Hợp tác quảng cáo

Bác sĩ "chỉ điểm" 4 lỗi sai mà nhiều mẹ thường mắc, khiến bệnh viêm phế quản của trẻ thêm dai dẳng

Bước vào thời điểm nắng mưa thất thường, thời tiết - nhiệt độ thay đổi liên tục khiến trẻ dễ mắc nhiều bệnh hô hấp, phổ biến nhất là viêm phế quản. Vì là bệnh thường gặp nhưng không quá nguy hiểm, nhiều mẹ thường chọn chữa bệnh tại nhà cho con, dẫn đến việc mắc 4 lỗi sai sau đây, làm tình trạng bệnh ở trẻ thêm nghiêm trọng.

Các chuyên gia sức khỏe đều khẳng định: thời điểm vào mùa hè, sáng trời nắng nóng nhưng đến chiều tối lại có thể mưa hoặc nhiệt độ giảm mạnh như hiện tại chính là nguyên nhân chính gây ra các loại bệnh hô hấp thường gặp, phổ biến nhất là viêm phế quản. Đặc biệt là nhóm trẻ nhỏ dễ mắc bệnh hơn vì nền tảng miễn dịch chưa hoàn thiện, hệ thống đề kháng còn yếu. Khi trẻ mắc bệnh, trẻ sẽ có những biểu hiện như: húng hắng ho, ho khan, ho đờm dai dẳng, hoặc sốt nhẹ.

Tuy nhiên, có một số mẹ lại tỏ ra chủ quan, cho rằng đây là những biểu hiện nhẹ, không đáng kể nên đã tự ý mua thuốc cho trẻ thay vì đưa đến bệnh viện khám. Chỉ khi thấy trẻ có biểu hiện nặng hơn, lười ăn, có biểu hiện sốt cao, mới đưa con đi khám.

Bac si

Các bác sĩ đều nhận định rằng, các bệnh đường hô hấp nói chung thường có triệu chứng khá giống nhau, gây khó khăn cho việc chẩn đoán, điều trị (Ảnh: Internet)

Trong khi đó, nhiều mẹ khi chữa bệnh tại nhà cho con lại thường làm theo lời mách của nhiều người, cộng thêm việc mắc phải 4 sai lầm sau đây khiến tình trạng bệnh thêm nghiêm trọng.

4 sai lầm nhiều cha mẹ mắc phải, khiến việc chữa viêm phế quản ở trẻ không hiệu quả

1. Tự ý cho trẻ uống thuốc

Các bác sĩ cho biết, triệu chứng của bệnh viêm phổi và viêm phế quản khá giống nhau, đều sẽ là sốt, sổ mũi, đau họng, mệt mỏi, ớn lạnh, đau nhức cơ thể, đau đầu, ngạt mũi, ho. Cơn ho có thể xuất hiện nhiều về đêm, có thể ho có đờm.

Trong khi đó, khi thấy con có các triệu chứng ho thì cha mẹ thường không đưa trẻ đi khám ngay. Bởi lẽ, lúc này bệnh nhẹ, trẻ ho nhưng vẫn chơi. Trong nhiều lần thăm khám, bác sĩ gặp các trường hợp người lớn chủ quan, tự chẩn đoán bệnh, đi ra tiệm thuốc tây tự mua kháng sinh cho con uống. Nếu như trẻ bị bệnh nhẹ thì sẽ hết nhưng nếu bệnh lý phức tạp điều này sẽ làm nặng hơn tình trạng bệnh của con. Đến khi trẻ được đưa đến bác sĩ thì tình trạng sức khỏe chuyển nặng.

