Nhiều người thường hay đùa là “chó ma cắn” khi phát hiện trên người bỗng xuất hiện vết bầm không rõ nguyên nhân. Nhưng theo y học, thường xuyên xuất hiện vết bầm trên da mà không có lý do, có thể là dấu hiệu cảnh báo về nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Bình thường, vết bầm chỉ xuất hiện sau khi ta va đập hoặc té ngã, khiến các mạch máu bị vỡ dưới da. Máu từ các mạch bị vỡ sẽ tập trung gần bề mặt da, tạo nên những vệt màu xanh đen, đôi khi đỏ thẫm (màu sắc của vết bầm được quyết định bởi các các tế bào hồng cầu và thành phần của máu). Một vết bầm tím nhỏ trên da sẽ thường mất 2 - 5 ngày để biến mất hoàn toàn, còn phần máu tụ dưới da thì cần nhiều thời gian hơn để biến mất. Hầu hết các vết bầm tím này không gây hại, có đau khi chạm vào và sẽ tự lành.
Những vết bầm chỉ trở nên nguy hiểm khi xuất hiện không lý do với mức độ dày đặc, lan rộng, không gây đau và vết bầm không quá đậm màu. Lúc này, vết bầm được xem là lời cảnh báo của cơ thể về những vấn đề sức khoẻ sau đây.
Tình trạng về da có mối liên hệ mật thiết với quá trình trao đổi chất của các tế bào trong cơ thể chúng ta. Nếu tế bào trong cơ thể có vấn đề, thì da sẽ dễ dàng xuất hiện những vết bầm tím. Trong trường hợp các vết bầm tím xuất hiện khắp người, đặc biệt là ở vùng bắp tay - đùi - ngực và đi kèm biểu hiện bong tróc da, rất có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư máu.
Các bác sĩ lý giải hiện tượng này là do các tế bào máu bình thường liên tục bị thay thế bằng các tế bào bạch cầu non bất thường, khiến cho các tiểu cầu bị mất đi, và máu không thể đông lại.
Dấu hiệu xuất hiện các vết bầm tím được xem là một trong những triệu chứng phổ biến nhất của căn bệnh ung thư máu (Ảnh: Internet) |
Xuất hiện những vết bầm trên da một cách bất thường, không do va đập và không gây đau ngứa thì mọi người nên lưu ý, vì đây cũng được xem là dấu hiệu của bệnh tiểu đường. Do lượng đường trong máu tăng cao có thể làm cản trở quá trình tuần hoàn máu, gây suy yếu mạch máu, da và hệ thần kinh - dẫn đến tình trạng xuất huyết mao mạch và gây ra những vết thâm tím.
Đối với những người đang hoặc có tiền sử bị tiểu đường, xuất hiện vết bầm tím là dấu hiệu cảnh báo về những vết thương dưới da. Do tình trạng đường trong máu cao có thể gây cản trở quá trình tự lành vết thương của cơ thể. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, vết thương sẽ bị viêm và dẫn đến lở loét gây nhiễm trùng, nguy cơ phải cắt bỏ các chi là cực kỳ lớn.
Nếu cơ thể bị thiếu hụt vitamin gây ảnh hưởng đến quá trình sản xuất các tế bào máu (cụ thể là vitamin B12, vitamin C, vitamin K, vitamin P), cơ thể sẽ cảnh báo bằng cách làm xuất hiện nhiều dấu hiệu bất thường trên da, trong đó có những vết bầm tím.
Theo đó, vitamin B12 tham gia vào quá trình sản xuất hồng cầu, vitamin K có tác dụng đông máu, vitamin C thúc đẩy hoạt động sản xuất tế bào, còn vitamin P tham gia vào quá trình sản xuất collagen, giúp mao mạch đủ dày để chịu được áp lực của dòng máu. Nếu thiếu hụt bất kỳ loại nào trong các vitamin được nhắc trên, mạch máu sẽ bị yếu và dễ vỡ, gây ra các vết bầm tím. Để loại bỏ các vết bầm tím này, mọi người cần bổ sung nhiều hơn các loại thực phẩm có chứa những loại vitamin thiết yếu vào chế độ dinh dưỡng hàng ngày của mình. Tuyệt đối không tự ý sử dụng thực phẩm chức năng để bổ sung vitamin - nếu không có chỉ định của bác sĩ.
Những loại thực phẩm giàu vitamin B12, C, K, P có thể kể đến như: trà xanh, bí đỏ, tỏi, chuối, trứng, cá, gan, rau diếp cá,… (Ảnh: Internet) |
Giảm tiểu cầu cũng là một tình trạng sức khỏe có thể gây triệu chứng xuất huyết ngoài, với biểu hiện là các vết bầm trên da (màu vết bầm thường là tím, nâu hoặc đỏ). Tình trạng giảm tiểu cầu xảy ra do số lượng tiểu cầu trong máu thấp hơn bình thường - khi tủy xương không tạo đủ tiểu cầu hoặc cơ thể có vấn đề và tự phá hủy tiểu cầu.
Mọi người không nên xem thường bệnh giảm tiểu cầu, vì nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ khiến tình trạng thêm nghiêm trọng. Khi tiểu cầu giảm dần đến ngưỡng chỉ còn dưới 10,000/ml tiểu cầu trong cơ thể, người bệnh có thể bị chảy máu trong não hoặc ruột và dẫn đến tử vong.
Mất cân bằng nội tiết tố thường xảy ra phổ biến ở nhóm phụ nữ đang cho con bú, hoặc bước vào thời kỹ mãn kinh. Theo đó, các yếu tố (cho con bú, mãn kinh) này sẽ khiến sự hoạt động của tuyến giáp (nơi sản sinh ra các hormone nội tiết của cơ thể) bị cản trở, dẫn đến tình trạng sụt giảm hormone nghiêm trọng, đặc biệt là estrogen. Khi này, hệ thống mao mạch trong cơ thể dần bị suy yếu và mất đi tính đàn hồi, các mạch máu sẽ tự vỡ và gây xuất huyết - tạo nên các vết bầm tím trên da.
Mọi người không nên chủ quan với sự xuất hiện bất thường của các vết bầm trên da. Nếu chúng không gây đau, dần lan rộng và không biến mất khi đã qua nhiều ngày, hãy chủ động thăm khám để tìm hiểu nguyên nhân. Vì biết đâu, trong cơ thể bạn đang “âm thầm” xuất hiện nhiều tình trạng sức khỏe nghiêm trọng như kể trên.
Xem thêm: Rùng mình ớn lạnh bất kể thời tiết ấm áp, hãy cẩn thận với 6 nguyên do sau đây
Quỳnh Giang
Theo Người đưa tin