Viêm màng não do não mô cầu được đánh giá là căn bệnh nguy hiểm, nhưng lại rất khó phát hiện do có triệu chứng giống với các bệnh viêm màng não do nhiễm siêu vi thông thường. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, thậm chí là tử vong.
Mới đây, đã có hai trường hợp trẻ nhỏ dưới 5 tuổi nhiễm não mô cầu được đưa tới bệnh viện. Tuy nhiên, đã có một ca của trẻ 4 tuổi tử vong sau 6 tiếng cấp cứu.
Ca còn lại tuy vẫn có thể giữ được mạng sống, nhưng bắt buộc phải cắt bỏ một số chi. Bé được đưa vào bệnh viện trong tình trạng sốt cao ở giờ thứ 12 - kể từ khi khởi phát triệu chứng. Vài tiếng sau bé có tình trạng sốc, xuất hiện các nốt tử ban lan rộng trên da. Cùng với đó là suy hô hấp, các bác sĩ đã phải cho bé thở máy, dùng nhiều loại kháng sinh liều cao. Đến ngày thứ 5, bé thoát nguy kịch, tuy nhiên ngày 8 tứ chi có nhiều chỗ gân cơ đã hoại tử sâu.
Bác sĩ chịu trách nhiệm ca của bé cho biết: chân tay bé bị hoại tử quá nặng buộc phải cắt chân phải từ đầu gối xuống và tháo nhiều ngón tay, chân để giữ lấy tính mạng. Người mẹ ban đầu không chấp nhận, nhưng sau nhiều lần được các bác sĩ tư vấn, giải thích, bà mới đồng ý ký vào giấy phẫu thuật cho con. Nhưng cuộc sống về sau của bé phải gặp nhiều khó khăn, bất tiện là điều khó có thể tránh khỏi.
Viêm màng não do não mô cầu là một loại bệnh lý nhiễm khuẩn cấp tính, được hình thành do một loại vi khuẩn mang tên Neisseria meningitidis gây ra.
Trên thực tế, tất cả mọi người đều có thể mắc phải căn bệnh này. Nhưng đa số sẽ tấn công đến nhóm trẻ nhỏ dưới 5 tuổi và nhóm trẻ em nhỏ từ 10 - 16 tuổi, ngoài ra cũng có người già trên 65 tuổi và những người nhiều bệnh nền.
Viêm màng não do vi khuẩn não mô cầu diễn tiến rất nhanh. Thời gian ủ bệnh của viêm màng não do não mô cầu khuẩn là 2 – 10 ngày, trung bình 3 – 4 ngày. Triệu chứng khởi phát bệnh bao gồm:
Triệu chứng sớm: Sốt cao 39 - 40 độ; buồn nôn và nôn; cáu gắt; bỏ ăn; đau đầu, chóng mặt, đau họng, chảy nước mũi.
Triệu chứng muộn: Xuất hiện ban đỏ ở những vùng da mỏng, đầu các ngón tay, chân; có các ban xuất huyết hình sao hoặc có thể có mụn nước; cứng gáy, đau cổ; sợ ánh sáng, mê sảng, lú lẫn, co giật, mất ý thức, rối loạn cảm giác.
Vi khuẩn não mô cầu có thể lây lan rất nhanh từ người sang người thông qua đường thở, qua nước bọt, dịch tiết mũi, họng khi ho, hắt hơi khi tiếp xúc với người bệnh hoặc người lành mang trùng, nhất là ở khu công cộng, nơi đông người.
Hai thể não mô cầu thường gặp và có khả năng gây tử vong nhanh nhất là nhiễm khuẩn huyết và viêm màng não mủ (Ảnh: Internet) |
Ở thể tối cấp, viêm màng não do não mô cầu có tỷ lệ tử vong lên đến 60 - 70%. Ở thể viêm màng não mủ, tỷ lệ tử vong 30 - 40% ngay cả khi đã được điều trị bằng kháng sinh. Nếu may mắn sống sót vẫn có thể mang những di chứng nghiêm trọng như phải cắt bỏ các chi, các ngón tay, ngón chân, để lại các tổn thương não, giảm thính lực, tổn thương thận và các vấn đề về tâm lý…
Não mô cầu là bệnh lưu hành hàng năm trên khắp thế giới. Bệnh thường bùng phát vào thời điểm giao mùa giữa mùa khô và mùa mưa. Hiện tại miền Nam của Việt Nam đang vào thời gian giao mùa nên đây là thời gian bệnh não mô cầu phát triển, nguy cơ lây nhiễm cao.
