Dưới góc nhìn của Đông y, việc trong miệng bỗng nhiên xuất hiện mùi vị lạ là dấu hiệu tiềm tàng của nhiều bệnh lý khác nhau. Vì thế, bạn tuyệt đối không chủ quan với tình trạng này, nhất là khi phát hiện trong miệng thường có 5 vị sau đây - bởi khả năng cao là có bệnh nghiêm trọng đang “ẩn nấp” trong cơ thể.
Thông thường tình trạng có vị lạ trong miệng chỉ xảy ra khi chúng ta ăn những thứ có vị mạnh, nặng mùi như tỏi hay hành tây. Mặc dù vậy, hầu hết những vị này đều có thể dần nhạt đi hoặc được loại bỏ bởi các phương pháp vệ sinh răng miệng.
Tuy nhiên, nếu bạn nhận thấy vị giác thay đổi và kéo dài hơn một vài ngày thì nó có thể là dấu hiệu cảnh báo sức khỏe. Theo các chuyên gia, nếu cảm thấy 5 vị dưới đây xuất hiện kéo dài trong miệng, bạn có thể đang gặp vấn đề về sức khỏe, thậm chí là đang có bệnh nghiêm trọng âm thầm khởi phát.
Nếu thường xuyên cảm thấy trong miệng có vị chua chua, khả năng cao là hệ tiêu hóa của bạn đang gặp vấn đề, phổ biến nhất là tình trạng trào ngược dạ dày thực quản hoặc viêm loét dạ dày. Khả năng sẽ càng cao hơn nếu bạn luôn thấy có những cơn ợ chua, ợ nóng đi kèm.
Cụ thể, đây là hiện tượng dư thừa axit trong dạ dày khiến chúng bị đẩy ngược lên trên thực quản, tập trung và đọng lại ở hầu họng. Quá trình trào ngược làm tuyến nước bọt tiết ra nhiều hơn, khi đó nước bọt có lẫn cả dịch dạ dày nên sẽ có vị chua hoặc đắng. Đây chính là lý do người bệnh trào ngược dạ dày thường bị chua miệng.
Nếu nhận thấy dấu hiệu chua miệng kéo dài khá lâu, kèm theo nhiều triệu chứng khác như ợ nóng, ợ chua thì phải đi thăm khám dạ dày gấp. Vì nếu chủ quan bỏ qua, bệnh sẽ càng thêm nghiêm trọng và có thể dẫn đến ung thư dạ dày (Ảnh: Internet)
Tình trạng không đánh răng hoặc không dùng chỉ nha khoa thường xuyên có thể khiến bạn cảm thấy vị kim loại trong miệng. Nguyên nhân có thể là do bạn đã mắc phải chứng viêm nướu, viêm nha chu hoặc nhiễm trùng răng miệng. Những chứng bệnh nha khoa này có thể khiến bạn bị chảy máu chân răng sau khi vệ sinh, đôi khi dẫn đến mùi vị kim loại.
Các nha sĩ có thể kê thuốc để loại bỏ nhiễm trùng, sau đó vị kim loại sẽ biến mất. Bạn nên thường xuyên làm sạch răng miệng và chọn nơi nhổ răng khôn uy tín vì tiểu phẫu nhổ răng khôn cũng có thể gây ra mùi vị kim loại.
Vấn đề miệng có vị kim loại xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Nếu bạn cảm giác miệng mình có vị kim loại thì hãy đến ngay bác sĩ để chữa trị. Bên cạnh đó, bạn nên thay đổi thói quen sống hàng ngày để hạn chế tối đa triệu chứng này.
