Khi vắt ra để dành, sữa mẹ cũng cần được bảo quản an toàn để tránh nhiễm khuẩn, gây ra tiêu chảy, ói mửa… ở bé.
Bảo quản sữa mẹ ở nhiệt độ nào?
Sữa mẹ còn tươi có thể được bảo quản trong 6 giờ ở nhiệt độ ổn định (25 độ C hoặc thấp hơn), sau đó chuyển sang môi trường mát như tủ lạnh có thể bảo quản thêm 4 giờ nữa. Nếu sữa mẹ được cho vào ngăn lạnh ngay sau khi vắt có thể bảo quản từ 3-5 ngày (ở nhiệt độ 4 độ C hoặc thấp hơn).
Thời gian bảo quản sữa mẹ có thể lên đến 3 tháng nếu để sữa ở ngăn trước của tủ đông, và nhiều nhất là sáu tháng nếu để ở ngăn đáy của tủ đông. Những dụng cụ được chọn để chứa sữa mẹ phổ biến hiện nay là bình bú bằng nhựa hoặc bình bú bằng thủy tinh có nắp đậy kín.
Ngoài ra, còn có loại túi bằng nhựa đặc biệt, chỉ dùng một lần, dành riêng để bảo quản sữa mẹ. Trên thị trường cũng có bán loại túi làm lạnh giúp bảo quản sữa mẹ trên 24 giờ đồng hồ.
“Hâm nóng” sữa mẹ
Trước khi làm ấm sữa đang được bảo quản lạnh, bạn nên lấy sữa ra khỏi ngăn đá cho xuống ngăn mát của tủ lạnh, để qua đêm (nếu muốn nhanh hơn thì hãy đặt chai (túi) sữa trong nước ấm). Tránh dùng nước sôi để làm ấm sữa, như thế sữa sẽ dễ bị đóng cục, mất đi những thành phần có tính kháng khuẩn tự nhiên và làm giảm mùi vị của sữa.
Cũng nên tránh dùng lò vi sóng để hâm nóng hay rã đông sữa, vì độ nóng của lò sẽ phá hỏng cấu trúc, thành phần protein và những chất miễn dịch quý giá trong sữa. Trong quá trình làm ấm sữa, bạn có thể thay vài lần nước nóng khi ngâm chai sữa vào.
Khi sữa đã ấm, cần lắc đều và cho trẻ uống hết ngay trong một lần. Phần sữa còn thừa nên bỏ đi nếu trẻ không uống hết. Sữa sau khi được làm ấm chỉ có thể bảo quản ở nhiệt độ phòng trong khoảng một giờ. Vì thế, nếu chưa cho trẻ uống ngay, thì không nên làm ấm sữa vội. Cách bảo quản tốt nhất sữa mẹ khi đã được làm ấm là để trong nước ấm.
Lưu ý
- Nên ghi chú ngày trên từng chai sữa hoặc túi bảo quản sữa trước khi cất vào tủ lạnh.
- Quy trình làm lạnh sữa có khuynh hướng làm mất đi một số thành phần đề kháng có trong sữa, vì thế bạn chỉ nên làm lạnh sữa trong những giới hạn cho phép.
- Có thể làm ấm lại sữa và cho trẻ uống tiếp nếu như sữa bảo quản ở nhiệt độ phòng không quá một giờ. Phần sữa còn thừa sau đó, phải bỏ đi.
- Không tái làm đông sữa đã được rã đông.
- Không bảo quản sữa ở ngăn cánh cửa tủ lạnh, vì nhiệt độ ở ngăn này thường xuyên thay đổi.
- Tuyệt đối không để sữa dưới ánh nắng mặt trời để rã đông.
Thủy Trúc
Theo chuyên đề Sức Khỏe Gia Đình - NXB Y học