh, buồn nôn và nôn. Trong trường hợp nhiễm độc nước đột ngột thì sẽ bị co giật và hôn mê.

7 thoi quen nay tuy tot, nhung lam dung qua muc se gay phan tac dung

Nhiều chuyên gia dinh dưỡng luôn khuyến nghị chúng ta nên uống đủ 8 ly nước, tương đương với khoảng 2 lít mỗi ngày để cấp đủ cho cơ thể. Không nên lạm dụng các loại thức uống có đường để giải khát và nên chia ra uống thành từng ngụm nhỏ, không uống nhiều và liên tục trong thời gian ngắn (Ảnh: Internet)

3. Lạm dụng vitamin và các chất bổ sung

Vitamin và các chất bổ sung được điều chế với mục đích tăng cường sức khỏe. Tuy nhiên, lạm dụng nhiều các thực phẩm này có thể khiến sức khỏe bị ảnh hưởng.

Ví dụ, chúng ta bổ sung vitamin C để tăng cường miễn dịch, làm đẹp da, bổ máu - nhưng nếu lạm dụng, ta có thể bị buồn nôn, tiêu chảy hoặc co thắt dạ dày. Hoặc bổ sung selen để hạn chế nguy cơ mắc bệnh ung thư, nhưng dùng quá nhiều sẽ dẫn đến rụng tóc, rối loạn tiêu hóa, mệt mỏi và tổn thương thần kinh nhẹ. Còn nạp canxi và kali để chắc khỏe xương, nhưng uống quá nhiều thì lại gây ra các vấn đề về tim mạch.

Điều này cho thấy, dù về cơ bản các loại vitamin và khoáng chất bổ sung được làm ra với mục đích tốt cho sức khỏe, nhưng nếu dùng sai cách hoặc tự ý sử dụng mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ, nó vẫn sẽ gây hại sức khỏe như thường, thậm chí gây ra nhiều loại bệnh tật nguy hiểm. Tốt hơn hết, nếu không muốn tiền mất tật mang, lợi bất cập hại, hãy hỏi xin ý kiến của các chuyên gia, bác sĩ trước khi bổ sung chất gì vào người.

4. Tập các bài tập cường độ cao để giảm cân

Thực hiện các bài tập cường độ cao như chạy bền, đạp xe, bơi hoặc bóng rổ sẽ có thể giúp mọi người đốt cháy calo hiệu quả, đồng thời tăng cường sức khỏe tim phổi, giảm lượng cholesterol và chất béo trung tính trong máu. Tuy nhiên, thực hiện quá mức và quá sức, mặc kệ việc tìm hiểu xem “liệu sức khỏe của mình có đủ để thực hiện các bài tập ấy liên tục hay không”, thì sớm hay muộn, mọi người cũng sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ bệnh tật, nhất là những vấn đề về xương khớp.

Cụ thể, vận động quá sức sẽ khiến cơ thể sản sinh ra rất nhiều hormone cortisol - một loại hormone gây stress, được tiết ra tại tuyến thượng thận. Khi trong máu có sự xuất hiện của hormone cortisol một cách dư thừa, không được đào thải hết, nó sẽ khiến mô xương được tích lũy ít hơn so với mô xương bị phân hủy. Điều này khiến cho tình trạng rạn, nứt xương dễ xảy ra hơn.

Các chuyên gia thể hình cho biết, các bài tập cường độ cao rất tốt cho việc giảm cân, nhưng nếu tập bất chấp, nó sẽ gây hại đến sức khỏe tổng thể. Mỗi ngày, chúng ta chỉ nên dành ra 30 phút để tập luyện các bài tập này, và không thực hiện quá 4 buổi/ tuần. Hãy luyện tập xen kẽ với các bài tập nhẹ nhàng khác sẽ mang lại hiệu quả cao hơn.

