Hợp tác quảng cáo

Cảnh giác với tiểu đường thai kỳ - căn bệnh có thể đe dọa đến sức khỏe của mẹ và bé

Mang thai được ví như hành trình vượt cạn đầy gian nan. Vì trong thời điểm này, người mẹ có thể phải đối mặt với rất nhiều vấn đề sức khỏe, và chỉ với một sơ xuất nhỏ cũng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến mẹ và bé. Ở bài viết này, chúng ta sẽ bàn luận đến một vấn đề sức khỏe khá phổ biến - chính là biến chứng tiểu đường thai kỳ.

Tiểu đường thai kỳ là gì?

Trước hết, chúng ta cần hiểu rằng, nguyên nhân gây nên bệnh tiểu đường xuất phát từ việc chỉ số đo lượng đường trong máu vượt quá mức cho phép (cao hơn 140 mg/dL (7,8 mmol/l) trong trạng thái bình thường). Tình trạng này thường xảy ra khi cơ thể không tiết ra đủ insulin hoặc bị kháng insulin - một loại hormone điều chỉnh lượng đường trong máu, thông qua cơ chế chuyển hóa glucose (một loại đường đơn, có nhiều trong các thực phẩm bột đường như cơm, mì, nui, bánh mì,... ) thành năng lượng cho cơ thể. Khi các glucose không được chuyển hóa và tích tụ trong máu sẽ gây ra hiện tượng đường huyết tăng cao. Theo thời gian thì hình thành nên bệnh tiểu đường.

Bệnh tiểu đường hiện nay được chia thành 3 loại như sau:

- Bệnh tiểu đường loại 1: khởi phát do tình trạng rối loạn tự miễn dịch xảy ra trong cơ thể. Hệ thống miễn dịch của cơ thể làm tổn thương các tế bào sản xuất insulin trong tuyến tụy, từ đó khiến việc chuyển hóa glucose không được hiệu quả.

- Bệnh tiểu đường loại 2: tình trạng này xảy ra khi cơ thể không thể sản xuất đủ insulin, hoặc không thể sử dụng insulin một cách bình thường. Đây không phải là bệnh tự miễn.

- Tiểu đường thai kỳ: là tình trạng lượng đường trong máu tăng lên trong quá trình mang thai. Bệnh có thể khởi phát ở những sản phụ chưa từng được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường trước đó. Tỷ lệ mắc là từ 3 - 9 trên 100 phụ nữ mang thai.

Nói rõ hơn về tình trạng tiểu đường thai kỳ, các chuyên gia y tế thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, đó là hiện tượng rối loạn dung nạp glucose ở bất kỳ mức độ nào, khởi phát hoặc được phát hiện lần đầu tiên trong lúc mang thai. Nguyên nhân là vì trong thời kỳ mang thai, em bé sẽ nhận chất dinh dưỡng và oxy để phát triển thông qua nhau thai, và chính cơ quan này có thể sản sinh ra nhiều hormone estrogen, cortisol và lactogen. Cho đến tam cá nguyệt thứ 3, các hormone này sẽ tăng lên nhiều hơn để chuẩn bị cho việc hạ sinh em bé. Nhưng các hormone này lại có thể ngăn chặn insulin trong việc chuyển hóa glucose đến các tế bào của cơ thể, từ đó gây tích tụ glucose trong máu và làm cho lượng đường trong máu tăng lên.

Tiểu đường thai kỳ trong thời gian đầu sẽ không có triệu chứng nào đáng chú ý nên rất khó phát hiện, bệnh chỉ thường tiến triển rõ rệt hong giai đoạn cuối tam cá nguyệt thứ 2 và đầu tam cá nguyệt thứ 3, nên các sản phụ thường được yêu cầu làm xét nghiệm đường huyết trong khoảng 24 - 28 tuần nhằm kịp thời phát hiện và kiểm soát bệnh.

Tuy nhiên, đối với những sản phụ nào thuộc nhóm nguy cơ như dưới đây thì cần chú ý kiểm tra tình trạng đường huyết của mình sớm và thường xuyên hơn:

- Yếu tố di truyền như có người trong gia đình từng mắc bệnh tiểu đường.

- Thừa cân, béo phì.

- Có tiền sử sinh con lớn hơn 4kg.

- Có tiền sử thai chết lưu, sinh non, dọa sảy.

Canh giac voi tieu duong thai ky - can benh co the de doa den suc khoe cua me va be

Sản phụ cần nghiêm túc thực hiện kiểm tra đường huyết theo chỉ định của bác sĩ, nhằm kịp thời phát hiện và điều trị bệnh (Ảnh: Internet)

Tiểu đường thai kỳ nguy hiểm như thế nào nếu không được kiểm soát?

