Một nghiên cứu mới cho thấy lão hóa không phải là một quá trình hoàn toàn dần dần hoặc tuyến tính mà sẽ phát triển nhanh hơn ở hai giai đoạn.
Trong một nghiên cứu mới công bố, các nhà khoa học Stanford tiết lộ rằng chúng ta không già đi dần dần như người ta vẫn nghĩ. Thay vào đó, chúng ta già đi ở hai "đợt bùng nổ" đáng kể: một là vào giữa độ tuổi 40, hai là vào đầu độ tuổi 60.
Những thay đổi về phân tử xảy ra trong mỗi giai đoạn có thể giải thích những dấu hiệu lão hóa đột ngột như xuất hiện nếp nhăn, da chảy xệ, tóc bạc, đau cơ và khớp, và dễ bị nhiễm vi-rút hơn.
![]() |
Chúng ta già đi ở hai "đợt bùng nổ" đáng kể: một là vào giữa độ tuổi 40, hai là vào đầu độ tuổi 60. |
“Nghiên cứu này tiết lộ lý do tại sao nhiều người bắt đầu 'cảm thấy' mình già hơn nhanh chóng", John Whyte, một bác sĩ y khoa gia đình và là cựu giám đốc của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ, giải thích. Đồng thời, ông cho biết, nghiên cứu này “thách thức quan điểm truyền thống cho rằng lão hóa là một quá trình chậm và liên tục”.
David Sinclair, một nhà di truyền học phân tử, nhà nghiên cứu về tuổi thọ và là giáo sư tại Trường Y Harvard, đã nói rõ hơn: "Nghiên cứu này dường như đi ngược lại các mô hình lão hóa hiện tại, đặc biệt là đồng hồ biểu sinh và các thay đổi dần dần và tuyến tính khác như lượng đường trong máu tăng đều đặn".
Một trong những tác giả của nghiên cứu tại Stanford, nhà khoa học về hệ vi sinh vật Xiaotao Shen, cho biết nghiên cứu của nhóm cũng dựa trên những phát hiện trước đó, "chứng minh chung rằng lão hóa không phải là quá trình tuyến tính".
Nhưng những phát hiện này không phải để bạn thấy sợ hãi khi bước sang tuổi 40 và 60. Hiểu được cách thức và thời điểm chúng ta già đi có thể giúp các cá nhân và chuyên gia chăm sóc sức khỏe thực hiện các bước cụ thể để ngăn ngừa.
Trong gần hai năm, các nhà khoa học tại Stanford đứng sau nghiên cứu này đã đo hoạt động phân tử bằng cách phân tích các vi sinh vật có trong các mẫu máu, da, mũi, miệng và ruột được lấy ba đến sáu tháng một lần từ 108 người tham gia nghiên cứu thuộc nhiều dân tộc khác nhau, có độ tuổi từ 25 đến 75.
Các nhà khoa học đã sử dụng các mẫu để kiểm tra hơn 135.000 phân tử và vi khuẩn khác nhau bao gồm các chất chuyển hóa, lipid, protein và tiền chất của protein (phân tử RNA) được biết là có liên quan đến sức khỏe miễn dịch, chức năng tim mạch, trao đổi chất, chức năng thận, cấu trúc cơ và da.
Kết quả cho thấy 81% các phân tử không thay đổi liên tục (như dự kiến trong quá trình lão hóa tuyến tính) mà thay vào đó, chúng biến đổi đáng kể ở độ tuổi từ 44 đến 60.
Ở tuổi 44, một số thay đổi quan sát được xảy ra ở các tế bào ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất, điều này có thể giải thích tại sao chúng ta khó hấp thụ và xử lý caffeine và rượu hơn khi chúng ta già đi; protein mô mỡ - có thể giải thích mức cholesterol cao hơn và tăng cân ngoài ý muốn ở tuổi trung niên; và protein mô liên kết liên quan đến cấu trúc da và cơ - có thể giải thích tại sao da bắt đầu chảy xệ, xuất hiện nếp nhăn và "tại sao mọi người gặp nhiều vấn đề hơn liên quan đến căng cơ và chấn thương", Snyder giải thích.
