Đổ ghèn sau khi ngủ dậy được xem là một cơ chế bảo vệ mắt, giúp tránh tình trạng mắt khô và nhìn mờ. Tuy nhiên, nếu mắt đổ ghèn liên tục với số lượng nhiều, kể cả khi bạn đang thức thì không nên chủ quan, vì đó có thể biểu hiện của nhiều bệnh mắt nguy hiểm.
Sau khi ngủ dậy, chúng ta thường thấy có ghèn (hay còn gọi là gỉ mắt) bám xung quanh viền mắt, có thể hơi ướt hoặc đã đóng vảy khô, không gây đau.
Về lý do chúng ta bị đổ ghèn sau khi thức dậy thì có thể hiểu như sau: khi còn thức, mắt chúng ta sẽ chớp liên tục để tạo ra nước mắt cơ bản, tạo đổ ẩm cho giác mạc nhằm hạn chế tình trạng khô mắt. Tuy nhiên khi ngủ, mắt đóng lại khiến cơ chế này không được thực hiện. Lúc này, màng nước mắt sẽ bài tiết ra một chất dịch nhầy hỗ trợ bôi trơn, lớp dịch nhầy sau đó sẽ tạo thành những lớp vảy, tích tụ trong mắt và chảy dọc theo hàng mi - đây chính là ghèn mắt của chúng ta.
Ghèn mắt là một hiện tượng sinh lý bình thường ở mắt, giúp loại bỏ bụi bám vào mắt từ môi trường bên ngoài (Ảnh: Internet) |
Tuy nhiên, ghèn mắt thường chỉ xuất hiện sau khi ta ngủ dậy. Nếu nó xuất hiện ngay cả khi mắt vẫn đang hoạt động liên tục (đồng thời có kèm theo các triệu chứng khác ở mắt như: cộm, đau xót, chảy nước mắt, đỏ mắt, nhạy cảm với ánh sáng, nhìn mờ,...) thì bạn cần phải đến bệnh viện để thăm khám ngay. Rất có thể đó là biểu hiện của nhiều bệnh lý về mắt cực kỳ nguy hiểm.
Tình trạng mắt đổ ghèn liên tục cũng được xem là dấu hiệu phổ biến của bệnh lý viêm kết mạc - xảy ra khi có virus hoặc vi khuẩn xâm nhập vào mắt của chúng ta. Nếu là do virus gây ra còn có thể làm lây lan sang cho người khác.
Khi mắc bệnh viêm kết mạc, người mắc sẽ gặp rất nhiều các triệu chứng khó chịu, có thể ảnh hưởng đến chất lượng sức khoẻ và đời sống nếu không điều trị sớm và dứt điểm. Viêm kết mạc nếu trở nên nghiêm trọng còn có thể gây suy giảm thị lực, thậm chí mù loà.
Những triệu chứng lâm sàng của bệnh có thể kể đến như: ngứa, hay chảy nước mắt, có cảm giác cộm mắt,... nhưng điển hình nhất vẫn là: đau đỏ, đổ ghèn nhiều (ghèn có thể dính dính, hoặc khô đóng vảy to, thường có màu vàng hoặc xanh) và nhạy cảm ánh sáng. Khi gặp phải 3 dấu hiệu này thì có thể xác định 90% là do viêm kết mạc gây ra.
Ngoài những triệu chứng ở mắt thì nhóm nguy cơ như người có hệ miễn dịch yếu, người già, phụ nữ đang mang thai, trẻ em khi mắc bệnh viêm kết mạc còn có thể bị sốt, hắt hơi, ho, viêm họng, nổi hạch.
Người bệnh khi có những dấu hiệu của viêm kết mạc cần nhanh chóng gặp bác sĩ để được kiểm tra. Thông thường, viêm kết mạc sẽ được điều trị bằng kháng sinh hoặc thuốc nhỏ mắt đặc trị theo chỉ định của bác sĩ (Ảnh: Internet) |
Bên cạnh viêm kết mạc do vi khuẩn gây ra thì viêm kết mạc dị ứng cũng có thể gây ra tình trạng mắt đổ ghèn liên tục. Viêm kết mạc dị ứng xảy ra khi ta tiếp xúc với các dị nguyên - chẳng hạn như: mỹ phẩm lạ, hóa chất, bụi, phấn hoa, thuốc nhỏ mắt có thành phần gây kích ứng,…
Khi mắc phải viêm kết mạc dị ứng, người bệnh sẽ có biểu hiện mắt đổ ghèn nhưng ở dạng nhầy có màu trắng do nước mắt đổ ra nhiều. Bên cạnh đó sẽ cảm thấy đau xốn, bỏng rát cả hai bên mắt. Nhạy cảm với ánh sáng đến mức không thể mở mắt ra. Bệnh sẽ thường khỏi sau vài ngày và có thể tái phát lại nếu tiếp tục tiếp xúc với các dị nguyên.
