Chắc hẳn mẹ bầu nào khi mang thai cũng phải trải qua ít nhất từ 1 - 2 lần cảm giác đau răng, điều này thật sự khó chịu vì mẹ sẽ bị hạn chế rất nhiều trong việc giải quyết cơn đau - nhằm không gây ảnh hưởng tiêu cực đến thai nhi. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến hiện tượng này, và mẹ nên xử lý vấn đề này ra sao cho hiệu quả mà vẫn an toàn?
Theo các chuyên gia sản - phụ khoa, cơ thể của phụ nữ khi mang thai phải trải qua khá nhiều thay đổi và biến động, và điều này có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực đến sức khỏe răng miệng của các mẹ bầu và mang đến các cơn đau răng. Hiện tượng này có thể bắt nguồn từ những yếu tố như:
- Thay đổi nội tiết tố: khi mang thai, cơ thể của nữ giới sẽ có sự thay đổi mạnh về nồng độ nội tiết tố trong cơ thể. Đặc biệt là sự sản sinh và tăng nhanh hàm lượng hormone estrogen và progesteron, nhằm giúp thai nhi phát triển khỏe mạnh cũng như thay đổi một số thứ trong cơ thể để chuẩn bị cho việc em bé chào đời. Dù quan trọng là vậy, nhưng sự gia tăng đột ngột 2 loại hormone này trong suốt thời gian dài có thể gây ảnh hưởng khá nhiều đến sức khỏe răng miệng. Cụ thể, sự thay đổi nội tiết tố khi mang thai làm tăng lưu lượng máu đến mô nướu và khiến nướu của bạn nhạy cảm hơn, dễ bị kích ứng và sưng tấy, gây viêm nhiễm răng miệng. Đây được xem là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các cơn đau răng ở mẹ bầu.
Những thay đổi nội tiết tố này cũng cản trở phản ứng bình thường của cơ thể đối với vi khuẩn có thể gây nhiễm trùng răng miệng. Điều này dễ khiến mảng bám tích tụ trên răng khiến bạn dễ bị viêm nướu, hoặc u nướu, từ đó dẫn đến đau răng (Ảnh: Internet)
- Thay đổi thói quen ăn uống: mang thai có thể khiến các chị em có sự thay đổi về vị giác, sẽ thích ngọt hoặc chua hơn. Đồng thời cũng sẽ tạo cảm giác thèm ăn hơn (trừ các trường hợp nghén của nhiều người). Việc thay đổi thói quen ăn uống sẽ khiến các chị em không kiểm soát được mình đang ăn gì, điều này cũng có thể khiến sức khỏe răng miệng bị ảnh hưởng và dẫn đến nguy cơ sâu răng nặng và gây ra các cơn đau răng bất trị.
- Miễn dịch suy yếu: hệ thống miễn dịch trong cơ thể phái nữ có thể bị suy yếu trong suốt quá trình mang thai, điều này đồng nghĩa là khả năng chống lại tình trạng viêm và nhiễm trùng của cơ thể cũng kém hiệu quả. Nếu các chị em không giữ gìn vệ sinh răng miệng, tình trạng nhiễm trùng răng miệng rất dễ xảy ra.
- Thiếu hụt canxi: khi mang thai, nhu cầu canxi cần thiết cho cơ thể sẽ tăng lên cao để đáp ứng tốt nhất sự phát triển của thai nhi, đồng thời cũng là của mẹ. Chính vì vậy, nếu các mẹ không bổ sung kịp thời và đầy đủ lượng canxi mà cơ thể cần sẽ dẫn tới quá trình khử khoáng trên men răng, khiến răng yếu dần, dễ bị bệnh và xuất hiện các cơn đau nhức.
Việc xuất hiện các cơn đau răng trong suốt quãng thời gian thai kỳ là điều không dễ chịu gì với các mẹ bầu. Tuy nhiên, vì một số lý do khách quan nên mẹ bầu sẽ có nhiều hạn chế trong việc giải quyết cơn đau hơn so với người bình thường. Do đó, để có thể giải quyết các đơn đau răng một cách hiệu quả nhưng vẫn an toàn, mẹ bầu cần làm theo những điều sau đây.
Để điều trị hiệu quả các bệnh lý nha khoa, tránh làm ảnh hưởng tới sức khỏe của mẹ và bé. Các mẹ nên tới thăm khám tại các cơ sở y tế uy tín hoặc bệnh viện phụ sản để được các bác sĩ thăm khám và đưa ra phác đồ an toàn, phù hợp nhất với tình trạng sức khỏe. Tránh tự ý mua thuốc vì nó có thể gây hại cho cả mẹ và bé.
