Thay vì phải vật lộn với chiếc kính cận dày cộm như trước đây, mọi người - đặc biệt là giới trẻ đang bắt đầu chuyển hướng sang dùng kính áp tròng, nhờ vào sự nhỏ gọn và thời trang của nó. Tuy nhiên, không phải cái gì tiện quá cũng sẽ tốt, với kính áp tròng cũng như thế.
Kính áp tròng (lens) là một loại kính hình chảo có độ cong phù hợp, không cần gọng đỡ, được thiết kế ôm sát vào giác mạc. Kính áp tròng thường được làm bằng chất liệu tổng hợp như polyhema hoặc silicone hydrogel, để đảm bảo được chức năng sinh lý bình thường của mắt. Thường kính áp tròng sẽ có 4 loại cơ bản sau đây:
- Loại cứng: làm bằng chất liệu cứng nên loại kính này có khuôn hình cố định, khả năng điều trị tật khúc xạ cực kỳ tốt. Tuy nhiên, do kết cấu của kính là tròng cứng nên nó gây cảm giác cộm mắt, nếu không quen dùng thì sẽ thấy nó khá khó chịu.
- Loại mềm: dòng kính áp tròng phổ biến nhất hiện nay, có kết cấu mềm mỏng, mềm, dễ đeo, tính thẩm mỹ cao và không gây cảm giác cộm khi đeo. Có thể sử dụng cho người cận và không cận.
- Loại thẩm thấu: so với hai loại trên thì loại thẩm thấu mang lại trải nghiệm tốt hơn. Ngoài ra nó còn có kết cấu mỏng, có thể dùng đến 24h/ ngày, không khiến mắt bị khô nên người dùng có thể đeo kính khắp mọi nơi, mọi thời điểm.
- Loại giãn tròng: dòng kính có đường kính to, khi đeo sẽ tạo cảm giác như đôi mắt trông to hơn.
Dù tiện lợi và mang tính thẩm mỹ cao, kính áp tròng không phải là vật dụng có thể dễ dàng sử dụng như chúng ta hay nghĩ. Ngược lại, để đeo kính áp tròng đúng cách - mọi người cần phải chú ý nhiều vấn đề hơn cả khi dùng kính cận thường, nếu không sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến mắt. Cụ thể, khi đeo kính áp tròng, mọi người phải ghi nhớ 5 lưu ý cơ bản sau đây để bảo vệ đôi mắt và thị giác của mình.
Các chuyên gia nhãn khoa cho hay, cứ 10 người sẽ có 9 người có thói quen dụi mắt. Dù biết rằng đây chỉ là một hành động tự phát khi mắt gặp các vấn đề như cộm, ngứa, có dị vật trong mắt, mỏi mắt,... nhưng nó vẫn ẩn chứa nhiều nguy hiểm. Hành động dụi mắt sẽ tác động trực tiếp lên bộ phận này, khiến nhẫn cầu bị chèn ép. Đặc biệt, nếu dụi mắt trong khi đang đeo kính áp tròng thì tình trạng chèn ép càng nghiêm trọng, lâu ngày sẽ dẫn tới nguy cơ biến dạng nhãn cầu và nhiều vấn đề về mắt khác.
Ngoài ra, như chia sẻ của Bác sĩ Weston Tuten - công tác tại Trung tâm sức khỏe gia đình Willoughby Hills (Mỹ) - lấy tay dụi mắt khi đang đeo kính áp tròng có thể khiến kính bị lệch/ rách và va chạm vào giác mạc gây trầy xước, hoặc đẩy kính áp tròng đâm vào giác mạc.
Kể cả khi không đeo kính áp tròng, thì dụi mắt vẫn là một hành động gây hại cho mắt. Vì thế, cần phải bỏ ngay nếu mọi người đang có thói quen không tốt này (Ảnh: Internet)
Dù hiện nay, trên thị trường đang có nhiều loại kính áp tròng dạng thẩm thấu, có thể sử dụng lên tới 24h thì theo lời khuyên của các chuyên gia nhãn khoa, mọi người không nên đeo kính áp tròng quá 8 tiếng.
Lý do được giải thích như sau: trong cấu trúc mắt của chúng ta, giác mạc là bộ phận khúc xạ đầu tiên của mắt trước khi mắt nhìn thấy được, có màu trong suốt do không chứa mạch máu. Do đó, giác mạc không nhận oxy từ mạch máu mà nhận oxy từ không khí, nếu muốn giác mạc luôn khỏe giúp duy trì thị lực, chúng ta cần phải đảm bảo cung cấp đủ oxy cho cơ quan này.
