Hợp tác quảng cáo

Chat với những người thông thái về vấn đề "Nói xấu mẹ chồng"

Nói xấu mẹ chồng ư? Tôi không bao giờ làm thế. Bởi, nói xấu thì hẳn nhiên sẽ giải được ức chế tức thì nhưng lại là mối họa nhiều năm.

1. Coi mẹ chồng như một đối tượng để kết bạn

Chị Nguyễn Minh Hiền (Công ty Giải pháp Tài chính Công FPT) - Tôi thường xuyên nói chuyện với mẹ chồng ngay khi không có mâu thuẫn gì, đó là cách tốt để vừa để giải tỏa bức xúc của mình (nếu có) và cũng để mẹ chồng có cơ hội giải tỏa bức xúc của bà.

Theo tôi thì ngay khi xảy ra mâu thuẫn không nên đôi co với mẹ chồng. Mà để sau khi cả hai đã bình tĩnh và có thời gian để suy nghĩ. Sau đó, tôi sẽ tâm sự với chồng để chồng nói chuyện lại với mẹ chồng nhưng đứng trên quan điểm của "các con" chứ không phải là quan điểm của chỉ riêng chồng hay vợ.

Nhưng đôi khi cũng không tránh khỏi những va chạm, khiến mình buồn. Lúc đó thì duy nhất chị gái mình là người mình tin tưởng tâm sự và cho mình những lời khuyên đúng đắn. Ngoài ra, mình tuyệt đối không kể lể chuyện mẹ chồng-nàng dâu, chuyện gia đình chồng với ai. Mình sợ nhất là điều qua tiếng lại, người ta thêm mắm thêm muối vào thì sự việc trở nên nghiêm trọng và không nằm trong tầm kiểm soát của mình nữa.

Quan điểm của mình là: Về nhà chồng cũng như vào môi trường mới, mình cần kết bạn và mình coi mẹ chồng là một đối tượng để kết bạn. Trước hết là mình cố gắng đã, cứ “cho” đi đã, chứ chưa “cho” mà mong “nhận” lại thì không ổn chút nào.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

2. Đặt địa vị mình vào mẹ chồng

Đỗ Thị An Lý (Phóng viên Báo Khoa học & Phát triển) - Tôi cũng không phủ nhận nhiều bà mẹ chồng cũng rất khó tính nhưng đa phần thì đều là một người mẹ yêu con cả thôi.

Dâu mới thì không tránh khỏi chuyện mẹ chồng hay nhắc nhở này nọ. Bản thân mình cũng thấy là chuyện thay đổi môi trường sinh hoạt chung cũng có rất nhiều điều mình không hài lòng. Suy ra mẹ chồng cũng thế. Họ tất nhiên muốn mình theo rồi.Vấn đề ở chỗ mình nên theo như thế nào.

Trước hết phải nói đến những chuyện cư xử qua lời nói với những người trong gia đình bản thân mình phải giữ đúng chừng mực và phải thể hiện được sự tôn trọng với mọi người. Tôi thấy mẹ chồng nào hình như cũng để ý cái này nhất.

Còn nếu xảy ra mâu thuẫn giữa mẹ chồng-nàng dâu thì mình cũng nên nhẹ nhàng nói cho chồng biết chuyện là như thế nào, phân tích đúng sai rõ ràng. Nếu là mình sai thì nên chủ động xin lỗi mẹ chồng, còn nếu mẹ chồng sai thì mình cũng nên rộng lượng một chút. Chồng thấy mình như thế anh ấy cũng chẳng bao giờ để mình chịu thiệt hay ấm ức. Nhưng một nguyên tắc nhất định là phải mềm mỏng. Nói chuyện với chồng cũng không được nói kiểu ầm ĩ lên là mẹ thế này thế nọ... chê mẹ anh ta thì sao mà nói chuyện có đầu có đũa được.

3. Đừng tự ái khi bị la rầy

Diễn viên Kim Xuân - Tôi đã có thời gian ở với gia đình chồng khá lâu, trên 20 năm. 20 năm với biết bao nhiêu chuyện xảy ra, tôi thường nói đùa với những người quen, chuyện làm dâu của tôi có thể viết thành truyện đó! Từ những ngày đầu bỡ ngỡ và cứ tưởng không ai có thể hiểu mình, làm sao có thể kết hợp công việc của một diễn viên với công việc làm dâu trong gia đình. Và rồi tôi ngộ ra nhiều điều lắm, không ai có thể sống hòa hợp nếu chưa hiểu nhau và để hiểu nhau phải có thời gian (lâu hay mau chính do bản thân mình).

Tôi cũng chỉ là một thành viên trong đại gia đình, xin đừng tự ái khi bị la rầy lúc có lỗi vì ngay cả với mẹ ruột chắc gì bạn đã luôn hòa thuận. Và lúc cần thiết cũng hãy chứng minh mình có cách suy nghĩ độc lập và là một người có cá tính. Tôi tập im lặng và suy nghĩ mỗi khi tôi và mẹ chồng có điều trái ý - tại sao mẹ giận mình và tại sao mình cũng buồn mẹ lúc đó.

Điều may mắn cho tôi vì tôi là diễn viên nên bao nhiêu thời gian dành cho công việc đã làm nguôi ngoai nỗi buồn của tôi rất nhiều. Và cũng chính những số phận của nhân vật đã giúp cho cuộc sống tôi thêm phong phú, có cái nhìn vị tha hơn cho cuộc sống và hiểu được người trong gia đình nhiều hơn.