Bac si

Việc tự ý dùng thuốc điều trị ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ, gây khó khăn cho bác sĩ trong quá trình điều trị (Ảnh: Internet)

2. Kiêng tắm cho trẻ

Khi trẻ nhiễm bệnh về đường hô hấp, đa số các bậc phụ huynh sẽ hạn chế hoặc không cho con tắm vì nghĩ rằng việc tắm có thể khiến con ho nhiều hơn. Dẫu vậy, các bác sĩ cũng lên tiếng đính chính rằng, dù trẻ bị ho sổ mũi do viêm họng, cảm cúm hay cảm lạnh thì mẹ vẫn nên tắm rửa thường xuyên cho bé. Nếu kiêng tắm, vệ sinh cá nhân kém, trẻ ngứa ngáy khó chịu sẽ dễ bị nổi mẩn, hăm, thậm chí gãi gây trầy xước và viêm da, càng khiến trẻ lâu khỏi bệnh hơn. Mặt khác, việc giữ vệ sinh cho trẻ có thể khiến trẻ cảm thấy thoải mái hơn, giúp làm sạch mồ hôi và ngăn chặn các loại vi khuẩn có thể ký sinh trên da, giúp trẻ nhanh chóng khỏi bệnh.

Bac si

Trong những ngày trẻ bệnh, mẹ tắm cho con bằng nước ấm, thời gian tắm nhanh hơn, tắm trong phòng kín. Sau khi tắm xong, dùng khăn bông mềm lau khô người cho trẻ rồi mặc quần áo đã chuẩn bị sẵn. Nên cho trẻ mặc các loại quần áo thoáng mát, tránh gây bí mồ hôi (Ảnh: Internet)

3. Kiêng nhiều món ăn

Một số phụ huynh khi thấy cháu có biểu hiện ho sẽ kiêng nhiều món ăn trong thực đơn của trẻ, đơn cử như thịt gà hoặc thịt tôm. Vì theo nhiều người đồn đoán, đây là hai loại thực phẩm sẽ gây ho nặng hơn, dẫu cho các chuyên gia dinh dưỡng đã nhiều lần bác bỏ thông tin này. Các bác sĩ cũng đồng tình và cho ra cảnh báo, nếu cha mẹ kiêng khem cực đoan trong bữa ăn của trẻ, điều này có thể khiến tình trạng bệnh ngày càng nặng hơn vì mất sức đề kháng do thiếu vi chất, năng lượng. Phụ huynh cần đảm bảo dinh dưỡng tốt cho trẻ. Ngoài ra, bé cũng cần tăng cường rau xanh, hoa quả để tăng sức đề kháng, chống chọi mầm bệnh.

4. Tự ý chữa bệnh theo các phương pháp dân gian

Có rất nhiều trường hợp phụ huynh tự chữa trị cho con bằng các bài thuốc dân gian. Việc này rất không nên vì chưa có khoa học kiểm chứng các phương pháp này, nguy cơ cao gây ảnh hưởng đến cơ thể và sức khoẻ của bé. Do 80% tác nhân gây viêm phế quản là virus nên đối với những trường hợp viêm phế quản nhẹ sẽ có thể tự khỏi. Tuy nhiên các triệu chứng bệnh vẫn sẽ kéo dài 1-2 tuần. Quan trọng hơn là cha mẹ cần đưa trẻ đến khám để nghe ý kiến từ bác sĩ, tránh tự ý điều trị.

Nhìn chung, để hạn chế việc trẻ mắc viêm phế quản, cha mẹ cần vệ sinh mũi, họng bằng nước muối sinh lý cho trẻ hàng ngày, tránh ăn đồ lạnh, gia đình giữ nhà cửa sạch sẽ, thông thoáng. Khi ra đường, trẻ cần mang khẩu trang, hạn chế tiếp xúc nơi đông người. Người lớn cần chú ý quan sát trẻ, phát hiện sớm triệu chứng về đường hô hấp như sốt, ho để kịp thời đưa trẻ đến bác sĩ khám, chẩn đoán sớm.

Xem thêm: Lionel Messi bị thiếu hormone tăng trưởng, đây là những dấu hiệu cần nhận biết ở con bạn

Quỳnh Giang

Theo Người đưa tin

Tin cùng chuyên đề

TIN KHÁC

Sống tâm lý

Cho con

Giảm béo