Chúng ta có rất nhiều thói quen đi vệ sinh được cảnh báo là không tốt cho sức khỏe, có thể gây ra nhiều nguy cơ bệnh tật, thậm chí nguy hiểm cho tính mạng. Nhưng cụ thể, những thói quen ấy là gì và hậu quả khôn lường ra sao? Hãy cùng Sức khỏe Gia đình tìm hiểu nhé.
Tình trạng táo bón sẽ khiến bạn phải rặn nhiều hơn bình thường, đặc biệt là những người cao tuổi. Tuy nhiên hành động này được các bác sĩ khuyến cáo là có khả năng làm gia tăng áp lực lên vùng bụng, lượng máu hồi về tim tăng nhanh, huyết áp và lượng oxy cơ tim tiêu thụ cũng tăng đột ngột.
Và với những người bị mắc bệnh tim hoặc có tiền sử, đi đại tiện theo cách này có thể làm thiếu máu cục bộ cơ tim, gây ra các cơn đau thắt ngực, rối loạn nhịp tim, thậm chí có thể gây đột quỵ bất ngờ.
Hãy hạn chế việc rặn khi đi đại tiện. Trong trường hợp cần thiết nên uống một số loại thuốc nhuận tràng với sự hướng dẫn của bác sĩ. Ngoài ra, bạn nên việc kê một chiếc ghế nhỏ dưới chân để thuận tiện cho việc đại tiện (Ảnh: Internet)
Các bác sĩ chia sẻ, đứng dậy quá nhanh sau khi đi vệ sinh có thể khiến bạn bị chóng mặt, thậm chí ngất xỉu, hiện tượng này được gọi là hạ huyết áp tư thế đứng.
Đa số người cao tuổi thường hay mắc bệnh xơ cứng động mạch, khả năng điều hòa tim mạch yếu, khi thay đổi tư thế đột ngột dễ làm tăng nguy cơ đột quỵ Chính vì vậy, các bác sĩ khuyên bạn sau khi ngủ dậy cần nên ngồi một chút rồi mới từ từ đứng lên, và khi đi vệ sinh không nên đứng lên quá nhanh, hãy dựa hoặc nắm chắc lên tường và từ từ ngồi dậy.
Dường như việc nhịn tiểu là thói quen xấu mà rất nhiều người mắc phải. Khi có cảm giác muốn đi tiểu nhưng vì lý do nào đó mà họ thường nhịn vài tiếng, điều này dễ dẫn tới tình trạng căng thẳng, huyết áp tăng cao. Sau khi đi tiểu xong, huyết áp cũng sẽ tụt xuống. Sự dao động của huyết áp và nhịp tim như vậy dễ gây ra các bệnh như tai biến về tim mạch và mạch máu não. Việc nhịn tiểu cũng có thể làm tăng áp lực trong bàng quang, làm suy yếu chức năng chuyển hóa của thận trong việc bài tiết chất thải, tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu.
Để tránh cho bản thân không gặp những thương tổn đầy nguy hiểm như thế, bạn hãy đi vệ sinh ngay bất cứ khi nào cảm thấy mắc (Ảnh: Internet)
Bác sĩ khuyến cáo thời gian đi vệ sinh không nên quá 10 phút. Nếu vừa đi vệ sinh vừa nghịch điện thoại, thời gian đại tiện kéo dài, lúc này máu sẽ dồn về tĩnh mạch ở hậu môn và trực tràng, theo thời gian có thể gây ra bệnh trĩ.
Khi bạn xả nước bồn cầu, các giọt nước nhỏ kèm hàng triệu vi khuẩn sẽ bắn vào không khí, có thể lan truyền gây hại cho sức khỏe. Vi khuẩn có thể phát tán tới độ cao khoảng 2m tính từ bệ bồn cầu và tồn tại trong thời gian đủ để sinh sôi, phát triển lan ra khắp ngôi nhà. Vì vậy, hãy luôn đóng nắp bồn cầu khi xả nước để hạn chế sự phát tán của các vi khuẩn gây bệnh này.
Khi đi vệ sinh, nếu bồn cầu cao khiến ngón chân bạn không chạm đất, nên đặt một vật gì đó dưới chân, ví dụ như một chiếc ghế nhỏ. Nguyên nhân là nếu bàn chân không bằng phẳng trên mặt đất khi đi toilet, sẽ gây căng thẳng, việc tiểu tiện hay đại tiện trở nên khó khăn hơn.
Tư thế lý tưởng nhất khi đi toilet là đầu gối phải cao hơn hông, kèm theo đó là nên nghiêng người về phía trước để đưa vai và đầu gối lại gần nhau hơn. Tư thế này giống tư thế ngồi xổm, khi tạo thành một góc 35 độ giữa phần thân trên và chân. Ở góc nghiêng này, ruột kết sẽ được giữ thẳng, chất thải dễ dàng được tống ra ngoài.
Bạn thấy đó, thói quen đi vệ sinh của chúng ta tưởng chừng rất đơn giản và vô hại nhưng nào ngờ lại có thể gây ra các chứng bệnh vô cùng nguy hiểm. Mong rằng bài viết này sẽ giúp bạn nhận ra sớm hơn để thay đổi, nhằm bảo vệ sức khỏe của mình nhé.
Quỳnh Giang
Theo Người đưa tin