Hợp tác quảng cáo

Bệnh tim - “sát thủ” phòng ngủ?

(SKGĐ) Với quan niệm bệnh tim chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng “ngã ngựa” ngay giữa “trận mạc”, nhiều người đã nói “không” với “chuyện ấy. Thế nhưng, sự thực có phải như vậy?

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

“Chuyện ấy” của người bệnh  tim

“Ăn chay” ở những cặp vợ chồng có người đang gặp rắc rối với vấn đề tim mạch vốn không phải là chuyện hiếm. Xưa nay, người ta vẫn truyền tai nhau chuyện những bệnh nhân tim mạch bị gục ngã ngay giữa “chiến trận” như một cách nhắc nhở: “chuyện ấy” không đùa với bệnh tim.

Chẳng thế mà khi vừa nghe bác sĩ kết luận con trai bị suy tim độ I, bà Nguyễn Thị Thủy (Sơn Tây, Hà Nội) đã kéo con dâu vào phòng, nước mắt ngắn dài nhắc nhở: “Thôi, chồng con nó đã thế rồi thì con phải thông cảm, đừng vì “chuyện ấy” thiếu thốn mà mặt nặng mặt nhẹ, kẻo nó lại suy nghĩ, không tốt cho sức khỏe. Mà nếu nó có “đòi” thì con cũng phải nhẹ nhàng từ chối. Cái này mình phải cương quyết, chứ cứ chiều theo ý nó, nhỡ có chuyện gì xảy ra thì lại khổ cả nhà, mà khổ nhất là bọn trẻ. Mẹ biết như thế cũng thiệt thòi cho con, nhưng mình là vợ, mình phải chấp nhận hi sinh vì chồng, vì con”.

Rồi để con dâu hiểu hơn sự nguy hiểm của bệnh tim - kẻ “giết người” thầm lặng, bà kể: “Con nhớ cô Thanh ở xí nghiệp mẹ không? Chồng cô ấy cũng bị tim đấy. Ngày ấy mẹ đã dặn là phải kiêng, nhưng cô ấy bảo vợ chồng chưa có con nên cố kiếm một đứa. Thế rồi con chẳng thấy đâu, chồng lại đột tử ngay trên bụng vợ. Khổ thân. Cô ấy gần như phát điên, rồi ở vậy cho đến tận bây giờ”.

Không chỉ có những người phụ nữ yếu đuối mới bị ám ảnh về những lần “ngã ngựa” do bệnh tim mà những người cứng bóng vía hơn như anh Trần Quốc Văn (Nguyễn Như Đổ, Hà Nội) cũng thấy hoảng hồn vì căn bệnh này. Anh tâm sự: “Vợ trước của mình bị suy tim độ II. Lúc mới lấy nhau, mình không biết, chỉ nghĩ là cô ấy sức khỏe yếu thôi. Cô ấy cũng không biết là đang bị bệnh tim nên hai vợ chồng chẳng kiêng khem gì “chuyện ấy”. Rồi một lần đang “lâm trận”, lúc thăng hoa nhất thì mình thấy cô ấy thở gấp, mặt mũi tím tái, mắt có dấu hiệu trợn ngược. Sợ quá, mình hốt hoảng gọi cấp cứu và mặc vội quần áo đưa vợ đến bệnh viện. Sau khi được bác sĩ giải thoát khỏi bàn tay tử thần, cô ấy nhất mực đòi chia tay vì nghĩ như thế là không làm tròn trách nhiệm của người vợ. Cộng với sức ép của gia đình, cuối cùng, mình cũng để cô ấy ra đi. Cũng đau khổ lắm nhưng chẳng biết làm thế nào”.

Trong khi hầu hết mọi người đều cho rằng bệnh tim chính là nguyên nhân dẫn dẫn đến những lần “ngã ngựa” ngay giữa “trận mạc”, thì các bác sĩ khẳng định thực tế lại không hẳn vậy. Bởi lẽ, tỷ lệ người mắc bệnh tim có khuynh hướng bị co thắt ngực do động mạch vành bị tắc nghẽn trong lúc “yêu” chỉ chiếm từ 1-5%.

