Tiêu thụ quá nhiều đường là một trong những nguyên nhân phổ biến gây nên căn bệnh tiểu đường loại 2, từ đó dẫn đến nhiều nguy cơ sức khỏe khác như huyết áp, tim mạch,... Vì mức độ nguy hiểm của nó, mọi người cần chú ý kiểm soát lượng đường mình ăn vào mỗi ngày - nhất là với những ai bỗng xuất hiện 5 dấu hiệu lạ này trên cơ thể.
Chỉ số đường huyết sẽ giúp ta nhận biết lượng đường trong máu có đang ổn định hay không, đang tăng hay giảm nhằm đánh giá tình trạng sức khỏe. Nếu lượng đường trong máu tại những thời điểm trên cao hơn so với mức chuẩn thì đó là dấu hiệu của đường huyết tăng cao. Nếu hiện tượng này kéo dài sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh thông qua những biến chứng như: tổn thương thần kinh ngoại biên, huyết áp, tim mạch, và tổn thương mắt.
Theo các y bác sĩ, chỉ số đường huyết được cho là ổn định nếu ở mức: nhỏ hơn 140 mg/dL (7,8 mmol/l) trong trạng thái bình thường hoặc sau bữa ăn, nhỏ hơn 100 mg/dL (< 5,6 mmol/l) khi đói, cùng với đó là lượng Hemoglobin A1c (HbA1c - chỉ số giúp chẩn đoán đái tháo đường) nhỏ hơn 42 mmol/mol (5,7%) (Ảnh: Internet)
Bên cạnh việc việc nhận biết chỉ số đường huyết trong cơ thể có đang ổn định hay không thông qua máy đo, thì mọi người còn có thể nhận biết vấn đề này thông qua các dấu hiệu trên cơ thể. Nếu thấy cơ thể bỗng xuất hiện 5 dấu hiệu sau đây, điều đó có nghĩa là bạn đang tiêu thụ quá nhiều đường, cần phải hạn chế để kiểm soát chỉ số đường huyết ngay lập tức.
Người có chỉ số đường huyết cao hơn mức bình thường sẽ dễ gặp tình trạng suy yếu các tế bào bạch cầu trong cơ thể, khiến việc tiêu diệt các vi khuẩn gây hại kém hơn. Từ đó dẫn đến tình trạng nhiễm trùng, cụ thể ở đây là bộ phận răng miệng dẫn đến các vấn đề răng miệng xảy ra.
Ngoài ra, tiểu đường cũng đồng thời khiến cho hàm lượng đường ở trong nước bọt cao hơn - tạo cơ hội và môi trường lý tưởng để các vi khuẩn có trong khoang miệng được phát triển thuận lợi. Nếu kết hợp cùng thức ăn sẽ tạo thành các mảng bám trên răng, gây ra hiện tượng sâu răng, viêm lợi hay hôi miệng thường thấy.
Biến chứng răng miệng ở người mắc bệnh tiểu đường rất nguy hiểm, nếu không được kiểm soát tốt sẽ dẫn đến khả năng bị mất răng, rụng răng sớm hoặc tụt lợi, thậm chí áp xe răng gây nhiễm khuẩn huyết (Ảnh: Internet)
Cơ thể bị dư thừa đường trong máu sẽ khiến chúng ta cảm thấy đói và thèm ăn liên tục. Điều này được lý giải rằng đó là do đường huyết bệnh tăng cao nhưng lượng đường này vì thiếu hoặc không sử dụng được insulin trong cơ thể để chuyển hóa thành glucose - nguồn dưỡng chất của các tế bào trong cơ thể, khiến các tế bào bị cạn kiệt năng lượng và tạo ra cảm giác thèm ăn.
Cơ thể bình thường của mỗi người đều có khả năng tự lành lặn khi gặp vết thương, nhờ vào quá trình tự nhiên của da là tạo hàng loạt phản ứng sinh học phức tạp diễn ra, hay còn gọi là quá trình tương tác giữa các tế bào nhằm tái tạo biểu bì và mô da từ đó vết thương sẽ dần dần được phục hồi.
Riêng cơ thể của người bị tích tụ nhiều đường thường sẽ khó lành lặn hơn mỗi khi bị thương, dù chỉ là vết thương nhỏ. Các bác sĩ giải thích rằng, đó là do nồng độ đường cao trong cơ thể người bệnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Lượng đường trong máu cao sẽ khiến các vết trầy xước nhỏ nhất cũng trở thành môi trường lý tưởng để các vi khuẩn gây bệnh sinh sôi.
Nếu không điều trị kịp thời, một số loại nhiễm trùng có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, gây đe dọa tính mạng. Các vết loét, chẳng hạn như ở bàn chân, có thể phải cắt cụt chi (Ảnh: Internet)
Quá trình stress oxy hóa xảy ra khi đường huyết tăng thường xuyên, từ đó làm tổn thương các tế bào thần kinh, gây xơ vữa mạch máu não, làm thiếu hụt nguồn dinh dưỡng và oxy cung cấp cho các tế bào não, từ đó khiến các chức năng của não bộ cũng trở nên kém hơn - bao gồm cả chức năng bộc lộ cảm xúc.
Tình trạng đường huyết tăng cao và không được kiểm soát trong thời gian dài có thể làm tổn thương dây thần kinh ngoại biên có liên quan đến cảm giác ở bàn tay và bàn chân. Nguyên nhân được cho là lượng đường trong máu càng cao, nguy cơ biến chứng thần kinh sẽ càng lớn. Đường huyết cao kéo dài làm các vi mạch bị tổn thương, dẫn đến thiếu hụt chất dinh dưỡng cho các dây thần kinh, làm dây thần kinh bị tê bì.
Điều này khiến cho tay chân của chúng ta thường xuyên ngứa ngáy, tê ran. Một số trường hợp còn trải qua tình trạng đau dây thần kinh, gây cảm giác bỏng rát. Đau dây thần kinh có thể xuất hiện ở bất kỳ nơi nào trên cơ thể, đặc biệt là bàn tay và bàn chân.
Xem thêm: Đổ mồ hôi liên tục ngay cả khi ở phòng máy lạnh, cơ thể bạn đang cảnh báo điều gì?
Quỳnh Giang
Theo Người đưa tin