Đột quỵ được xem là một trong những biến chứng sức khỏe nghiêm trọng nhất đối với con người, vì nó có thể gây tử vong khi không được cứu chữa kịp thời. Nhưng nếu bạn nghĩ sự nguy hiểm của đột quỵ chỉ dừng lại ở đó thì thật sai lầm, bởi kể cả khi thoát khỏi “cửa tử”, thì cơ thể cũng sẽ phải gánh chịu rất nhiều ảnh hưởng nặng nề khác..
Theo y văn, đột quỵ là tình trạng não bộ bị tổn thương nghiêm trọng, xảy ra khi dòng máu cung cấp cho não bị gián đoạn hoặc có một mạch máu trong não bị vỡ. Khi đó, lượng oxy và dinh dưỡng nuôi các tế bào não bị giảm đáng kể. Trong vòng vài phút, các tế bào não bắt đầu chết dần và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí đe dọa đến tính mạng người bệnh.
Nhiều người khi bàn đến sự nghiêm trọng của đột quỵ chỉ thường nhắc về nguy cơ tử vong, và thường quên đi câu hỏi “điều gì sẽ xảy ra với cơ thể sau khi cơn đột quỵ xảy ra” để hiểu rõ hơn được mức độ nguy hiểm của tình trạng này. Nếu bạn đang có thắc mắc như vậy, thì đừng bỏ lỡ câu trả lời sẽ được nêu rõ dưới đây.
Đột quỵ xảy ra tại vùng thân não, nơi được xem là vùng kiểm soát các chức năng hô hấp như: kiểm soát, điều chỉnh nhịp thở, ghi nhận độ sâu và tần số của hơi thở nhằm kiểm soát lượng CO2 bên trong cơ thể. Sau cơn đột quỵ, số lượng tế bào thần kinh tại vùng này sẽ bị suy giảm nghiêm trọng, dẫn đến các chức năng hô hấp kể trên bị ảnh hưởng và khiến cho việc hô hấp trở nên bất thường, thậm chí dẫn đến suy hô hấp, ngưng thở nếu sức khỏe của người mắc tiến triển xấu.
Liệt vận động được xem là một trong những di chứng thường gặp nhất sau cơn đột quỵ. Tình trạng này có thể chỉ kéo dài trong một khoảng thời gian, nhưng cũng có thể theo người bệnh suốt cuộc đời. Theo đó, liệt vận động là tình trạng giảm khả năng vận động một cơ quan hoặc một phần cơ thể bao gồm: liệt mặt, liệt tay chân, liệt nửa người, tê bì, khó chịu trên cơ thể.
Theo thống kê, có tới 92% bệnh nhân đột quỵ gặp phải di chứng liệt vận động này, khiến họ gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày, và phải nhờ tới sự trợ giúp của các thành viên trong gia đình (Ảnh: Internet)
Trên thực tế, di chứng liệt vận động có thể phục hồi nhanh chóng nếu tổn thương của người bệnh không quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, với những ca nguy hiểm thì tình trạng này sẽ kéo dài và gây ra nhiều vấn đề sức khỏe, như cứng khớp, nhiễm trùng đường tiết niệu,… Việc nằm một chỗ quá lâu cũng gây ảnh hưởng đến khả năng tuần hoàn.
Vì cơn đột quỵ xảy ra khi các mạch máu não bị vỡ hay tắc nghẽn, nên các cơn di chứng để lại ảnh hưởng rất nhiều đến não bộ của con người khiến người bệnh gặp tình trạng rối loạn nhận thức - thậm chí nhiều chuyên gia sức khoẻ còn nhấn mạnh đây chính là biến chứng nặng nề nhất của hiện tượng đột quỵ.
Theo đó, có hơn khoảng 60% bệnh nhân sau cơn đột quỵ gặp các vấn đề về nhận thức, bao gồm các biểu hiện như: suy giảm trí nhớ, lú lẫn, lơ mơ không tỉnh táo, không nhận thức được không gian - thời gian, không nhận ra người thân của mình, không nghe hiểu lời người khác nói,...