4. Nhẫn nhịn là nguyên tắc hàng đầu

Diễn viên Thanh Thủy - Dù má chồng ở quê, không sống cùng gia đình tôi thường xuyên, nhưng những tình cảm mà má chồng đã để lại cho tôi trong đó có đủ cung bậc yêu thương và giận hờn, những điều đó luôn khiến tôi nhớ mãi đến má dù bà đã đi xa.

Trong cuộc sống, người ta thường nói không hay về mối quan hệ giữa “mẹ chồng con dâu”. Nhưng với tôi thì mối quan hệ đó nó thiêng liêng và cao quí lắm. Và để giữ được mối quan hệ luôn đó luôn tốt đẹp thì luôn phải có sự thông hiểu, gần gũi và chia sẻ cùng nhau.

Những khi khó chịu, buồn bực hay không làm vừa lòng má chồng tôi luôn lấy sự nhẫn nhịn để giữ cho mối quan hệ được êm ấm. Sau đó lựa thời điểm hợp lý nhất để trò chuyện và tâm sự với má, có những điều má đúng mà chắc cũng sẽ có những điều má sai. Quan trọng là mình phải nói và phân tích làm sao cho má hiểu được những yêu thương mà mình giành cho má chồng.

Sống để được má chồng yêu thương không dễ, nhưng cũng không quá khó nếu mình thật sự xem má chồng cũng như má ruột của mình. Đôi khi những buồn bực hay khi không làm vừa lòng má chồng cũng là một cách để mình tìm hiểu và san sẻ yêu thương với má chồng.

5. Luôn tâm niệm mẹ chồng đúng

Phan Huyền Thư (Nhà thơ, đạo diễn phim) - Vì ở cùng một nhà có ba thế hệ, mình cố gắng tránh xung đột giữa mẹ chồng và con dâu, không nên gây mâu thuẫn khiến không khí gia đình căng thẳng.

Nếu có xảy ra xích mích thì mình thường kìm nén, mình luôn tâm niệm mẹ chồng là người đúng. Cứ nghĩ rằng mẹ chồng là người thông thái nhất. Khi hai mẹ con mâu thuẫn, dù bực mình mấy cũng chọn giải pháp im lặng, tạm thời không nghĩ đến chuyện đó nữa. Mình thường không nhắc lại chuyện đó ngay, mà đi nấu cơm, xem ti vi hoặc chơi đùa với con.

Khi chuyện bức xúc đấy lắng đi, mình sẽ tâm sự câu chuyện đó với chồng đề giải tỏa. Điều quan trọng nhất khi bực bội là biết kìm nén, nói đúng lúc, tâm sự đúng người.

Đừng bao giờ nổi xung lên ngay lập tức. Phải chờ khi nào câu chuyện bực bội ấy nguội đi, khi mình kể lại không còn thấy bức xúc nữa thì hãy tâm sự với ai đó hiểu mình. Như thế mâu thuẫn sẽ qua đi êm thấm hơn.

6. Cái gì qua thì hãy để nó qua đi

Cao Hồng Ngọc (Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Phát triển Công nghệ mới Gamma) - Cũng có một thời gian gia đình có chuyện, mọi người đều căng thẳng nên mọi chuyện đổ hết lên đầu tôi, chồng động viên tôi cố gắng nhịn nhưng một thời gian dài chính tôi cũng căng thẳng, khủng hoảng, tôi cãi lại bố mẹ chồng (thời gian đó chỉ diễn ra vài tuần). Sau đó, tôi nhận thấy đó không phải là cách tốt nhất, nó khiến mỗi quan hệ trong gia đình căng thẳng hơn và nhận ra thêm điều nữa: mẹ chồng có yêu quý mình đến đâu cũng không bằng con trai họ, nên không vì thế mà được đà nói xấu chồng với mẹ chồng.

Mẹ chồng tôi là một người hiền lành, thực tâm của bà rất tốt nhưng bà thẳng tính nên đôi khi mắc vào việc là nghĩ gì nói đó. Bên cạnh đó tôi và mẹ chồng là hai thế hệ khác nhau nên suy nghĩ và cách hành xử cũng khác nhau vì thế không tránh khỏi những vấn đề va chạm. Không nên vì bị mẹ chồng nói nặng lời mà đã vội cho đó là bà ghét mình. Bà mắng rồi lại thôi, hành động và tấm lòng của mình sẽ khiến bà hiểu.

Tất nhiên, cũng có những khi có mâu thuẫn, hiểu lầm tôi thường để mọi chuyện qua đi. Đến khi nào vui vẻ thì tôi sẽ nói đến một việc nào đấy và từ chuyện đó mẹ sẽ hiểu là mẹ đã hiểu lầm tôi rồi và mẹ con vẫn vui vẻ, cũng không khiến bà phải suy nghĩ vì đã làm mình buồn. Lúc đó mẹ chồng tôi thường nói “à ra là thế này, ra là thế kia” và tôi chỉ cười thôi.

An Giang 

Theo chuyên đề Sức Khỏe Gia Đình - NXB Y học

Tin cùng chuyên đề

TIN KHÁC

Sống tâm lý

Cho con

Giảm béo