Theo Đông y, bỗng dưng thấy miệng đắng được xem là dấu hiệu cảnh báo các loại bệnh viêm cấp tính như viêm gan, viêm mật. Thường xảy ra do có sự cản trở trong quá trình trao đổi chất của dịch mật. Không chỉ dừng lại ở dấu hiệu đắng miệng, người đang mắc bệnh về gan mật cũng sẽ nhận thấy được nhiều triệu chứng khác như: đau đầu, chóng mặt, mắt đỏ, tính tình nóng nảy dễ cáu giận, đại tiện táo bón, chán ăn,
Ngoài ra, miệng đắng cũng là một dấu hiệu tương đối phổ biến của nhiều bệnh ung thư khác nhau. Điều này có quan hệ tới việc thay đổi thành phần trong nước bọt và trở ngại tuần hoàn huyết dịch ở lưỡi của bệnh nhân.
Miệng có vị đắng đột ngột là dấu hiệu không thể xem thường. Để biết được nguyên nhân chính xác gây nên tình trạng đắng miệng, mọi người hãy nên thăm khám càng sớm càng tốt (Ảnh: Internet)
Trong miệng liên tục có vị ngọt dù bạn không hề ăn đồ ngọt thì khả năng cao là do bệnh tiểu đường type 2 đang diễn ra âm thầm. Bởi khi đó, cơ thể không thể kiểm soát lượng đường trong máu, nồng độ glucose cao gây ra vị ngọt trong miệng. Ngoài ngọt miệng, bạn sẽ có kèm theo các hiện tượng như khô miệng, đi tiểu thường xuyên và tầm nhìn mờ.
Một vấn đề khác gây nên vị ngọt trong miệng đó là bạn đã bị nhiễm toan ceton. Đây là biến chứng cấp tính của bệnh tiểu đường loại 2, xảy ra khi đường huyết trong máu tăng cao dẫn đến ceton trong máu cũng tăng theo, dẫn đến nhiễm toan chuyển hóa. Một trong những triệu chứng của nhiễm toan ceton là mùi thơm ngọt trong hơi thở và vị ngọt trong miệng.
Vị mặn trong miệng có thể là một dấu hiệu mất nước vì cơ thể đang cố gắng giữ nước bằng cách sản xuất ít nước bọt hơn. Khi đó, cơ thể thiếu độ ẩm và chất dịch trong cơ thể chúng ta nên sẽ gây ra cảm giác luôn khát nước và có vị mặn trong miệng. Trong thành phần của nước bọt có chứa muối, nếu cơ thể thiếu nước nồng độ muối sẽ cao hơn thậm chí khiến chúng ta khát và khó thở.
Để cơ thể bị thiếu nước trong thời gian dài có thể khiến cơ thể bị rối loạn điện giải, cực nguy hiểm đến tính mạng. Hãy chắc chắn bạn bổ sung từ 2 - 2,5 lít nước mỗi ngày cho cơ thể (Ảnh: Internet)
Trong nhiều trường hợp, có vị mặn trong miệng còn là dấu hiệu cảnh báo thận đang gặp vấn đề. Dưới quan điểm Đông y, miệng mặn phần nhiều do thận hư gây nên như kèm theo các chứng mỏi lưng mỏi gối, váng đầu ù tai, mồ hôi trộm, mạch đập nhỏ gọi là miệng mặn do thận âm hư. Nếu có lạnh buốt chân tay, thần sắc uể oải, mỏi mệt rã rời, đi giải đêm nhiều lần, liệt dương, lưỡi dày, mạch trầm tế,... gọi là miệng mặn do thận dương hư. Nói chung, để biết được nguyên nhân chính xác, mọi người vẫn nên đi khám thận sớm nhất có thể.
Trên đây là 5 vị lạ khi xuất hiện trong miệng là dấu hiệu cảnh báo của nhiều bệnh lý khác nhau. Để không khiến sức khỏe bị ảnh hưởng và ngăn chặn bệnh không trở nên trầm trọng, mọi người tuyệt đối không được lơ là, cần thăm khám ngay để biết nguyên nhân và điều trị kịp thời.
Xem thêm: Chuyên gia mách mẹo giúp trẻ tăng cân lành mạnh, không lo béo phì
Quỳnh Giang
Theo Người đưa tin