Điều đáng lo ngại từ các y bác sĩ khi căn bệnh vào mùa chính là tốc độ lây lan khó có thể kiểm soát và gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng, đặc biệt là ở trẻ em (Ảnh: Internet) |
Đặc biệt, sau hai năm đại dịch Covid-19 đã khiến các hoạt động tiêm vaccine não mô cầu bị gián đoạn, cộng hưởng với việc trẻ em trở lại trường sau khi đã kiểm soát được đại dịch đã khiến cho tỷ lệ tiếp xúc tăng cao.
Có hai nguyên nhân để căn bệnh não mô cầu này được xem là bệnh tử, đặc biệt là với trẻ em nhiễm bệnh:
Thứ nhất là tỷ lệ người lành mang trùng cao, chiếm 5 - 10% tổng dân số, chủ yếu là thanh thiếu niên. Cứ 4 thanh thiếu niên thì có một người mang trùng trong vùng hầu họng. Trong khi đó, những người này không biểu hiện ra bên ngoài, khi tiếp xúc với người khác có hệ miễn dịch yếu hơn, như trẻ dưới 5 tuổi, người trên 60 tuổi, sẽ lây lan âm thầm và gây bệnh.
Thứ hai, bệnh diễn tiến nhanh, nguy cơ tử vong cao trong vòng 24 giờ kể từ khi khởi phát triệu chứng, nhưng các triệu chứng khá mơ hồ, dễ nhầm lẫn với cúm, khó chẩn đoán và điều trị kịp thời. Trẻ càng nhỏ, các dấu hiệu càng khó nhận diện.
Mắc phải bệnh nhiễm não mô cầu khuẩn, tỷ lệ sống sót là rất thấp. Nếu có thể vượt cửa tử thì người mắc cũng phải chịu rất nhiều ảnh hưởng bệnh tật về sau, bên cạnh những di chứng đoạn chi như tình trạng trên thì trẻ bị nhiễm não mô cầu có thể gặp phải các di chứng nặng nề như bại não, liệt, viêm màng não mủ, sốc nhiễm khuẩn, viêm màng ngoài tim, chậm phát triển tâm vận, trẻ bị suy thận cấp, tổn thương gan, nhiễm khuẩn huyết, viêm phổi...
Chính vì vậy, cha mẹ cần có động thái phòng ngừa bệnh thích hợp và nhanh chóng cho trẻ, cụ thể:
Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường.
Giữ gìn tốt vệ sinh nơi ở, nhà trẻ, lớp học, nơi làm việc phải sạch sẽ, thông thoáng và đủ ánh sáng.
Chủ động tiêm phòng viêm màng não mô cầu để phòng bệnh cho trẻ, do các vaccine này chưa có trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia nên việc tiêm phòng bệnh lý này được thực hiện tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ.
Ngoài ra, với những trẻ dù đã được tiêm chủng đầy đủ trong 2 năm đầu đời, nhưng sau thời gian từ 4 - 5 năm kháng thể ngừa bệnh đã giảm đi khoảng 50%. Do đó, việc tiêm các mũi nhắc lại khi trẻ bước sang độ tuổi thanh thiếu niên là vô cùng cần thiết (Ảnh: Internet) |
Nhìn chung, viêm màng não do não mô cầu là căn bệnh nguy hiểm, có thể lây lan, để lại nhiều biến chứng nguy hiểm và thậm chí tử vong. Đặc biệt khi bệnh đang vào mùa, phụ huynh không nên chủ quan, cần đặc biệt chú ý tới trẻ để phát hiện ra những dấu hiệu cảnh báo sớm nhất để có hướng xử trí kịp thời, giúp trẻ tránh được những di chứng nặng nề về sau, ngoài ra, nên thực hiện nghiêm chỉnh theo những quy định phòng ngừa bệnh được đặt ra bởi Bộ Y tế để tránh các trường hợp đáng tiếc.
Xem thêm: WHO: Bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ em hiện đã được phát hiện ở 20 quốc gia
Quỳnh Giang
Theo Người đưa tin