(SKGĐ) Vượt ra ngoài những cung bậc của cảm xúc, âm nhạc còn có đủ sức mạnh để điều khiển tâm trạng và cơ thể con người.
Nghe nhạc làm tăng ham muốn
Trong chương trình truyền hình WQXR của Mỹ, bác sĩ Ruth Westheimer - chuyên gia về tình dục học nổi tiếng ở New York, Mỹ đã khẳng định: “Các cặp đôi không nên nghe nhạc khi làm “chuyện ấy” bởi nó sẽ gây khó khăn cho việc “lên đỉnh” của hai người.
Xưa nay, mọi người hay truyền nhau bí kíp âm nhạc là thuốc kích thích tình dục hữu hiệu nhất cho các đôi thì bác sĩ này lại khẳng định điều ngược lại. “Đơn giản vì tôi muốn các bạn tập trung vào “chuyên môn” chứ không phải lắng nghe xem giai điệu âm nhạc là gì, lời bài hát có hay không. Nói như vậy không có nghĩa là phủ nhận sự có mặt của những giai điệu tình yêu, nhưng sẽ thăng hoa hơn nếu bạn nghe những bản tình ca khi đang nói những lời có cánh.
Vì chính lúc này, chúng sẽ phát huy tác dụng hữu hiệu nhất của mình là kích thích ham muốn yêu đương thông qua việc kích thích cơ thể tiết ra những “háo chất tình yêu” như: dopamine, oxytocin, adrenaline và vasopressin.
Ảnh minh họa |
Nghe nhạc kích thích giao tiếp
Việc sử dụng âm nhạc trong trị bệnh luôn mang lại kết quả khả quan: giúp bệnh nhân có thể bộc lộ cảm xúc, kiểm soát và giảm căng thẳng, tăng cường sức khỏe về mặt tinh thần, hỗ trợ tích cực cho quá trình giao tiếp.
Bạn có biết? - Nghe nhạc 45 phút trước khi ngủ, giấc ngủ sẽ ngon và sâu hơn. - 25% nỗi phiền muộn sẽ tan biến nếu bạn nghe nhạc thường xuyên. |
Hiện nay, một số bệnh viện tiên tiến trên thế giới đang sử dụng liệu pháp âm nhạc đối với những người kém phát triển về tâm thần, người già suy giảm trí nhớ, người bị tổn thương não bộ, người nghiện rượu, mất khả năng học hỏi.
Nghe nhạc xoa dịu cơn đau
Từ những năm 1940, các nhà trị liệu bằng âm nhạc tại Mỹ đã dùng âm nhạc để giảm thiểu đau đớn cho bệnh nhân. Một cuộc thăm dò ý kiến từ 1.900 cơ sở khám chữa bệnh ở nước này đã phát hiện ra rằng 35% trong số đó đưa ra các loại phương pháp trị liệu bằng âm nhạc, và xu hướng này đang ngày càng phổ biến.
Với phụ nữ, liệu pháp âm nhạc còn giúp giảm những cơn đau trong quá trình chuyển dạ. Hoặc khi điều trị những bệnh mạn tính như ung thư, bệnh tim… âm nhạc còn có tác dụng khuyến khích người bệnh vận động nhiều hơn cũng như giúp họ giảm căng thẳng và thư giãn.
Nghe nhạc làm giảm stress
Hơn 20 nghiên cứu về âm nhạc trị liệu của Mỹ đã tìm ra các bằng chứng thuyết phục cho thấy khi nghe nhạc có thể giảm hô hấp, nhịp tim và huyết áp khiến tâm trạng của bệnh nhân mắc bệnh tim mạch tốt hơn
Một nghiên cứu khác của Đại học Y Harvard (Mỹ) cũng cho thấy: tác dụng chữa bệnh và xoa dịu của âm nhạc có được nhờ sự kích thích và hạn chế ba loại hormone làm giảm stress. Khi cho những bệnh nhân bị bệnh nặng nghe những bản Sonate chậm rãi của Mozart (họ không dùng thuốc giảm đau) thì giảm được 20% lượng epinefrin và interleukin-6 (các hormone gây tăng nhịp tim và các phản ứng gây viêm). Đây là lý do tại sao liệu pháp âm nhạc có thể giúp bạn tránh các tác hại của stress mãn tính.
Hoàng Lan