Khô mắt là biểu hiện phổ biến của nhiều người hiện nay, nhất là người sử dụng máy tính nhiều như người làm việc văn phòng. Bệnh khô mắt tuy không quá nguy hiểm như tình trạng viêm kết mạc nhưng sẽ gây nên những triệu chứng khó chịu, ảnh hưởng đến đời sống và sức khoẻ, làm giảm hiệu suất làm việc.
Khi khô mắt, người bệnh luôn có cảm giác đôi mắt bỏng rát, nóng, mệt mỏi nặng trĩu. Bên cạnh đó, khô mắt cũng sẽ khiến mắt bị đổ ghèn trắng liên tục ở hai hốc mắt, nhìn lờ mờ sau khi chớp mắt, chảy nước mắt liên tục.
Nếu tình trạng khô mắt diễn ra quá lâu mà không được khắc phục dẫn đến tình trạng nặng hơn, có thể làm suy giảm thị lực cho người bệnh (Ảnh: Internet) |
Nhiễm trùng mắt là bệnh phổ biến về mắt gây ra bởi vi khuẩn, siêu vi hoặc các tác nhân vi sinh khác làm cho mắt khó chịu, đỏ và sưng lên. Có nhiều loại nhiễm trùng mắt khác nhau, chẳng hạn như viêm bờ mi, viêm giác mạc, lẹo,..., gây ra sự kích thích mắt, dẫn đến việc mắt đổ ghèn nhiều ở mắt hoặc mí mắt đỏ, ngứa, sung.
Biểu hiện của mắt đổ ghèn do nhiễm trùng mắt là lông mi bị bết lại và có thể gặp khó khăn khi mở mắt vào buổi sáng. Các trường hợp do virus gây ra sẽ tự khỏi mà không cần điều trị. Đối với các tình trạng nghiêm trọng, bác sĩ có thể chỉ định thuốc nhỏ mắt.
Đôi mắt luôn nhạy cảm với môi trường xung quanh, đặc biệt là trong một ngày tiếp xúc với vô số tác nhân gây bệnh từ cuộc sống. Vì thế, hãy chủ động bảo vệ mắt nhằm tránh nguy cơ mắc các bệnh lý kể trên bằng những lưu ý sau đây:
1. Không chạm hoặc dụi mắt bằng tay để tránh nhiễm trùng.
2. Trước khi lau hay vệ sinh vùng mắt cần phải rửa tay cẩn thận.
3. Mỗi sáng ngủ dậy hay dùng bông gòn thấm nước hoặc khăn sạch để lau riêng mỗi mắt.
4. Trước khi đi ngủ cần tẩy trang kỹ vùng mắt, nếu có trang điểm thì nên dùng nước tẩy trang chuyên dụng.
5. Nếu có thói quen sử dụng kính áp tròng, chỉ nên đeo trong giới hạn thời gian cho phép trong ngày, trước khi đi ngủ phải nhớ tháo kính ra đồng thời tham khảo tư vấn từ bác sĩ khi dùng phụ kiện này.
6. Không xài chung khăn mặt, khăn tắm, máy rửa mặt và đồ trang điểm với người khác.
7. Vệ sinh khăn mặt, khăn tắm, chăn gối, ga trải giường, máy rửa mặt thường xuyên.
8. Hạn chế tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng mắt. Nên dùng thuốc nhỏ mắt không chứa thành phần chất bảo quản.
Không nên chủ quan với tình trạng mắt đổ ghèn liên tục vì nó có thể là dấu hiệu cho các bệnh lý về mắt được kể trên. Tốt hơn hết, khi nhận thấy bản thân đang mắc phải tình trạng này nhiều ngày không khỏi, có kèm theo một số triệu chứng khác ở mắt thì nên nhanh chóng đến bệnh viện để được thăm khám ngay, hạn chế các rủi ro có thể xảy ra. Bên cạnh đó, đừng quên bảo vệ đôi mắt của mình bằng những lưu ý kể trên nhé.
Xem thêm: 6 dấu hiệu này xuất hiện trên bàn tay cảnh báo lượng đường trong máu tăng cao
Quỳnh Giang
Theo Người đưa tin