Tính từ đầu năm 2023 cho đến thời điểm hiện tại, nước ta ghi nhận tổng cộng 93.800 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, với hơn 26 ca tử vong. Theo Bộ Y tế, việc xuất hiện các ca tử vong là một thực trạng báo động, mà nguyên nhân chủ yếu là bắt nguồn từ 4 sai lầm phổ biến sau đây.
Dựa trên y văn cho biết, sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra, có thể gây thành dịch. Virus Dengue xâm nhập từ người bệnh sang người lành thông qua vết muỗi đốt, vật chủ truyền bệnh thường là muỗi vằn.
Muỗi vằn là vật trung gian của virus Dengue gây ra bệnh sốt xuất huyết ( Nguồn: internet)
Triệu chứng nhẹ cho căn bệnh sốt xuất huyết thường xảy ra tại phần lớn người mới mắc bệnh lần đầu do cơ thể chưa có miễn dịch với bệnh và không có biến chứng. Người bệnh thường bị sốt trong vòng 4 - 7 ngày, sốt cao lên đến 40.5 độ C, đau khớp, cơ và phía sau mắt, buồn nôn và ói mửa, phát ban trong vòng 3 - 4 ngày và giảm sau 1 - 2 ngày.
Triệu chứng nặng sẽ bao gồm các dấu hiệu như chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, vết bầm tím, nôn/ói ra máu, đi cầu phân đen (do bị xuất huyết nội tạng), kèm theo đau bụng, buồn nôn, chân tay lạnh, người vật vã, hốt hoảng (hội chứng choáng do xuất huyết nội tạng gây mất máu, tụt huyết áp), nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
Hội chứng sốc Dengue được xem thể bệnh nghiêm trọng nhất đối với bệnh nhân mắc sốt xuất huyết. Dấu hiệu của bệnh bao gồm tất cả những triệu chứng kể trên, đồng thời làm xuất hiện thêm tình trạng xuất huyết nặng và tụt huyết áp, ứ dịch ở khoang màng phổi và ổ bụng nhiều. Trường hợp này nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
Trong hơn 98.300 ca mắc sốt xuất huyết, có rất nhiều trường hợp gặp phải các dấu hiệu trở nặng cần cấp cứu và chăm sóc y tế đặc biệt, trong đó đã có 26 ca tử vong. Các bác sĩ giải thích, hiện tượng này xảy ra phần lớn là bởi 4 sai lầm dưới đây.
Có rất nhiều người có thái độ chủ quan với căn bệnh sốt xuất huyết nên đã không đến cơ sở y tế để được thăm khám và theo dõi, đây chính là một nguyên nhân phổ biến khiến tình trạng bệnh trở nặng và nguy kịch. Bộ Y tế cho biết, dù cho sốt xuất huyết có 3 giai đoạn, bao gồm: nhẹ, cần chú ý và nặng như đã liệt kê ở trên. Đối với triệu chứng nhẹ, ta có thể theo dõi tại nhà nhưng chỉ khi đã nhận được chỉ định của bác sĩ.
Vì thế, khi nghi ngờ bản thân có dấu hiệu nhiễm bệnh, tốt hơn hết người bệnh cần đi khám để được chẩn đoán và theo dõi bởi bệnh có thể tiến triển từ mức độ nhẹ sang nặng một cách âm thầm. Đối với sốt xuất huyết ở mức độ nặng có thể gây ra biến chứng nặng như xuất huyết nội tạng, tổn thương não, tổn thương gan thận, thậm chí tử vong nếu chủ quan không đi thăm khám.
Nếu có chỉ định theo dõi tại nhà, cần lưu ý tái khám thường xuyên, nhập viện ngay khi có các dấu hiệu cảnh báo bệnh tiến triển theo chiều hướng xấu (Ảnh: Internet)
Sự thật là sau giai đoạn sốt cao lại chính là GIAI ĐOẠN NGUY HIỂM nhất của bệnh. Sau 2 - 7 ngày, ta thường sẽ hết sốt và đỡ khó chịu hơn nhưng không nghĩ rằng đây lại là thời điểm quyết định bệnh có trở nặng hay không. Ở thời kỳ này, virus Dengue đã làm hệ miễn dịch suy yếu đi rất nhiều. Triệu chứng bắt đầu nhận rõ như: xuất huyết dưới da, chảy máu cam. Tùy vào mức độ cũng như biến chứng của bệnh có thể dẫn đến chảy máu nội tạng, tràn dịch màng phổi, xuất huyết tiêu hóa, thậm chí tử vong. Chính vì vậy, đây là giai đoạn cần được theo dõi sát sao bởi bác sĩ.
