Rất nhiều người tin tưởng và “ưu ái” ngũ cốc nguyên hạt vì những lợi ích sức khỏe nó mang đến. Tuy nhiên, ngũ cốc nguyên hạt có thể trở thành con dao hai lưỡi, gây hại đến sức khỏe nếu bạn ăn theo 4 kiểu sau đây.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, ngũ cốc nguyên hạt là loại thực phẩm giữ được 3 thành phần chính của hạt bao gồm lớp cám (chứa nhiều chất xơ và vitamin), nội nhũ (cung cấp tinh bột) và phôi (giàu chất béo và các dưỡng chất khác). Chính nhờ cấu trúc này mà ngũ cốc nguyên hạt có hàm lượng dinh dưỡng vượt trội so với các loại ngũ cốc tinh chế.
Những cái tên quen thuộc như yến mạch, lúa mạch, gạo lứt, hạt quinoa hay lúa mì nguyên cám đều là lựa chọn lý tưởng cho một chế độ ăn cân bằng (Ảnh: Internet)
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo rằng “tốt” không đồng nghĩa với “không có hại”. Việc sử dụng ngũ cốc nguyên hạt sai cách hoặc quá lạm dụng có thể gây ra các vấn đề tiêu hóa, thiếu hụt dinh dưỡng và thậm chí là làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mạn tính. Vì vậy, để phát huy tối đa lợi ích của ngũ cốc nguyên hạt, điều quan trọng là cần biết cách sử dụng hợp lý và khoa học. Đừng nghĩ nó tốt mà ăn ngũ cốc nguyên hạt theo 4 kiểu này, kẻo rước bệnh vào người
Nhiều người nghĩ rằng ngũ cốc nguyên hạt là thực phẩm lành mạnh nên càng ăn nhiều càng tốt. Thực tế, việc tiêu thụ quá nhiều ngũ cốc nguyên hạt trong một ngày có thể dẫn đến tình trạng quá tải chất xơ.
Hệ tiêu hóa sẽ phải làm việc nhiều hơn, gây đầy hơi, khó tiêu và thậm chí làm giảm khả năng hấp thụ các chất dinh dưỡng khác như canxi, sắt và kẽm (Ảnh: Internet)
Cách thay đổi: Các chuyên gia khuyến cáo chỉ nên ăn từ 48-60 gram ngũ cốc nguyên hạt mỗi ngày, tương đương khoảng 3 phần ăn nhỏ. Đồng thời, cần kết hợp ngũ cốc với các loại thực phẩm khác như rau xanh, đạm động vật hoặc thực vật để cân bằng dinh dưỡng.
Nhiều người có thói quen ngâm qua loa hoặc nấu chưa chín kỹ các loại ngũ cốc như gạo lứt, yến mạch hay đậu nguyên vỏ vì nghĩ rằng như vậy sẽ giữ được trọn vẹn chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, ngũ cốc nguyên hạt chứa một số hợp chất chống dinh dưỡng như axit phytic, có thể cản trở việc hấp thụ các khoáng chất trong cơ thể nếu không được xử lý đúng cách.
Cách thay đổi: Hãy ngâm ngũ cốc trong nước từ 6-8 tiếng trước khi nấu và đảm bảo chúng được nấu chín mềm. Quá trình này không chỉ giúp loại bỏ axit phytic mà còn làm ngũ cốc dễ tiêu hóa hơn.
Một số người theo đuổi chế độ ăn kiêng hoặc giảm cân thường chỉ ăn ngũ cốc nguyên hạt và loại bỏ hoàn toàn các nhóm thực phẩm khác. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu hụt các dưỡng chất quan trọng như protein, chất béo và các loại vitamin tan trong dầu.
Cách thay đổi: Ngũ cốc nguyên hạt chỉ nên là một phần trong bữa ăn, không nên thay thế hoàn toàn các loại thực phẩm khác.
Hãy kết hợp chúng với các nguồn protein như thịt, cá, trứng và chất béo tốt từ dầu ô liu, hạt chia để bữa ăn cân đối và đầy đủ dưỡng chất (Ảnh: Internet)
Các loại ngũ cốc nguyên hạt ăn liền hoặc thanh granola thường được quảng cáo là lành mạnh, nhưng trên thực tế, chúng lại chứa rất nhiều đường và chất béo bão hòa để tăng thêm hương vị. Ăn ngũ cốc theo cách này không những không tốt mà còn làm tăng nguy cơ béo phì, tiểu đường và các bệnh tim mạch.
Cách thay đổi: Hãy chọn các loại ngũ cốc nguyên hạt không đường hoặc ít đường. Nếu muốn tăng thêm hương vị, bạn có thể tự thêm trái cây tươi, sữa chua không đường hoặc một chút mật ong nguyên chất để thay thế.
Ngũ cốc nguyên hạt là thực phẩm tốt cho sức khỏe, nhưng tốt đến đâu còn phụ thuộc vào cách chúng ta sử dụng. Việc ăn sai cách không chỉ khiến ngũ cốc mất đi giá trị dinh dưỡng mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho cơ thể. Do đó, hãy sử dụng ngũ cốc một cách khoa học: ăn với liều lượng vừa phải, chế biến đúng cách và kết hợp cùng các nhóm thực phẩm khác để đảm bảo một chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh.
Xem thêm: Có 4 biểu hiện khi ăn báo hiệu ung thư dạ dày sau 40 tuổi, nên nội soi dạ dày không chậm trễ
Quỳnh Giang
Theo Người đưa tin