Mồ hôi vốn có tác dụng điều hòa thân nhiệt, giúp làm mát cơ thể nhằm tránh tình trạng sốc nhiệt, ổn định sức khỏe. Tuy nhiên, nếu phát hiện bản thân bỗng dưng đổ mồ hôi liên tục ngay cả khi đang ở trong phòng máy lạnh, rất có thể sức khỏe của bạn đang gặp vấn đề thông qua các bệnh trạng sau đây.
Việc đổ mồ hôi vốn là một trạng thái bình thường, xảy ra khi não bộ vận hành cơ chế bảo toàn nhiệt độ và năng lượng. Cơ chế này sẽ giúp duy trì sự mát mẻ và thoải mái cho cơ thể, hạn chế nguy cơ bị sốc nhiệt khi nhiệt độ cơ thể tăng cao do thời tiết, sau khi vận động mạnh hoặc khi đang ở ngoài trời nắng.
Điều này cho thấy, tuy việc đổ mồ hôi có thể gây ra nhiều ảnh hưởng đến mùi cơ thể cũng như tính thẩm mỹ, nhưng nó lại cực kỳ cần thiết trong việc bảo vệ sức khỏe của chúng ta (Ảnh: Internet)
Nhiều nghiên cứu mới đây cũng đã công bố kết quả và khẳng định rằng, những ai thường đổ mồ hôi nhiều sẽ khỏe mạnh hơn người ít khi đổ mồ hôi - nhờ vào việc đào thải các bụi bẩn, tạp chất bám trên da thông qua đường lỗ chân lông bằng cách đổ mồ hôi. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc đổ mồ hôi liên tục - kể cả khi đang ở trong phòng máy lạnh là hoàn toàn bình thường. Nếu tình trạng này diễn ra thường xuyên, chắc chắn là đã có vấn đề sức khỏe đang âm thầm diễn ra, phổ biến nhất là những vấn đề sau đây. Vì thế, mọi người tuyệt đối không được bỏ qua mà hãy nhanh chóng thăm khám ngay để tìm kiếm nguyên nhân chính xác khi thấy tình trạng này xảy ra nhiều mà không có dấu hiệu thuyên giảm.
Tuyến giáp có nhiệm vụ sản xuất hormone và kiểm soát sự trao đổi chất. Khi tuyến giáp sản xuất nhiều hormone chuyển hóa thyroxine và triiodothyronine hơn mức bình thường, thì quá trình trao đổi chất sẽ bị tăng tốc, dẫn đến đổ mồ hôi nhiều bất kể nóng lạnh. Hiện tượng này không tốt cho sức khỏe, nếu để kéo dài có thể gây ra bệnh cường giáp, khiến nhịp tim không đều, giảm cân nhanh chóng và yếu cơ.
Vì thế, nếu mọi người - nhất là phái nữ thấy mình thường xuyên đổ mồ hôi (đa số là vào ban đêm khi đang ngủ) thì nên thăm khám cơ quan tuyến giáp sớm, để kiểm tra xem mình có đang mắc bệnh tuyến giáp hay không. Đừng nên chủ quan vì mọi thương tổn đều có thể dẫn thành ung thư nếu để lâu không chữa trị.
Nếu không thể tìm thấy một lời giải thích nào cho việc mồ hôi ra quá nhiều ở lòng bàn chân, lòng bàn tay, nách, bẹn, cổ,… ngay cả khi đang ngồi trong phòng máy lạnh, thì khả năng cao là mọi người đã mắc phải hiện tượng tăng tiết mồ hôi - tên khoa học là gọi là hyperhidrosis.
Điều này xuất phát từ việc các tuyến nằm ở lớp hạ bì của da sản xuất quá nhiều mồ hôi không cần thiết mà không rõ nguyên nhân hoặc do một tình trạng bệnh lý nào đó của cơ thể (Ảnh: Internet)
Tuy nhiên, khoảng 90% người bệnh tăng tiết mồ hôi không rõ nguyên nhân. Do đó, nếu mọi người có hai trong số các triệu chứng sau đây thì cần đi khám sớm, gồm: tiết mồ hôi đối xứng hai bên, mồ hôi ra nhiều kể cả khi không hoạt động cường độ cao, bị ít nhất một lần mỗi tuần, xuất hiện triệu chứng ở độ tuổi dưới 25 tuổi, gia đình có người bị tăng tiết mồ hôi tay, mồ hôi tiết nhiều vào ban ngày nhưng không xảy ra trong lúc ngủ,...