Virus Dengue có thể gây ra 4 type gây bệnh, được ký hiệu là D1, D2, D3, D4. Mỗi người khi mắc bệnh bởi type nào thì miễn dịch được tạo thành sau khi khỏi bệnh chỉ có tính đặc hiệu đối với type đó, do đó bệnh sốt xuất huyết có thể xuất hiện lại lần thứ 2 hoặc thứ 3 bởi những type khác kể cả khi mọi người đã từng mắc bệnh trước đó.
Những triệu chứng đầu tiên khi bệnh sốt xuất huyết khởi phát sẽ bao gồm: sốt rét, đau nhức toàn thân, đau cơ khớp, đau đau đầu,... Tuy nhiên, vì đây cũng là triệu chứng phổ biến nên đa phần mọi người thường cho là do cảm cúm hoặc sốt do virus và tự ý mua thuốc giảm đau/ giảm sốt về dùng, trong đó có 2 loại là aspirin và ibuprofen. Hai loại thuốc này sẽ làm cho tình trạng chảy máu ở người bệnh trầm trọng hơn, có thể xuất huyết dạ dày dữ dội, nguy hiểm đến tính mạng.
Bởi bệnh sốt xuất huyết Dengue gây ra tình trạng rối loạn đông máu, khiến cho cơ thể dễ bị chảy máu. Ở thể nhẹ sẽ bị xuất huyết dưới da với các chấm đỏ trên da hoặc vết bầm. Ở thể nặng sẽ gây chảy máu răng, chảy máu cam, nôn (ói) ra máu hoặc tiêu phân đen. Trong khi đó, thuốc aspirin và ibuprofen cùng có tác dụng ngăn sự tập kết tiểu cầu, chống đông máu. Aspirin còn có tác dụng phụ là loét dạ dày tá tràng và có thể gây xuất huyết dạ dày, ói ra máu.
Tuyệt đối không tự ý mua thuốc ngoài về uống khi nghi ngờ bị sốt xuất huyết - nhất là khi đã thấy các triệu chứng đặc thù của bệnh. Thay vào đó, cần đến bệnh viện thăm khám để có kết quả chính xác nhất (Ảnh: Internet)
Các chuyên gia sức khỏe khuyến cáo, muỗi có thể đẻ quanh năm nên mọi người cần chủ động phòng ngừa mỗi ngày, chứ không nên chờ đến mùa bệnh mới bắt đầu thực hiện biện pháp. Theo đó, mọi người hãy ngừa bệnh sốt xuất huyết bằng những việc làm như sau:
1. Giữ gìn nơi ở, môi trường sống xung quanh luôn sạch sẽ
2. Tuyệt đối không được trữ nước ở các thùng, xô chậu hay các dụng cụ khác trong nhà, để muỗi không có cơ hội đẻ trứng
3. Áp dụng một số biện pháp như đốt hương muỗi, vợt muỗi và phun thuốc diệt muỗi
4. Phát quang bụi rậm, bụi cỏ xung quanh nhà
5. Mắc màn khi ngủ để tránh bị muỗi đốt
6. Nếu có dấu hiệu sốt nên đến ngay cơ sở y tế để khám và được tư vấn điều trị, tuyệt đối không tự điều trị tại nhà.
Trên đây là những thông tin hữu ích để người đọc hiểu hơn về bệnh sốt xuất huyết đang lan rộng ở hiện tại, giúp mọi người có thể phòng bệnh nói chung và ngăn chặn tình trạng trở nặng nói riêng. Mọi người hãy cùng nâng cao ý thức bảo vệ gia đình và cộng đồng trước căn bệnh này nhé.
Xem thêm: 10 thức uống tự nhiên giàu collagen giúp bạn kéo dài tuổi thanh xuân
Quỳnh Giang
Theo Người đưa tin