Động kinh hay còn gọi là giật kinh phong là một căn bệnh mạn tính với những biểu hiện đặc trưng là các cơn co cứng, co giật, mất ý thức tạm thời. Căn bệnh này thường xuất hiện ở mọi đối tượng, mọi lứa tuổi, từ trẻ sơ sinh đến người lớn trên 65 tuổi.
Nhận biết và phân biệt bệnh động kinh với các bệnh khác
Động kinh là bệnh lý xảy ra do sự bất thường trong não bộ dẫn đến kích thích đồng thời một nhóm các tế bào thần kinh của vỏ não và gây ra sự phóng điện đột ngột, không kiểm soát được. Điều này gây ra hiện tượng các cơ co giật lặp đi lặp lại nhiều lần với những thay đổi từ cảm giác, nhận thức đến hành vi vận động.
Biểu hiện của cơn động kinh phụ thuộc vào vùng vỏ não bị kích thích. Các cơn động kinh có thể xảy ra với nhiều mức độ nặng nhẹ khác nhau từ vắng ý thức, co cứng, co giật chân tay hoặc toàn thân. Cơn co giật do động kinh, xuất hiện một cách đột ngột, thường có tính chất lặp lại theo một kỳ nhất định, với những cơn co giật cục bộ hoặc toàn thân điển hình với đặc điểm giống nhau.
Phân loại bệnh động kinh và những triệu chứng điển hình
Động kinh được chia thành 2 loại chính là động kinh cục bộ và động kinh toàn thể, tương ứng với một loại sẽ có những thể bệnh điển hình khác nhau
Động kinh cục bộ: Do ổ hưng phấn ở võ não, có thể chỉ kích thích tại chỗ hoặc sau lan ra toàn bộ vỏ não, gián tiếp gây ra các cơn co giật. Động kinh cục bộ chia thành 3 loại:
- Động kinh cục bộ thùy trán
- Động kinh cục bộ thùy thái dương
- Động kinh thực vật
Động kinh toàn thể: Xảy ra do kích thích cả hai bên vỏ não và thường gây ra các cơn co giật toàn thân. Động kinh toàn thể bao gồm:
- Động kinh Tonic - Clonic (co cứng - co giật)
- Động kinh vắng ý thức thường xảy ra ở trẻ em
- Động kinh Myoclonic (mất trương lực cơ).
Khi con bạn có bất kì dấu hiện của bệnh động kinh trên, hãy đưa con đến chuyên khoa thần kinh để được điều trị bệnh kịp thời.
Thanh Quế
Theo chuyên đề Sức Khỏe Gia Đình - NXB Y học