Hợp tác quảng cáo

Dịch đau mắt đỏ đổ bộ, Bộ Y tế khuyến cáo 5 biện pháp giúp phòng tránh bệnh

Bị đau mắt đỏ có thể khiến người mắc gặp nhiều triệu chứng khó chịu, gây ảnh hưởng đến chất lượng sức khỏe và đời sống - nguy hiểm nhất là làm suy giảm thị lực, thậm chí dẫn đến mù lòa nếu không điều trị sớm và dứt điểm. Trong thời điểm đau mắt đỏ có nguy cơ thành dịch, mọi người cần lưu ý 5 điều được Bộ Y tế khuyến cáo sau đây để tránh bệnh.

Theo thống kê từ Bộ Y tế cho biết, tại Hà Nội, từ đầu tháng 8 bệnh đau mắt đỏ bắt đầu có dấu hiệu lây lan nhanh và tiếp tục tăng số ca mắc trong tháng 9. Tại Bệnh viện Mắt Trung ương những tuần gần đây ghi nhận trung bình mỗi tuần có khoảng 700 trường hợp đau mắt đỏ đến khám, trong đó có một số ca đã xuất hiện biến chứng (có giả mạc cần bóc hay bị trầy xước giác mạc). So với tháng 6, số bệnh nhân đến khám trong tháng 8 và đầu tháng 9 tăng gấp gần hai lần.

Tại TP.HCM, trong 8 tháng đầu năm, tổng số ca bệnh đau mắt đỏ (chẩn đoán viêm kết mạc) ghi nhận tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố là 63.309 ca, tăng 15,38% so với cùng kỳ năm ngoái (53.573 ca). Riêng trong ngày 13/9, tổng số ca đau mắt đỏ ghi nhận tại TP là 3.840 ca, trong đó hơn một nửa số ca mắc là trẻ em dưới 16 tuổi (2.238). Con số này cũng xấp xỉ với những ngày trước đó, theo thống kê trung bình mỗi ngày có khoảng 2000 trường hợp.

Dich dau mat do do bo, Bo Y te khuyen cao 5 bien phap giup phong tranh benh

Từ những con số trên cho thấy, tình trạng mắc đau mắt đỏ đang có xu hướng gia tăng mạnh trong thời gian gần đây, đối tượng chiếm đa số là trẻ em. Các y bác sĩ lo ngại nếu không có sự kiểm soát đúng lúc và chuẩn bị đủ nguồn thuốc điều trị, tình trạng này có thể tạo thành dịch lớn (Ảnh: Internet)

Nguyên nhân nào khiến tỷ lệ ca mắc đau mắt đỏ tăng nhanh như vậy?

1. Các tác nhân gây bệnh sinh sôi và phát triển mạnh

Trong thời điểm hanh khô của mùa thu nhưng vẫn xen kẽ những cơn mưa bất chợt, điều này vô tình cũng khiến độ ẩm trong không khí tăng cao. Đây được xem là một trong những điều kiện lý tưởng nhất để các tác nhân gây bệnh như virus, vi khuẩn, vi trùng, vi nấm,... có trong không khí được sinh sôi và phát triển mạnh, từ đó gieo rắc mầm bệnh.

Đặc biệt là với các chủng virus như adenovirus, enterovirus,... hoặc vi khuẩn lậu cầu, vi khuẩn bạch hầu, liên cầu,... được xem là nguyên nhân đến 80 - 90% gây nên tình trạng đau mắt đỏ (do viêm giác mạc, viêm kết mạc,... ) với các triệu chứng khác như mắt bị ngứa, dễ chảy nước mắt, tiết chất dịch loãng, đỏ mắt, cảm giác có vật thể lạ trong mắt, mờ mắt vào buổi sáng, chảy mủ hoặc dịch nhầy có màu trắng hoặc vàng, u nhú kết mạc,...

Dich dau mat do do bo, Bo Y te khuyen cao 5 bien phap giup phong tranh benh

Adenovirus là “thủ phạm” gây ra 80% - 90% trường hợp viêm kết mạc do virus. Adenovirus thuộc họ Adenoviridae - loại virus DNA sợi đôi, không có vỏ bọc. Virus này dễ tấn công và gây bệnh viêm kết mạc ở trẻ hơn người lớn. Virus dễ lây qua tiếp xúc trực tiếp, dùng chung vật dụng nhiễm mầm bệnh, hồ bơi công cộng (Ảnh: Internet)

Trong nhiều trường hợp, tình trạng đau mắt đỏ có thể bắt nguồn do những tác nhân khác liên quan đến môi trường như tình trạng ô nhiễm môi trường (khói, bụi, chất đốt, khói thuốc lá,... có trong không khí), phấn hoa, lông động vật,... có thể không may bám vào mắt, gây kích ứng và dẫn đến tình trạng đau mắt đỏ.

