Rối loạn ngưng thở khi ngủ là chứng bệnh diễn biến trong âm thầm, nguy hiểm và xảy ra ở mọi đối tượng. Các chuyên gia cảnh báo bệnh đang dần trở nên phổ biến. Vì vậy, để chủ động bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình, hãy lưu ý những thông tin sau về chứng bệnh này.
Ngưng thở khi ngủ là hiện tượng người bệnh ngừng hô hấp từ 5 - 10 giây trong khi ngủ, hoặc giảm thông khí lặp đi lặp lại nhiều lần trong đêm kèm triệu chứng ngủ ngáy và ngủ quá nhiều vào ban ngày. Những người mắc hội chứng này thường có giấc ngủ rối loạn, không chất lượng và việc ngưng thở khi ngủ có thể xảy ra một hoặc nhiều lần trong đêm, dẫn đến việc cơ thể thiếu oxy và bị mệt mỏi khi tỉnh giấc.
Hình ảnh minh họa cho thấy sự khác biệt về đường thở của người bình thường với người mắc chứng bệnh ngưng thở khi ngủ (Ảnh: Internet)
Hội chứng rối loạn ngưng thở khi ngủ có thể xảy ra ở mọi đối tượng, bất kể độ tuổi và giới tính. Tuy nhiên, những đối tượng sau đây sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn người khác, bao gồm:
- Người từ 40 tuổi trở lên (phổ biến nhất là ở nam giới)
- Người đang mắc tình trạng thừa cân - béo phì, có bệnh hoặc tiền sử bệnh tiểu đường
- Người có thói quen sinh hoạt không lành mạnh, hay hút thuốc lá hoặc sử dụng các chất kích thích
- Người có vách ngăn mũi bị lệch hoặc cổ có kích thước lớn
- Người có các vấn đề về cấu trúc đường hô hấp như: lưỡi lớn, vòm họng nhỏ, amidan sưng đại,...
- Di truyền từ người trong gia đình mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ
Theo các chuyên gia sức khỏe, tình trạng rối loạn ngưng thở khi ngủ khởi phát bởi hai nguyên nhân chính sau đây, gồm:
- Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn: đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây cho hầu hết các trường hợp ngưng thở khi ngủ, xảy ra khi đường thở bị thu hẹp hoặc tắc nghẽn. Đối tượng mắc bệnh tim mạch, đái tháo đường, cao huyết áp, béo phì,... là dễ mắc phải nhất.
- Ngưng thở khi ngủ do trung ương: nguyên nhân này khá hiếm nhưng lại vô cùng nguy hiểm, thường xảy ra do sự bất ổn của hệ thần kinh điều khiển chức năng hô hấp, khiến não không gửi tín hiệu thích hợp đến các cơ kiểm soát hoạt động thở. Trường hợp này chỉ xảy ra với những người từng bị đột quỵ, viêm não, chấn thương cổ, suy tim sung huyết, hoặc từng sử dụng các loại thuốc như thuốc phiện, morphine, oxycodone hoặc codeine.
Thực tế thì chứng bệnh này chỉ thường bộc phát trong khi ngủ, nên để nhận biết các triệu chứng của nó là rất khó, đôi khi ta phải nhờ người thân mới biết được bản thân bị mắc bệnh. Ngoài ra cũng có nhiều triệu chứng xuất hiện vào ban ngày, nhưng hầu hết đều bị bỏ qua vì dễ bị nhầm lẫn với mệt mỏi thông thường như:
- Ngủ ngáy kèm theo tiếng khịt mũi, thở gấp, nghẹt mũi, khó thở,... hay thức giấc giữa đêm trong trạng thái thở gấp, thở hổn hển
- Ngưng thở nhiều lần trong khi ngủ, mỗi lần kéo dài từ 5 - 10 giây
- Mệt mỏi, thiếu tập trung, buồn ngủ quá độ vào ban ngày
- Trí nhớ suy giảm, hay quên.
Mệt mỏi, buồn ngủ quá độ cũng được xem là triệu chứng của chứng bệnh ngưng thở khi ngủ (Ảnh: Internet)
Sau một thời gian xảy ra hiện tượng ngưng thở khi ngủ, sức khỏe của người bệnh sẽ mau chóng suy giảm. Việc này không chỉ gây ảnh hưởng đến công việc và học tập của người bệnh, đồng thời còn dẫn đến nhiều nguy cơ bệnh tật hoặc biến chứng nghiêm trọng sau đây.
Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn là một rối loạn xảy ra do tắc nghẽn đường dẫn khí, gây ra tiếng ngáy lớn và ngừng hô hấp từng đợt. Việc tạm ngừng thở này sẽ làm tăng thêm áp lực cho tim trong việc sản xuất oxy, do cơ thể đang không được nhận đủ oxy. Điều này theo thời gian sẽ làm suy giảm chức năng tim và gây ra nhiều bệnh lý tim mạch như: viêm cơ tim, rối loạn nhịp tim, đau tim,... Trong nhiều trường hợp, người bị rối loạn ngưng thở khi ngủ kèm thêm bệnh tim mạch có thể dẫn tới đột tử tại chỗ nếu bệnh không được kiểm soát tốt.
Việc ngưng thở khi ngủ xảy ra thường xuyên ảnh hưởng xấu đến não bộ, đây cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ra đột quỵ trong khi ngủ. Việc đột quỵ có thể dẫn đến nhiều di chứng nặng nề cho người bệnh, thậm chí có thể tử vong vì không được cấp cứu kịp thời.
Thông qua nhiều lần chữa bệnh, các bác sĩ đã đưa ra kết luận rằng có sự liên quan giữa bệnh tiểu đường và chứng bệnh ngưng thở khi ngủ, do tỷ lệ người bệnh tiểu đường bị rối loạn giấc ngủ là rất cao, đặc biệt là bệnh nhân bị tiểu đường type 2.
Theo đó, rối loạn ngưng thở khi ngủ gây cản trở quá trình máu vận chuyển oxy đi trong cơ thể, đồng thời khiến giấc ngủ bị gián đoạn, lâu dần sẽ dẫn đến căng thẳng sinh lý và làm ảnh hưởng đến chuyển hóa glucose và gây kháng insulin. Từ đây, đường huyết sẽ tăng cao trong máu và gây ra bệnh tiểu đường.
Rối loạn ngưng thở khi ngủ được đánh giá là bệnh nguy hiểm không chỉ vì gây ra nhiều căn bệnh/ biến chứng nguy hiểm, mà các dấu hiệu cảnh báo bệnh cũng rất mơ hồ, khó phát hiện. Do đó, “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, mọi người - đặc biệt là những người thuộc nhóm nguy cơ trên cần chủ động thực hiện những biện pháp sau đây, giúp ngăn ngừa bệnh càng sớm càng tốt:
1. Hạn chế sử dụng các chất kích thích: như rượu, bia, thuốc lá, chất kích thích, hoặc các loại thuốc an thần,....
2. Xây dựng chế độ ăn lành mạnh, cân bằng: hãy luôn bảo đảm đầy đủ 4 nhóm chất cơ bản (tinh bột, chất xơ, chất béo, vitamin và khoáng chất thiết yếu) trong bữa ăn hàng ngày, nên tăng cường rau xanh trong bữa ăn để giảm thiểu mọi nguy cơ bệnh tật. Bên cạnh đó, mọi người nên hạn chế các loại thực phẩm xấu như: đồ ăn nhanh, đồ chiên rán dầu mỡ, đồ ngọt nhiều đường, thực phẩm chế biến sẵn,...nhằm tránh tình trạng thừa cân, béo phì.
3. Vận động thường xuyên: giúp thúc đẩy quá trình trao đổi chất và lưu thông máu, đồng thời tạo điều kiện để tim và phổi được làm việc tích cực hơn, nhằm tăng cường những chức năng của các cơ quan này. Luyện tập thể thao cũng là một cách giúp ngủ ngon và sâu giấc hơn.
Luyện tập thể dục kèm chế độ ăn uống hợp lý là một cách để ngăn ngừa bệnh. Mọi người có thể vận động bằng cách đạp xe, bơi lội, chạy bộ, đi bộ,... đều được (Ảnh: Internet)
4. Sắp xếp lịch làm việc và nghỉ ngơi hợp lý: giúp giải tỏa tinh thần, tránh bị căng thẳng, stress,...
5. Khám sức khỏe định kỳ: giúp nắm rõ tình trạng sức khỏe, kịp thời phát hiện và phòng ngừa bệnh (nếu có).
Trên đây là bài viết cung cấp cho bạn những thông tin cơ bản về chứng bệnh rối loạn ngưng thở khi ngủ. Nếu bạn đang có những triệu chứng, dấu hiệu trùng với các lưu ý trên bài viết, hãy ghé ngay bác sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời, không nên chủ quan để “tiền mất tật mang” nhé mọi người!
Xem thêm: 4 loại chảy máu bất thường ở phụ nữ, chị em nên biết rõ
Quỳnh Giang
Theo Người đưa tin