Các bác sĩ nhi khoa cho biết, tỷ lệ trẻ mắc các bệnh tay chân miệng đang gia tăng đột biến trong thời điểm hè hiện tại. Trong số đó, có hơn 270 ca nặng cần nhập viện và thở máy. Do đó, nếu muốn phòng bệnh cho trẻ, mẹ cần chủ động thực hiện 4 điều được các chuyên gia nhi khoa nhắc nhở sau đây.
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), trong trong tuần 21 (từ ngày 22 đến 28/5), TP. HCM ghi nhận 157 ca, tăng 47,1% so với trung bình bốn tuần trước. Số ca bệnh tăng ở cả trường hợp nhập viện và khám ngoại trú so với trung bình bốn tuần trước. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố đã có 1.670 trẻ mắc bệnh tay chân miệng, trong đó có 270 ca điều trị nội trú, cho thấy số ca bệnh tay chân miệng có sự gia tăng báo động.
Theo Bộ Y tế, mùa hè là thời điểm có nhiều sự biến đổi về thời tiết. Ví dụ, thời tiết nóng ẩm tại khu vực miền Bắc, mưa nhiều tại khu vực miền Trung và miền Nam, trong khi sự giao lưu đi lại của người dân cao nhưng ý thức và hành vi vệ sinh phòng bệnh của người dân chưa tốt,... là những điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh phát sinh và phát triển, đặc biệt là bệnh tay chân miệng thường có số mắc cao và có thể bùng phát thành dịch lớn.
Bệnh tay chân miệng luôn là mối nguy đối với trẻ nhỏ vì nhiều biến chứng nguy hiểm nó có thể gây ra (Ảnh: Internet)
Theo các chuyên gia nhi khoa, bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm được lây từ người sang người dẫn đến dịch tay chân miệng do virus đường ruột gây ra. Biểu hiện đặc trưng của bệnh đó là khiến vùng da bị tổn thương, vùng niêm mạc tồn tại dưới dạng phỏng nước tập trung chủ yếu tại miệng, lòng bàn tay, bàn chân.
Đường lây nhiễm chính của tay chân miệng qua hệ tiêu hóa từ tuyến nước bọt hay phân của trẻ nhiễm bệnh. Vì vậy, những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao và phát triển thành ổ dịch thường là mẫu giáo, nhà trẻ,... (Ảnh: Internet)
Nguyên nhân chính gây ra bệnh tay chân miệng là do virus thuộc họ virus đường ruột, điển hình là hai nhóm tác nhân Coxsackie A16 và Enterovirus 71 (EV71). Đây được coi là virus có sức sống mãnh liệt và dai dẳng, sống được trong khoảng nhiệt rất rộng (từ rất lạnh đến rất nóng).
Khi mắc bệnh, trẻ sẽ có những dấu hiệu nhận biết như sau:
- Viêm loét miệng: đây là dấu hiệu thường thấy của trẻ bị tay chân miệng. Loét miệng được phát hiện nhiều nhất tại hầu họng, niêm mạc vùng má, môi, lưỡi, làm cho trẻ khó ăn, bỏ ăn, bỏ bú và tăng tiết nước bọt
- Sốt: đa số trẻ chỉ bị sốt nhẹ trong nhiệt độ từ 37,5 đến 38 độ C. Trường hợp trẻ sốt cao đến 39 - 40 độ C trong vòng 2 ngày trở lên, cha mẹ cần đưa con đến bệnh viện để điều trị. Vì đây có thể là biểu hiện của biến chứng nghiêm trọng
- Phát ban trên da dưới dạng phỏng nước: thường xuất hiện ở lòng bàn tay, bàn chân, đầu gối, khuỷu tay và mông. Nốt ban thường tồn tại trong một khoảng thời gian khá ngắn (khoảng dưới 7 ngày)
1. Cha mẹ cần nhắc nhở, rèn luyện cho trẻ thói quen giữ gìn vệ sinh cá nhân như rửa tay sạch với xà phòng diệt khuẩn hoặc dung dịch sát khuẩn trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi chạm tay vào bề mặt/ vật lạ hoặc sau khi đi từ ngoài về nhà. Vì virus/ vi khuẩn có thể bám trên mọi bề mặt hoặc ẩn chứa trong lòng bàn tay, giữ gìn vệ sinh cá nhân là một trong những cách hiệu quả nhất giúp phòng bệnh.
2. Cha mẹ nhắc trẻ phải hạn chế việc đưa tay tiếp xúc vùng mắt, mũi, miệng và tránh tiếp xúc với người mắc bệnh. Nếu tiếp xúc với người nghi cúm, cần đeo khẩu trang. Ngoài ra cũng nên hạn chế cho trẻ tụ tập hoặc đến những khu vực đông người. Cần đeo khẩu trang khi đi ra ngoài để tránh tình trạng lây nhiễm.
3. Cha mẹ cần thường xuyên vệ sinh không gian sống và khu vực vui chơi của trẻ, cũng như các đồ chơi, vật dụng trẻ tiếp xúc hàng ngày. Ngoài ra, liên hệ với nhà trường để thường xuyên vệ sinh môi trường lớp học của trẻ
4. Cha mẹ cần bảo đảm chế độ dinh dưỡng của trẻ luôn đầy đủ dưỡng chất, cần tăng cường thêm nhiều rau xanh, trái cây, vitamin và khoáng chất thiết yếu để nâng cao đề kháng cùng hệ thống miễn dịch. Cha mẹ nhớ nhắc trẻ bổ sung nước liên tục.
Trong trường hợp trẻ có dấu hiệu mắc bệnh, mẹ không nên quá hoảng loạn, nhưng cũng tuyệt đối không tỏ ra chủ quan mà hãy theo dõi trẻ liên tục, tùy theo tình trạng của trẻ mà ứng biến.
Trước hết, mẹ cần xác định trẻ có những biểu hiện ra sao nhằm xác định nguồn cơn bệnh là gì. Nếu trạng thái cháu nóng sốt nhưng không nghiêm trọng, có thể cho uống thuốc hạ sốt trước, sau đó đưa ngay đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám chi tiết.
Mẹ không nên quá hoang mang, mất bình tĩnh khi nhận thấy con mình có triệu chứng bệnh, tuy nhiên, cũng không được quá chủ quan (Ảnh: Internet)
Hệ miễn dịch và đề kháng của trẻ vẫn chưa được hoàn thiện, rất khó có thể lạc quan nếu không may trẻ nhiễm bệnh tay chân miệng. Chính vì vậy, nhằm hạn chế tối đa cho những trường hợp đáng tiếc nhất có thể xảy ra, chủ động phòng bệnh cho trẻ bằng 4 điều như trên là việc mà mẹ cần thực hiện ngay bây giờ.
Xem thêm: Đổ mồ hôi liên tục ngay cả khi ở phòng máy lạnh, cơ thể bạn đang cảnh báo điều gì?
Quỳnh Giang
Theo Người đưa tin