Biến chứng rối loạn nhận thức ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của người bệnh, đặc biệt là với ai đang làm các công việc đòi hỏi tư duy cao. Ngoài ra, nếu di chứng này không được khắc phục sớm cũng có thể dẫn đến chứng sa sút trí tuệ (Ảnh: Internet)
Theo các y bác sĩ, khả năng phục hồi di chứng này sau đột quỵ là hoàn toàn có khả năng. Tuy nhiên sẽ đòi hỏi sự kiên trì nhẫn nại của bệnh nhân, cũng như sự động viên và quan tâm chăm sóc rất lớn từ người nhà.
Sức khỏe kém đi, khả năng tư duy và vận động bị hạn chế, buộc phải nhờ đến sự trợ giúp của người nhà cũng có thể là nguyên nhân khiến cảm xúc của người bệnh trở nên tiêu cực. Thường, bệnh nhân sẽ tỏ ra buồn bã, tự ti hoặc cáu gắt vô cớ.
Ngoài ra, theo giải thích từ các nhà nghiên cứu thì sau mỗi phút đột quỵ trôi đi sẽ làm chết 2 triệu tế bào não, tạo nên các tổn thương ở vùng thùy trán và thùy thái dương - được xem vị trí điều khiển các cảm xúc, tính cách của con người. Do đó, sau cơn đột quỵ thì người bệnh có thể sẽ biến đổi tính cách, thay đổi thành một người hoàn toàn khác.
Rối loạn cảm xúc được xem là di chứng tâm lý mà nhiều bệnh nhân thường mắc phải sau cơn đột quỵ - nếu người nhà không cố gắng an ủi, động viên thì người bệnh rất dễ rơi vào trầm cảm (Ảnh: Internet)
Đột quỵ khiến não bị tổn thương, điều này đã gây ra tình trạng rối loạn ngôn ngữ, hoặc ảnh hưởng đến khả năng nói hoặc đọc của người bệnh - đặc biệt là với ai bị đột quỵ ở bán cầu não phải. Cụ thể, bệnh nhân sẽ có những biểu hiện như: nói lắp bắp, nói ngọng, nói khó nghe, giao tiếp chậm chạp, khó khăn trong việc tìm từ ngữ để diễn tả,...
Chứng rối loạn ngôn ngữ có thể khắc phục bằng cách biện pháp y học tiên tiến nhưng với thời gian chữa trị lâu, có thể sẽ làm thay đổi cuộc sống của cả người bệnh và người thân của họ.
Theo các chuyên gia, di chứng rối loạn thị giác có thể xảy ra tạm thời nếu tình trạng của người bệnh nhẹ. Nhưng trong trường hợp nghiêm trọng có thể bị tật ở mắt vĩnh viễn. Rối loạn thị giác khiến bệnh nhân có biểu hiện mắt nhìn mờ một bên hoặc cả hai bên, mù một phần hoặc toàn bộ, quầng hoặc đau mắt.
Nếu mắt vẫn còn nhìn thấy, bệnh nhân cần được chữa trị và phục hồi ở giai đoạn sớm, vì để quá lâu có thể khiến tình trạng thêm nghiêm trọng, thậm chí là dẫn đến mù lòa.
Nhiều người bệnh sau cơn đột quỵ có thể gặp phải tình trạng mất kiểm soát việc bài tiết như đại tiện hoặc tiểu tiện. Nguyên nhân là do hệ thống thần kinh bị tổn thương sau cơn đột quỵ, từ đó gây rối loạn cơ tròn (nơi điều khiển hoạt động đại/ tiểu tiện).
Tình trạng này có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, viêm đường tiết niệu nếu bệnh nhân không được chăm sóc và vệ sinh kỹ càng.
Có thể thấy, sau cơn đột quỵ thì cơ thể và sức khoẻ của chúng ta phải đối mặt với rất nhiều di chứng nguy hiểm. Vì thế, mọi người không nên chủ quan và xem thường hiện tượng này. Cần xây dựng lối sống lành mạnh, vận động thường xuyên và bổ sung các thực phẩm tốt cho sức khỏe để hạn chế nguy cơ đột quỵ có thể xảy ra.
Xem thêm: Dù rau có tốt đến mấy, bạn vẫn phải kiêng nếu đang ở trong 6 thời điểm này
Quỳnh Giang
Theo Người đưa tin