Việc đeo kính áp tròng quá lâu cũng giống như cách ta “lấy tay bịt mũi”, do giác mạc bị ngăn cản trong việc nhận lượng oxy bởi một lớp kính áp tròng ở mắt. Từ đó cũng gây cản trở quá trình chuyển hóa bình thường của giác mạc. Tình trạng này nếu kéo dài lâu sẽ dễ dẫn đến nhiều biến chứng như: khô mắt, đau mắt, viêm kết mạc hay nghiêm trọng hơn là gây loét giác mạc, thậm chí mù lòa.
Người đeo kính áp tròng thường quên rửa tay trước khi cầm kính, trong khi đó, mọi bề mặt ta chạm vào đều có ẩn chứa những vi trùng, vi khuẩn gây hại. Việc dùng tay không sạch đeo kính có thể khiến cho các vi khuẩn - đặc biệt là ký sinh trùng acanthamoeba (ẩn trong bụi, cát,... ) xâm nhập và gây hại thị giác. Ký sinh trùng acanthamoeba chính là “tử thần” với giác mạc, bởi chúng sẽ ăn mòn giác mạc và sinh sôi, nảy nở bên trong mắt. Hậu quả là gây ngứa rát mắt, chảy nước mắt sống, nhìn mờ, nhạy cảm với ánh sáng, sưng phù mí và đau mắt.
Để tránh mầm bệnh xâm nhập vào mắt gây nhiễm trùng, mọi người bắt buộc phải rửa tay thật kỹ trước khi đeo kính, thậm chí luôn luôn rửa tay bằng xà bông và nước ấm trước khi dùng kính áp tròng. Ngoài ra, hãy lau tay thật khô ráo trước khi đeo kính áp tròng vì các vi khuẩn gây nhiễm trùng mắt cũng có trong nước (Ảnh: Internet)
Sau mỗi lần sử dụng, mọi người cần phải vệ sinh kính áp tròng liên tục bằng cách ngâm vào nước ngâm chuyên dụng. Tuy nhiên, trước khi ngâm kính áp tròng, mọi người phải nhớ thay mới toàn bộ phần nước ngâm cũ phía trong khay đựng bằng nước ngâm chuyên dụng mới. Đặc biệt, tuyệt đối không ngâm kính bằng nước muối sinh lý hay các loại nước thông thường vì trong nước có lẫn rất nhiều vi khuẩn và thành phần có hại.
Các dung dịch nước ngâm chuyên dụng cũng cần được thay đúng với hạn sử dụng (thường là sau 2 - 3 tháng sử dụng) để có thể giữ đủ chức năng tiệt trùng. Nếu xài nước ngâm hết hạn, các chất có trong nước ngâm sẽ mất tác dụng, và khiến nó trở thành nguyên nhân gây ra bệnh cho đôi mắt (Ảnh: Internet)
Để mắt không bị khô dẫn đến các bệnh về mắt, mọi người nên chuẩn bị một chai nước nhỏ mắt chuyên dụng dành cho kính áp tròng. Việc sử nước nhỏ mắt chuyên dụng - có thành phần nước mắt nhân tạo sẽ giúp cung cấp độ ẩm cho mắt, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình trao đổi oxy của giác mạc diễn ra thuận lợi hơn.
Bên cạnh đó, mọi người cũng nên nhỏ vài giọt nước nhỏ mắt vào kính trước khi đeo - để rửa sạch bụi bẩn còn vương lại trên kính. Khi tháo kính ra cũng vậy, sử dụng nước nhỏ mắt sẽ giúp việc tháo kính dễ dàng hơn và tránh trầy xước không đáng có.
Mắt là bộ phận cực kỳ quan trọng, vì vậy chúng ta cần phải có ý thức bảo vệ và chăm sóc chúng. Đặc biệt với những ai đang dùng kính áp tròng thì cần ghi nhớ 5 lưu ý trên đây, nhằm giúp bảo vệ đôi mắt của mình. Bên cạnh đó, mọi người nên để cho mắt có thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn, bằng cách giảm thiểu thời gian dùng thiết bị điện tử và cần kiểm tra mắt thường xuyên nhằm kịp nhằm nắm rõ tình trạng của mắt.
Xem thêm: Dù rau có tốt đến mấy, bạn vẫn phải kiêng nếu đang ở trong 6 thời điểm này
Quỳnh Giang
Theo Người đưa tin