Những trường hợp bị “gục ngã” là do tim của bạn đã bị xuống cấp theo thời gian và lần vận động đó chỉ là giọt nước tràn ly, chứ không phải là nguyên nhân cội rễ. Tức là, nếu không có lần “vận động” ấy thì sớm hay muộn, quả tim đó cũng sẽ rơi vào tình trạng thoi thóp vì bản thân nó đã quá yếu rồi. Điều này có nghĩa là “ăn chay” không phải là cách giúp bệnh nhân tim có thể phòng tránh được những lần đột quỵ.

“Yêu” thế nào cho đúng?

Theo Ths. Lê Lan Anh (chuyên gia tư vấn về Sức khỏe sinh sản, Sức khỏe tình dục thuộc Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số): Những người mắc suy tim độ I, II vẫn có thể có đời sống tình dục như người bình thường, thậm chí “chuyện ấy” còn rất tốt cho sức khỏe bởi nó không chỉ là hoạt động thể dục nhẹ nhàng, giúp phục hồi các chức năng, mà cảm giác sảng khoái do cực khoái mang lại cũng khiến tâm lý người bệnh trở nên thoải mái, dễ chịu hơn.

Đối với người suy tim độ III trở lên, hoạt động tình dục nếu được thực hiện điều độ cũng mang lại nhiều lợi ích cho cơ thể. Tuy nhiên, ở đây không có khái niệm điều độ chung cho tất cả mọi người. Điều độ chỉ có thể hiểu là tần suất quan hệ phải phù hợp với độ tuổi cũng như tình trạng sức khỏe hiện tại của từng người và tuyệt đối phải tránh tình trạng “no dồn, đói góp”. Chính vì thế, không thể lấy “chuẩn” của người này để áp dụng cho người khác.

Vẫn theo Ths. Lê Lan Anh, trong quá trình thực hiện các nghiên cứu về đời sống tình dục của người Việt Nam, bà cũng đã từng gặp những trường hợp người bệnh tim lo lắng về việc cảm giác hụt hơi sau khi “lên đỉnh”. Thế nhưng, thực tế cho thấy, khi quan hệ tình dục, nhịp thở sẽ tăng dần. Lúc “lên đỉnh”, huyết áp và nhịp tim có tăng nhẹ, da ửng hồng, ngoài cảm giác sảng khoái, cơ thể sẽ thấy mệt chút xíu. Tất cả những biểu hiện này đều là bình thường nên nếu gặp phải, bạn không cần quá lo lắng.

Mặc dù vẫn có thể “yêu”, thế nhưng, Ths. Lê Lan Anh cho rằng: những người bị bệnh tim vẫn cần có chỉ định nhất định khi “lâm trận”, trong đó quan trọng nhất là không nên có hoạt động tình dục gắng sức. Như vậy, trong quá trình “lâm trận” mà nhận thấy các biểu hiện như: khó thở, đau thắt ngực… bạn nên dừng ngay lại chứ tuyệt đối không được vì “tiếc của” mà quyết “lên đỉnh” bằng được.

Ngoài ra, khi thấy cơ thể mệt nhiều, bạn cũng nên chia sẻ thẳng thắn để đối tác hiểu và thông cảm bởi cố “chiều” bạn tình trong trường hợp này sẽ khiến bạn gặp nhiều nguy hiểm. Do vậy, bạn chỉ “lâm trận” khi thực sự thấy thoải mái về tinh thần và sức khỏe.

Bên cạnh những lưu ý trên, theo Ths. Lê Lan Anh, người bệnh tim không nên “yêu” khi vừa ăn xong mà nên chờ ít nhất 1-3 tiếng để thức ăn đã được hóa phần nào, tránh tình trạng tim phải cùng lúc cung cấp máu cho hệ tiêu hóa và tim.

Thời điểm lý tưởng nhất để “yêu” trong ngày là buổi sáng, sau một đêm đã được nghỉ ngơi thoải mái. Đặc biệt, người mắc bệnh tim mạch không được uống rượu trước khi “lâm trận” cũng như cần phải tránh những tư thế phức tạp, mất sức hay tạo áp lực lên thành ngực. Cuối cùng, dù suy tim độ mấy, nặng hay nhẹ, bạn phải luôn sẵn sàng thuốc men theo chỉ định của bác sĩ.

Dương Phương

Tin cùng chuyên đề

TIN KHÁC

Sống tâm lý

Gia đình khỏe

Giảm béo