Hạn chế việc tự mua thuốc trị đau răng hoặc giảm đau mà không có sự kê đơn từ nha sĩ, vì có một số thành phần trong thuốc điều trị có thể gây hại đến em bé (Ảnh: Internet)
Cao răng được xem là môi trường lý tưởng cho vi khuẩn sinh sôi và gây bệnh. Chính vì vậy, đây có thể một nguyên nhân hàng đầu gián tiếp gây ra tình trạng bà đầu đau răng. Các nha sĩ khuyến khích phụ nữ mang thai nên đi lấy cao răng định kỳ. Quá trình này không những an toàn cho sức khỏe mẹ và bé mà còn giúp phòng ngừa bệnh lý nha khoa.
Tỷ lệ phụ nữ đau răng khi mang bầu do bệnh sâu răng thường chiếm tỷ lệ cao. Chính vì vậy, để ngăn ngừa sự lây lan của vi khuẩn sang vùng lân cận, nha sĩ sẽ tiến hành trám răng. Thông qua việc sử dụng nguyên liệu chuyên dụng cùng với công nghệ chiếu đèn laser, các lỗ sâu đen sẽ được bịt kín và không còn cảm giác đau nhức nữa.
Với những mẹ bầu có lỗ sâu to, vỡ răng phải cần điều trị tủy thì nên tranh thủ điều trị trong khoảng sau tháng thứ 3 và trước tháng thứ 6 của thai kỳ, vì thời gian này được xem là tương đối an toàn nếu có sử dụng các thủ thuật như chụp X-quang, gây tê cục bộ hoặc gây tê toàn thân mà không ảnh hưởng đến thai nhi trong bụng.
Từ những điều trên ta có thể thấy, việc vệ sinh răng đúng cách là điểm then chốt giúp hạn chế các vi khuẩn chứa trong miệng không có cơ hội phát triển và gây bệnh cho phụ nữ khi mang thai. Các chị em cần ghi nhớ những điều sau đây để bảo vệ răng miệng của mình thật tốt:
Các nha sĩ khuyên chúng ta không nên đánh răng quá nhiều lần một ngày vì nó có thể gây mòn men răng, nhưng nếu không đánh răng có thể gây ra nhiều hệ quả khó lường. Tần suất đánh răng tốt nhất là từ 2 - 3 lần/ ngày, chia thành đánh răng buổi sáng, đánh răng giữa ngày, đánh răng ngay trước khi đi ngủ.
Ngoài ra, nên lựa chọn bàn chải và kem đánh răng phù hợp. Với bàn chải, nên chọn bàn chải có lông mềm, đầu nhỏ để dễ dàng chải đến các mảng bám nhỏ hẹp. Và nên chọn kem đánh răng có chứa lượng fluor phù hợp (Ảnh: Internet)
Súc miệng sau mỗi bữa ăn bằng nước súc kháng khuẩn sẽ loại bỏ những mảnh vụn thức ăn còn sót lại. Ngoài ra, hành động này còn làm giảm ảnh hưởng của axit lên răng, từ đó trung hòa độ pH trong khoang miệng trở lại mức bình thường nhanh hơn.
Bạn nên thay thế tăm bằng các loại chỉ nha khoa vì nó sẽ giúp lấy đi những mẩu thức ăn nhỏ bị nhét vào trong kẽ răng mà không làm tổn thương nướu răng. Khi kẽ răng được làm sạch hoàn toàn thì mảng bám, tình trạng kích thích nướu và viêm nhiễm sẽ giảm đáng kể.
Có thể thấy, sự thay đổi về hormone và các chức năng trong cơ thể có thể khiến mẹ bầu đối mặt với rất nhiều vấn đề - chẳng hạn như hiện tượng đau răng như trên. Do đó, hãy đảm bảo việc chăm sóc răng miệng kỹ lưỡng, đúng cách bằng cách đánh răng hàng ngày, sử dụng các dụng cụ làm sạch răng miệng để vi khuẩn, mảng bám không có cơ hội tồn tại và phát triển trong khoang miệng.
Xem thêm: 4 loại chảy máu bất thường ở phụ nữ, chị em nên biết rõ
Quỳnh Giang
Theo Người đưa tin