Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra. Bệnh thường xảy ra ở trẻ em, nhất là trẻ dưới 5 tuổi. Tuy nhiên, người lớn vẫn hoàn toàn có thể mắc bệnh nếu bạn chưa từng bị tay chân miệng trước đây hoặc hệ miễn dịch của cơ thể không thể chống lại virus gây bệnh.
Theo các chuyên gia, kể từ sau đợt dịch tay chân miệng bùng phát năm 2018, cho đến nay số ca nhiễm tay chân miệng nặng rất hiếm gặp. Tuy nhiên, do xuất hiện chủng Enterovirus 71 (EV71) có đặc tính lây lan nhanh và độc lực cao nên số ca nhiễm tay chân miện nặng đang gia tăng.
Chỉ tính riêng tại Bệnh viện Nhi Trung ương, từ đầu năm đến nay đã tiếp nhận hơn 1.200 ca, gần 500 trẻ phải nhập viện điều trị trong đó có đến 30% trường hợp nhiễm chủng EV71. Còn tại TP HCM, số ca bệnh cũng tăng gần 150% trong một tháng qua với nhiều ca diến tiến nặng.
Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, TS.BS Nguyễn Văn Lâm cho biết hai nhóm tác nhân gây bệnh tay chân miệng thường gặp là Coxsackie virus A16 (CA16) và Enterovirus 71 (EV71).
Bệnh tay chân miệng lây lan qua đường tiêu hóa thông qua việc tiếp xúc thông thường giữa người bệnh với người lành như hắt hơi, ho hay dịch tiết từ nốt phồng rộp của người bệnh. Vì thế, để phòng bệnh cần vệ sinh chân tay sạch sẽ.
Bệnh tay chân miệng lây lan qua đường tiêu hóa thông qua việc tiếp xúc thông thường giữa người bệnh với người lành như hắt hơi, ho hay dịch tiết từ nốt phồng rộp của người bệnh. |
Trong khi trẻ em nhiễm CA16 thường biểu hiện bệnh nhẹ, có thể chăm sóc và điều trị tại nhà, đối với các trường hợp nhiễm chủng EV71 sẽ gây bệnh nặng hơn với nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, viêm phổi, suy hô hấp, tuần hoàn, có thể tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Bác sĩ Lâm khuyến cáo cha mẹ cần nhận biết sớm dấu hiệu của bệnh tay chân miệng. Trẻ khởi đầu với triệu chứng sốt, kém ăn, khó chịu và đau họng.
Từ một đến hai ngày sau khi bị sốt, các nốt mụn lở xuất hiện trong miệng gây đau rát. Ban đầu là những nốt phồng rộp màu đỏ và thường phát triển thành các vết loét, chủ yếu ở trên lưỡi, lợi và bên trong má.
Cha mẹ không nên tự ý dùng thuốc, có thể khiến bệnh của trẻ nặng thêm. |
Bệnh được đánh giá là nặng khi có các biểu hiện sốt cao liên tục không đáp ứng thuốc, mệt mỏi, không chơi, bỏ ăn, ngủ nhiều, lơ mơ; giật mình trên 2 lần trong 30 phút. Vã mồ hôi, lạnh toàn thân hoặc ở tay, chân.
Cùng với đó là thở nhanh, thở bất thường như ngưng thở, thở nông, rút lõm ngực, khò khè. Trẻ run chi, người, ngồi không vững, đi loạng choạng.
Bệnh tay chân miệng có chuyển biến nhanh, khó lường nên khi phát hiện trẻ mắc bệnh, gia đình nên đưa con đến khám tại các cơ sở y tế để được tư vấn về cách chăm sóc, phát hiện triệu chứng nặng, từ đó kịp thời điều trị. Cha mẹ không nên tự ý dùng thuốc, có thể khiến bệnh của trẻ nặng thêm.
Tay chân miệng là bệnh có nguy cơ lây truyền cao và vẫn chưa có thuốc đặc trị. Chính vì thế, cách phòng bệnh tốt nhất là thực hiện vệ sinh cá nhân sạch sẽ, đặc biệt là cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng.
Xem thêm: Ngủ trưa tốt cho sức khỏe, nhưng nếu ngủ theo 4 kiểu sau đây thì có nguy cơ cao bị đột quỵ
Ánh Dương
Theo Người đưa tin