Ở độ tuổi 60, nhóm nghiên cứu đã quan sát thấy nhiều hơn những thay đổi phân tử tương tự cùng với những biến động mới đáng chú ý trong các phân tử liên quan đến chức năng thận và sức khỏe miễn dịch. Snyder cho biết, điều này có thể giải thích tại sao người lớn tuổi dễ mắc các bệnh truyền nhiễm hơn và tại sao tỷ lệ ung thư, các vấn đề về thận và các rối loạn tim mạch tăng đột biến ở độ tuổi 60.
Samuel Lin, phó giáo sư phẫu thuật tại Trường Y Harvard và là bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ tại Trung tâm Y tế Beth Israel Deaconess ở Boston giải thích rằng những thay đổi về phân tử đột ngột xảy ra trong đợt lão hóa đầu tiên có thể trở nên trầm trọng hơn khi chúng ta bước sang tuổi 60 - mỗi giai đoạn đều dẫn đến những kết quả rõ rệt như sản xuất collagen và elastin giảm, giảm melanin và những thay đổi về nội tiết tố góp phần làm giảm chất lượng da và tóc bạc và mỏng đi. Ông cho biết: "Những dấu hiệu lão hóa dễ thấy này là kết quả trực tiếp của những thay đổi về mặt phân tử và vi khuẩn đang diễn ra bên trong cơ thể chúng ta".
Ngoài những gì có thể nhìn thấy, Lin lưu ý rằng sự thay đổi trong cộng đồng vi khuẩn khắp cơ thể cũng có thể thúc đẩy tình trạng viêm - một yếu tố chính gây ra nhiều rối loạn liên quan đến tuổi tác và các bệnh mãn tính.
Bất kể nguyên nhân đằng sau những thay đổi về phân tử này là gì, Ramakrishnan cho biết "nguyên nhân cơ bản của quá trình lão hóa rất có thể là những nguyên nhân mà chúng ta đã xác định được", do đó, chúng ta có thể hiểu rõ những gì có thể làm để ngăn ngừa một số kết quả không mong muốn nhất của quá trình này.
Đầu tiên, Shen khuyên bạn nên giảm lượng rượu và caffeine hấp thụ khi bước vào độ tuổi 40 hoặc 60 vì cơ thể sẽ khó chuyển hóa cả hai chất này hơn.
Bạn nên đặc biệt chú ý đến mức cholesterol và trao đổi với bác sĩ khi bạn bước vào độ tuổi 40 về các loại thuốc có thể có hiệu quả trong việc kiểm soát cholesterol và giảm các chất béo khác trong máu.
Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tập thể dục thường xuyên, "đặc biệt là nâng tạ để duy trì khối lượng cơ", cũng như uống nhiều nước hơn để chống lại các vấn đề về thận liên quan đến tuổi tác và tiêu thụ nhiều thực phẩm giàu chất chống oxy hóa để giảm tác động tiêu cực của stress oxy hóa.
![]() |
Tập thể dục là chìa khóa để ngăn ngừa bệnh tật ở người già. |
Nên hạn chế ăn thịt đỏ và thịt chế biến, ăn nhiều rau hơn, ưu tiên giấc ngủ, giảm thiểu căng thẳng, duy trì cân nặng lý tưởng và luôn vận động.
Ngoài ra, hãy cân nhắc sử dụng các sản phẩm chăm sóc da có chứa retinoid hoặc chất chống oxy hóa như vitamin C, "có thể giúp duy trì sức khỏe làn da bằng cách thúc đẩy sản xuất collagen và giảm thiểu tổn thương do các gốc tự do".
Mặc dù chúng ta không thể ngăn chặn quá trình lão hóa, nhưng việc hiểu được những thay đổi về phân tử được nêu bật trong nghiên cứu này giúp chúng ta có thể thực hiện các bước có thể nâng cao chất lượng cuộc sống và giúp chúng ta già đi một cách duyên dáng hơn.
Phong Vũ
Theo Người đưa tin