Ngoáy tai vẫn là chuyện thường làm, nhưng không mấy ai biết cách làm này thực ra ẩn chứa nhiều nguy cơ, nhất là với trẻ nhỏ.
Làm “vệ sĩ” cho tai
Tại các chuyên khoa Tai - Mũi - Họng và khoa Nhi hàng năm đón nhận không ít trường hợp trẻ nhập viện trong tình trạng đau đầu, chóng mặt, ù tai, nghễnh ngãng, học hành sa sút, thậm chí bị điếc… do gia đình không biết cách xử lý khi trẻ có ráy tai. Biểu hiện thường thấy của trẻ là mất tập trung, lúc nào trông cũng lơ mơ, gọi nhiều lần mới trả lời…
Thực tế, ráy tai không làm bẩn lỗ tai như nhiều người lầm tưởng. Nó được tiết ra bởi một tuyến đặc biệt nằm ở da của một phần ba ngoài ống tai và có nhiệm vụ giữ lại bụi bặm, làm chậm sự phát triển của vi khuẩn để bảo vệ ống tai phía trong và màng nhĩ.
Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Phó trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Đa số trẻ không cần lấy ráy tai, vì lỗ tai có cơ chế tự làm sạch. Ráy tai sẽ cùng với lớp biểu bì của da ống tai bong tróc dần dần đưa vi khuẩn, bụi bặm ra ngoài cửa tai”.
![]() |
Ảnh minh họa |
Khi nào cần lấy ráy tai?
Như trên đã nói, trong trường hợp bình thường trẻ không cần lấy ráy tai. Tuy nhiên, có một số trẻ bị hẹp ống tai, hoặc có rối loạn bài tiết các tuyến ở ống tai, do phản ứng với chấn thương, nhiễm trùng… Điều đáng chú ý là khi cha mẹ không vệ sinh tai đúng cách, phổ biến nhất là dùng tăm bông để vệ sinh tai nhưng vì lỗ ống tai của trẻ hẹp nên nhiều lúc vô tình đẩy ráy tai vào bên trong, mỗi lần lấy là một lần đẩy ráy vào sâu hơn. Lâu dần, ráy tích tụ nhiều và không được đẩy ra ngoài theo cách tự nhiên che kín ống tai.
Ngoài ra, một số trẻ có cơ địa tạo thành nút ráy tai. Khi đó, ráy tai không được chuyển ra ngoài lâu ngày tạo thành một nút cứng lấp hết toàn bộ ống tai, gây ù tai hoặc nghe kém. Đó là những trường hợp cần phải được bác sĩ chuyên khoa Tai – Mũi - Họng lấy ráy tai ra để tránh cảm giác nặng tai hoặc nhiễm trùng gây ngứa ống tai hoặc làm giảm thính lực tạm thời.
Vệ sinh đúng cách
Nếu trẻ không có quá nhiều ráy thì bạn có thể tự vệ sinh ống tai cho bé tại nhà. Dung dịch clorua natri 0,9% (nước muối sinh lý) được dùng để nhỏ vào tai cho bé nhiều lần trong ngày, thường là từ 3-5 lần, mỗi lần từ 10-20 giọt. Mục đích là để cho nút ráy tai được thấm nhiều nước muối và dần sẽ mềm đi, rã ra. Khi đó, chỉ cần bạn tiếp tục nhỏ nước muối sinh lý cho đến khi ráy tai rã hết và được đẩy ra khỏi ống tai.
Ngoài ra, bác sĩ Dũng khuyên mỗi người trong gia đình nên sắm riêng một bộ ngoáy tai. Sau khi dùng xong, phải ngâm ngay vào dung dịch cồn y tế để sát trùng. Đặc biệt, không được dùng những vật sắc nhọn để ngoáy tai vì dễ gây trầy xước, chảy máu. Nếu chẳng may trẻ bị vật sắc nhọn đâm vào tai, gia đình không nên nhỏ bất cứ thuốc gì mà phải đến ngay bác sĩ chuyên khoa để có được xử lý kịp thời, tránh nhiễm trùng và biến chứng về sau.
Nguyên Hà
Theo chuyên đề Sức Khỏe Gia Đình