Hyperhidrosis - chứng tăng tiết mồ hôi nói trên cũng có thể là tác dụng phụ của một số điều kiện, bao gồm bệnh gút, cường giáp và Parkinson, nhưng không đáng lo ngại bằng việc mắc bệnh Lympho - tức ung thư hạch.
Theo các chuyên gia, mồ hôi ra quá nhiều có thể là một triệu chứng của ung thư hạch, hoặc ung thư của các tế bào bạch huyết. Khoa học vẫn chưa tìm ra lý do tại sao bệnh ung thư hạch lại gây đổ mồ hôi, nhưng một lý thuyết được đặt ra là có thể do bệnh gây sốt nên các bộ phận cơ thể phải toát mồ hôi để giảm nhiệt. Việc bạn có nguy cơ mắc ung thư hạch sẽ khiến thân nhiệt tăng lên, việc thường xuyên đổ mồ hôi để giảm nhiệt cho cơ thể ngay cả khi bạn đang ở trong phòng máy lạnh cũng là đều dễ hiểu.
Khi phát hiện ra sự bất thường của tuyến mồ hôi, hãy xem xét thêm rằng mình có bị nổi hạch ở đâu đó trên cơ thể không, có thường xuyên nóng sốt và sụt cân không rõ nguyên do không. Nếu có, hãy đến bệnh viện ngay để được thăm khám kịp thời (Ảnh: Internet)
Đổ mồ hôi nhiều, đi kèm hụt hơi, khó thở là một trong nhiều dấu hiệu nhận biết ban đầu của bệnh nhân suy tim hoặc sắp lên cơn đau tim. Do việc tuần hoàn kém, cơ thể sẽ bị đổ mồ hôi lạnh không rõ lý do, kèm theo đau ngực, chóng mặt và khó chịu ở vùng bên trái cơ. Trong trường hợp này nên đến bệnh viện kiểm tra gấp.
Hạ đường huyết cũng là một yếu tố thường thấy, gây nên tình trạng đổ mồ hôi - đặc biệt là ở phía sau cổ ngay cả khi thời tiết mát mẻ hay mọi người đang ở trong phòng máy lạnh. Tình trạng hạ đường huyết xảy ra khi lượng đường trong máu giảm xuống dưới 70mg/ dL (miligam/ decilit), điều này cực kỳ nguy hiểm vì nó sẽ gây ra nhiều phản ứng bất lợi cho cơ thể, gồm nhịp tim đập nhanh, chóng mặt, run rẩy, buồn nôn nhẹ, nhìn mờ và hôn mê. Trong trường hợp nguy hiểm thì sẽ gây nên tử vong khi không được cấp cứu kịp thời.
Cơ chế đổ mồ hôi của cơ thể cũng thường xuất hiện khi mọi người gặp tình trạng căng thẳng. Và khi sự căng thẳng kéo càng dài thì tình trạng đổ mồ hôi sẽ càng diễn ra nhanh và liên tục hơn, không tự chủ hoặc không kiểm soát được. Đổ mồ hôi do căng thẳng sẽ được sản xuất bởi tuyến apocrine, mà chủ yếu được tìm thấy ở một số vùng như nách, cổ hoặc lòng bàn tay.
Loại mồ hôi do căng thẳng thường chứa chất béo, protein kết hợp với các vi khuẩn trên da nên thường có mùi hôi hơn so với lúc bình thường (Ảnh: Internet)
Ngoài các tình trạng sức khỏe tiềm ẩn trên, việc tiết mồ hôi nhiều và liên tục ngay cả khi thời tiết mát mẻ hoặc đang ở trong phòng máy lạnh có thể là do các nguyên nhân khác như: chế độ ăn uống nhiều đồ cay nóng, ảnh hưởng của việc lạm dụng thuốc, căng thẳng hoặc thay đổi nội tiết tố. Điều quan trọng là chúng ta nên chú ý, nếu không tập thể thao, không bị nóng quá mà vẫn có nhiều mồ hôi, đi kèm các dấu hiệu bất thường khác, thì cần đến bệnh viện kiểm tra sức khỏe để có hướng điều trị sớm.
Xem thêm: Mẹo nhỏ giúp bạn loại bỏ cặn bẩn, cao răng một cách dễ dàng
Quỳnh Giang
Theo Người đưa tin