2. Con đường lây truyền dễ dàng và nhanh chóng

Nhiều người cứ nghĩ rằng, đau mắt đỏ có thể lây bệnh nếu không may nhìn vào mắt của người đang bị bệnh. Tuy nhiên, các chuyên gia sức khỏe xác nhận thông tin này là không có căn cứ. Thực tế, đau mắt đỏ có thể gây lây lan thông qua nhiều cách khác nhau - nhưng chỉ với 2 hình thức tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp như sau:

- Sự lây truyền trực tiếp xảy ra khi tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết của cơ thể như nước mắt, dịch từ mắt, nước bọt, giọt bắn qua phản xạ ho, hắt hơi của người bệnh.

- Lây lan gián tiếp xảy ra khi tiếp xúc hoặc dùng chung các vật dụng cá nhân với người bị đau mắt đỏ như khăn mặt, khăn tắm, cốc uống nước hoặc kính áp tròng,…

Do đó, đau mắt đỏ rất dễ lây lan và bùng phát thành dịch, đặc biệt khi nguyên nhân gây bệnh đến từ vi khuẩn hoặc virus. Điều đáng ngại là nhóm trẻ em thường dễ bị tấn công bởi các virus gây bệnh hơn.

Một phần là do môi trường học đường là nơi trú ẩn lý tưởng của các tác nhân gây bệnh (bề mặt các đồ dùng chung như bàn ghế, bảng viết, tay nắm cửa,...), nếu không may trẻ tiếp xúc và đưa tay lên mắt thì rất dễ mắc bệnh. Một phần khác là do hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện, nên cũng rất dễ bị lây bệnh chéo cũng như có phản ứng/ biến chứng nặng hơn nếu không may mắc bệnh.

Dich dau mat do do bo, Bo Y te khuyen cao 5 bien phap giup phong tranh benh

Nhóm trẻ em được xem là đối tượng nguy cơ của nhiều căn bệnh truyền nhiễm, trong đó có đau mắt đỏ (Ảnh: Internet)

Bộ Y tế khuyến cáo mọi người nên làm theo 5 điều sau đây để phòng ngừa bệnh

Đôi mắt luôn nhạy cảm với môi trường xung quanh, đặc biệt là trong một ngày tiếp xúc với vô số tác nhân gây bệnh như vi khuẩn/ virus trong không khí. Vì thế, mọi người - nhất là những gia đình có con nhỏ cần nhắc nhở con trẻ hãy chủ động bảo vệ đôi mắt của mình, bằng cách ghi nhớ 5 biện pháp đã được Bộ Y tế khuyến cáo sau đây:

1. Rửa tay thường xuyên với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, đặc biệt là sau khi tiếp xúc với người bệnh.

2. Hạn chế dùng tay chạm vào mắt, không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng.

3. Thường xuyên vệ sinh môi trường sống và vệ sinh cá nhân.

4. Vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường. Đeo khẩu trang khi đi ra đường. Một điều cần lưu ý là không dùng chung vật dụng cá nhân như: thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang,…

5. Tăng cường sức đề kháng bằng cách ăn đầy đủ chất và bổ sung vitamin A, C, E,…

Không nên chủ quan với tình trạng đau mắt đỏ, Tốt hơn hết, khi nhận thấy bản thân đang mắc phải tình trạng này nhiều ngày không khỏi, có kèm theo một số triệu chứng khác ở mắt thì nên nhanh chóng đến bệnh viện để được thăm khám ngay, hạn chế các rủi ro có thể xảy ra. Bên cạnh đó, đừng quên bảo vệ đôi mắt của mình bằng những lưu ý kể trên nhé.

Xem thêm: 6 dấu hiệu này xuất hiện trên bàn tay cảnh báo lượng đường trong máu tăng cao

Quỳnh Giang

Theo Người đưa tin

Tin cùng chuyên đề

TIN KHÁC

Sống tâm lý

Cho con

Giảm béo