Biến chứng tiểu đường thai kỳ về cơ bản sẽ không gây ra nguy hiểm gì nếu được phát hiện sớm và kiểm soát đúng cách, thông thường, tình trạng này cũng sẽ tự biến mất sau khoảng 6 tuần sau khi sinh. Tuy nhiên, nếu không biết cách kiểm soát, biến chứng này có thể khiến cả mẹ và bé đối mặt với những nguy cơ sau đây:

1. Thai chết lưu

Thai chết lưu có nhiều khả năng xảy ra ở phụ nữ mang thai mắc bệnh tiểu đường thai kỳ, và nguy cơ cao hơn với những sản phụ nào đang mắc bệnh tiểu đường trước đó. Em bé có thể phát triển chậm trong tử cung do tuần hoàn kém hoặc các tình trạng khác, chẳng hạn như huyết áp cao hoặc các mạch máu nhỏ bị tổn thương. Lý do chính xác thai chết lưu xảy ra do bệnh tiểu đường vẫn chưa được biết.

Canh giac voi tieu duong thai ky - can benh co the de doa den suc khoe cua me va be

Nguy cơ thai chết lưu tăng lên ở những phụ nữ kiểm soát đường huyết kém, hoặc có những thay đổi về mạch máu (Ảnh: Internet)

2. Dị tật bẩm sinh

Dị tật bẩm sinh có nhiều khả năng xảy ra ở trẻ sơ sinh của các sản phụ mắc bệnh tiểu đường, thậm chí sẽ có một số dị tật bẩm sinh đủ nghiêm trọng để khiến trẻ bị chết lưu. Dị tật bẩm sinh thường xảy ra trong ba tháng đầu của thai kỳ. Con của những bà mẹ mắc bệnh tiểu đường có thể bị dị tật bẩm sinh nghiêm trọng ở tim và mạch máu, não và cột sống, hệ tiết niệu, thận và hệ tiêu hóa.

3. Hiện tượng Macrosomia

Đây là thuật ngữ chỉ một em bé có kích thước lớn hơn nhiều so với bình thường. Tất cả các chất dinh dưỡng em bé nhận được đều được lấy trực tiếp từ máu của người mẹ. Nếu máu của người mẹ có quá nhiều đường, tuyến tụy của em bé sẽ tạo ra nhiều insulin hơn để sử dụng lượng glucose này. Điều này khiến chất béo hình thành và em bé phát triển rất lớn.

4. Nguy cơ gặp các vấn đề khi sinh

Chấn thương khi sinh có thể xảy ra với em bé do kích thước lớn khiến việc đi ra của trẻ trở nên khó khăn. Loại chấn thương phổ biến nhất là móp, méo đầu, mặt.

Người có cũng có thể gặp nhiều vấn đề khi sinh nếu đứa trẻ quá lớn, chẳng hạn như kiệt sức, rách tầng sinh môn, băng huyết sau sinh,...

5. Hạ đường huyết

Em bé có thể có lượng đường huyết thấp ngay sau khi sinh. Vấn đề này xảy ra nếu lượng đường trong máu của người mẹ ở mức cao trong một thời gian dài. Điều này dẫn đến lượng insulin trong máu của em bé tăng cao. Sau khi sinh, em bé tiếp tục có lượng insulin cao nhưng không còn nhận được glucose từ mẹ. Điều này khiến mức đường huyết của trẻ sơ sinh xuống rất thấp. Điều này cực kỳ nguy hiểm, có thể đe dọa đến sự sống của trẻ.

Canh giac voi tieu duong thai ky - can benh co the de doa den suc khoe cua me va be

Mức đường huyết của em bé sẽ được kiểm tra sau khi sinh. Nếu mức độ đường quá thấp, em bé cần được tiêm glucose qua đường tĩnh mạch (Ảnh: Internet)

6. Khó thở (suy hô hấp)

Quá nhiều insulin hoặc quá nhiều glucose trong cơ thể trẻ có thể khiến phổi không thể phát triển đầy đủ, từ đó có thể gây ra các vấn đề về hô hấp ở trẻ sơ sinh. Điều này dễ xảy ra hơn ở những trẻ sinh trước tuần thứ 37 của thai kỳ.

7. Tiền sản giật

Phụ nữ mắc bệnh tiểu đường loại 1 hoặc loại 2 có nguy cơ cao bị tiền sản giật khi mang thai. Để giảm nguy cơ, họ nên dùng aspirin liều thấp (60 đến 150 mg mỗi ngày) từ cuối ba tháng đầu cho đến khi em bé chào đời.

Tiểu đường thai kỳ là yếu tố nguy cơ gây ra các biến chứng thai kỳ nguy hiểm như đã kể trên, gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe của mẹ và thai nhi. Do đó, mẹ bầu cần khám thai đúng lịch tại các cơ sở uy tín để được theo dõi chặt chẽ, phát hiện sớm bệnh để có phác đồ điều trị kịp thời.

Xem thêm: Chỉ cần áp dụng 4 cách "lười biếng" sau, chị em sẽ ngày càng trẻ đẹp - khoẻ mạnh

Quỳnh Giang

Theo Người đưa tin

Tin cùng chuyên đề

TIN KHÁC

Sống tâm lý

Cho con

Giảm béo