7 thoi quen nay tuy tot, nhung lam dung qua muc se gay phan tac dung

Để giảm cân một cách lành mạnh với các hoạt động/ bài tập cường độ cao, chúng ta nên kết hợp với các bài tập kháng lực như chống đẩy, squats,... để tăng sức bền (Ảnh: Internet)

5. Chỉ tập trung ăn các loại thực phẩm ít chất béo

Dẫu biết rằng chất béo là nguồn cơn của tình trạng thừa cân và bệnh tim mạch, nhưng vì sao các chuyên gia dinh dưỡng chưa bao giờ khuyên ta cắt giảm nó hoàn toàn? Bởi vì điều này sẽ khiến mọi người vô tình từ bỏ đi nhóm chất béo tốt - hay còn gọi là chất béo không bão hòa - có chức năng hỗ trợ và tăng cường sức khỏe, đặc biệt là với trí não. Lâu dần sẽ khiến não bộ trì trệ, tăng cholesterol máu cũng như nguy cơ cao huyết áp.

Loại chất béo mà mọi người cần từ bỏ chính là chất béo chuyển hóa (trans-fat), thường có nhiều trong các loại thực phẩm công nghiệp (thức ăn nhanh, thực phẩm chứa nhiều gia vị, thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhiều dầu mỡ,... ) và là nguồn cơn của những căn bệnh mãn tính như tiểu đường, tim mạch,... Thay vào đó, hãy ăn uống chọn lọc, lành mạnh, bổ sung chất béo tốt thông qua các loại thực phẩm như: hải sản, hạt chia, đậu nành, quả óc chó, cá ngừ, cá hồi, cá thu,... vào bữa ăn hàng ngày.

7 thoi quen nay tuy tot, nhung lam dung qua muc se gay phan tac dung

Mọi người cần bảo đảm mỗi ngày đều bổ sung đủ 65 gam chất béo cho cơ thể, nhằm duy trì các chức năng cần thiết (Ảnh: Internet)

6. Rửa tay quá nhiều lần bằng xà phòng diệt khuẩn

Thói quen rửa tay là một thói quen tốt, đặc biệt là trong giai đoạn nhiều loại bệnh truyền nhiễm/ hô hấp xảy ra như hiện tại. Tuy nhiên, việc rửa tay quá thường xuyên với các loại xà phòng diệt khuẩn lại có thể gây ra không ít ảnh hưởng cho sức khỏe.

Theo nghiên cứu của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), khoảng 75% số loại xà phòng rửa tay có chứa triclosan - loại hóa chất (chưa được nghiên cứu một cách toàn diện) được cho là có khả năng giảm mức độ hormone tuyến giáp. Một số nghiên cứu khác cho thấy, sử dụng các hóa chất tẩy rửa có triclosan liều cao sẽ khiến các vi khuẩn kháng kháng sinh phát triển nhiều hơn.

7. Ăn quá nhạt

Các chuyên gia y tế cho biết, ăn quá nhiều muối có thể gây nên các bệnh chuyển hóa mãn tính như: suy thận, cao huyết áp, bệnh tim mạch, bệnh mỡ máu,... Đặc biệt, những người vốn đang có sẵn những bệnh này thì nguy cơ mắc biến chứng nghiêm trọng, thậm chí là tử vong cũng sẽ cao hơn nếu ăn mặn không kiểm soát.

Tuy nhiên, nếu mọi người tự ý cắt giảm lượng muối vượt dưới mức khuyến cáo của các chuyên gia y tế thì nó cũng có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của chúng ta. Nếu không được đáp ứng đầy đủ lượng muối cần thiết, cơ thể con người có thể đối mặt với những rủi ro như thiếu chất điện giải, tụt huyết áp, phù não và tay chân,...

Theo như khuyến cáo từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), lượng muối vừa đủ cho mỗi người trong một ngày là 5 gam.

Nhìn chung, có một số thói quen tuy về cơ bản là tốt, nhưng khi kết hợp với một số hoạt động khác hoặc thực hiện với tần suất quá thường xuyên vẫn có thể gây hại cho sức khỏe. Vì vậy, mọi người hãy nhớ, cái gì cũng phải có mức độ mới là tốt nhất. Không nên lơ là bỏ qua, nhưng cũng không nên lạm dụng nhé.

Xem thêm: Tín hiệu cảnh báo các biến chứng tiểu đường sắp xảy ra

Quỳnh Giang

Theo Người đưa tin

Tin cùng chuyên đề

TIN KHÁC

Sống tâm lý

Cho con

Giảm béo