Những bạn trẻ đang ở độ tuổi dồi dào sức khỏe, hoài bão tuy nhiên cũng dễ mắc phải bệnh trầm cảm. Vì sao ở độ tuổi thanh xuân tươi đẹp mà các bạn trẻ lại mắc trầm cảm?
Tưởng chừng như bệnh trầm cảm chỉ xảy ra đối với những người đi làm, đối mặt với áp lực công việc hay nỗi lo cơm áo gạo tiền cho gia đình. Tuy nhiên, có một thực trạng đáng lo ngại, bệnh trầm cảm đang bủa vây giới trẻ. Vì sao học sinh, sinh viên, các bạn trẻ lại gặp phải vấn đề này? Gia đình và xã hội phải làm gì để giúp thế hệ trẻ thoát khỏi căn bệnh này?
Nguyên nhân bệnh trầm cảm ở giới trẻ
Do sự kỳ vọng quá lớn từ phía gia đình:
Thời nay, khi kinh tế được cải thiện đáng kẻ, nhiều gia đình hiện đại chỉ sinh từ 1 đến 2 con. Vì thế, con cái được cha mẹ yêu thương hết mức và đặt nhiều kỳ vọng.
Bệnh trầm cảm đang gia tăng ở giới trẻ |
Rất nhiều bậc cha mẹ còn ảo tưởng về tài năng siêu phàm hay sự giỏi giang của con. Luôn luôn thể hiện mong muốn, áp đặt thành tích học tập, rèn luyện lên đôi vai của chúng.
Sự quan tâm, kỳ vọng thái quá này vô tình tạo cho những đứa trẻ một áp lực vô hình cực kỳ nặng nề. Sợ bị cha mẹ thất vọng, thua kém bạn bè, không được chia sẻ đã đẩy những đứa trẻ rơi vào trạng thái trầm cảm mà ít bậc cha mẹ để ý.
Sự cô đơn trong cuộc sống:
Trong cuộc sống hiện đại tấp nập, bộn bề, nhiều bậc cha mẹ quá bận rộn với cuộc sống mưu sinh, công danh sự nghiệp hoặc dành ít thời gian chia sẻ với con cái về chuyện học tập, sinh hoạt, cuộc sống. Những đứa trẻ cảm thấy mình lạc lõng, bị cha mẹ bỏ rơi, không người chia sẻ dễ dẫn tới bệnh trầm cảm.
Trầm cảm bởi chuyện yêu đương không như mong muốn:
Chia tay thường dẫn tới bệnh trầm cảm và điều này hay xảy ra với các bạn gái. Trong tình yêu, những bạn nữ suy nghĩ rất nhiều, đôi khi cảm thấy kiệt sức về việc tạo một mối quan hệ mới lâu bền. Sau khi chia tay, tỷ lệ buồn, lo âu, thất vọng, chán nản và những cảm xúc tiêu cực đến với các bạn nữ cao hơn các bạn nam.
Thất tình là một trong những nguyên nhân gây ra trầm cảm |
Theo thống kê, có 43% bạn trẻ mất ngủ trong nhiều tháng sau khi chia tay. Điều này làm cho các bạn trẻ mệt mỏi, kiệt sức dễ dẫn đến tình trạng trầm cảm hơn.
Điều trị và phòng bệnh trầm cảm ở giới trẻ
Điều trị bệnh trầm cảm ở giới trẻ cần được sự phối hợp giữa cha mẹ, gia đình và trường lớp, giáo dục cho họ để tự thoát khỏi tình trạng này. Hoặc ngoài ra, có thể kết hợp điều trị tâm lý với sử dụng thuốc (chống trầm cảm, an thần) để giúp giới trẻ thoát ra khỏi bệnh nhanh chóng nhất.
Gặp bác sĩ tâm lý là một phương án tốt giúp trị bệnh trầm cảm |
Để tự mình thoát ra khỏi căn bệnh này, các bạn trẻ có thể tìm sự hỗ trợ từ những giải pháp:
Trò chuyện với bác sĩ tâm lý:
Ngay khi bạn cảm thấy mình bế tắc trong vấn đề nào đó, bạn nên tìm đến bác sĩ, họ sẽ là tư vấn viên tuyệt vời cho bạn. Họ có chuyên môn để giúp bạn thoát ra khỏi tình trạng bế tắc và xem xét bạn có cần đến sự trợ giúp của các loại thuốc hay không. Hãy tìm đến bác sĩ trước khi tình trạng bệnh lý trở nên tồi tệ hơn nếu không được chữa trị. Bạn nên tìm kiếm sự giúp đỡ càng sớm càng tốt.
Chia sẻ với người thân hoặc bạn bè thân thiết:
Nếu bạn cảm thấy lo sợ hoặc không tin tưởng khi gặp bác sĩ tâm lý, bạn nên trò chuyện với người mà bạn tin tưởng và nhờ họ giúp đỡ. Khi nhận được sự hỗ trợ và chia sẻ từ phía người thân yêu hoặc bạn bè, quá trình điều trị và trở lại bình thường của bạn sẽ trở nên dễ dàng hơn.
Từ phía gia đình, nhà trường, cần có sự quan tâm đặc biệt tới giới trẻ. Sự quan tâm, chia sẻ đúng mức sẽ giúp cho giới trẻ có sức khỏe tinh thần vững mạnh hơn. Ngoài ra, nếu như phát hiện con mình có dấu hiệu trầm cảm, cha mẹ nên đưa con tới bác sĩ tâm lý để được chữa trị kịp thời.
Bệnh trầm cảm ở giới trẻ là hồi chuông cảnh báo dành cho cha mẹ, thầy cô giáo và cộng đồng. Việc giáo dục sức khỏe tinh thần vô cùng quan trọng, đi đôi với giáo dục sức khỏe thể chất. Hãy quan tâm đúng cách tới con em mình để chúng được phát triển khỏe mạnh nhất.
Khuyên Vũ
Theo chuyên đề Sức Khỏe Gia Đình