Các bác sĩ nhi khoa cho biết, tỷ lệ trẻ mắc các bệnh nhiễm trùng gia tăng đột biến trong thời điểm giao mùa. Trong số đó, những ca nặng cần nhập viện đều có một điểm chung là miễn dịch yếu, cơ thể thiếu hụt chất sắt nghiêm trọng. Do đó, nếu muốn trẻ khỏe mạnh - ít mắc bệnh, mẹ cần chủ động bổ sung chất sắt cho trẻ để tăng cường miễn dịch.
Thời điểm giao mùa khiến thời tiết - nhiệt độ thay đổi bất thường, độ ẩm trong không khí tăng cao. Đây được xem là một trong những điều kiện lý tưởng để các tác nhân gây bệnh như virus/ vi khuẩn/ vi nấm được sản sinh và phát triển nhanh chóng, hình thành nhiều loại bệnh nhiễm trùng - hô hấp, bao gồm: viêm phế quản, viêm đường hô hấp, cúm A, viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa, sốt xuất huyết, thủy đậu, tay chân miệng,...
Một trong những đối tượng dễ bị tấn công bởi các tác nhân gây bệnh nhất chính là nhóm trẻ nhỏ từ 0 - 6 tuổi, do hệ miễn dịch của các trẻ ở độ tuổi này vẫn chưa được hoàn thiện, không đủ sức để chống lại nên rất dễ mắc bệnh (Ảnh: Internet)
Dưa trên các báo cáo số liệu của nhiều bệnh viện Nhi, tỷ lệ trẻ đến khám các bệnh nhiễm trùng - hô hấp gia tăng nhanh trong thời điểm giao mùa, ví dụ: bệnh thủy đậu ghi nhận hơn 121 ca, bệnh tay chân miệng ghi nhận hơn 265 ca, và hơn 197 ca mắc sốt xuất huyết ở trẻ nhỏ. Đặc biệt, nhóm trẻ buộc phải nhập viện để theo dõi hoặc bệnh tiến triển nặng phải thở máy đều là nhóm có nền tảng miễn dịch - hệ thống đề kháng kém, chỉ số sắt trong cơ thể bị thiếu hụt nghiêm trọng. Các bác sĩ nhi khoa khẳng định, thiếu chất sắt chính là một trong những tác nhân khiến trẻ dễ mắc bệnh và khi mắc bệnh sẽ diễn tiến nặng hơn.
Theo y văn, chất sắt là một nguyên tố vi lượng có trong tự nhiên, nó cũng thường được dự trữ trong đại thực bào và các tế bào gan của con người. Chất sắt được xem là “mắt xích quan trọng” trong nhiều quá trình sinh hóa của cơ thể, đặc biệt là quá trình tổng hợp huyết sắc tố hemoglobin - giúp vận chuyển oxy trong máu từ phổi đến các cơ quan khác trong cơ thể. Đồng thời, chất sắt còn tham gia vào quá trình sản sinh ra các tế bào miễn dịch như Lympho T - một loại tế bào giúp chống lại sự tấn công của virus, vi khuẩn.
Sắt (Fe) là khoáng chất chủ yếu tham gia vào quá trình hình thành hồng cầu, sản sinh tế bào miễn dịch cho cơ thể (Ảnh: Internet)
Về cơ bản, tất cả chúng ta - dù ở bất kỳ độ tuổi nào cũng cần đến chất sắt, tuy nhiên nhóm trẻ nhỏ lại đòi hỏi một lượng sắt lớn hơn gấp 7 lần so với người lớn, đó là lý do vì sao nhóm trẻ em cũng thuộc đối tượng dễ bị thiếu sắt nhất. Theo số liệu thống kê của Viện dinh dưỡng Quốc gia năm 2019 - 2020, trung bình cứ 3 trẻ sẽ có 1 trẻ bị thiếu sắt. Vấn đề này rất đáng quan tâm, vì từ những vai trò kể trên của sắt đối với cơ thể con người, chúng ta đều thấy rõ việc thiếu sắt ở trẻ có thể ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng như thế nào.
Cụ thể, trẻ bị thiếu sắt cũng sẽ đối mặt với nguy cơ thiếu máu - khiến khả năng vận chuyển oxy của hồng cầu bị giảm, làm thiếu oxy ở các tổ chức đặc biệt là tim, cơ bắp, não gây nên hiện tượng tim đập nhanh, trẻ nhỏ có thể bị suy tim do thiếu máu, trí não kém phát triển, cơ thể yếu ớt, biếng ăn, còi xương. Chưa hết, vấn đề thiếu sắt cũng sẽ làm hệ miễn dịch của trẻ suy giảm nghiêm trọng, hàng rào bảo vệ trở nên “lỏng lẻo” tạo cơ hội cho virus, vi khuẩn hoành hành và gây bệnh liên tục.
Có thể thấy, chất sắt là yếu tố mà các mẹ cần quan tâm, chú trọng bổ sung cho trẻ. Tuy nhiên, khác với người lớn có thể dung nạp sắt thông qua nhiều nguồn khác nhau (như thuốc bổ sung hay thực phẩm ăn uống hàng ngày), đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ - khi cơ thể vẫn đang trong quá trình hoàn thiện thì việc dung nạp sắt lại không đơn giản như thế. Do đó, mẹ cần phải tìm hiểu kỹ và nắm rõ: cần bổ sung sắt cho trẻ thông qua nguồn nào, với hàm lượng bao nhiêu là đủ. Vì nếu mẹ bổ sung vô tội vạ, nó không chỉ không giúp trẻ khỏe hơn mà ngược lại còn gây hại đến trẻ.
Theo khuyến cáo từ Viện Dinh dưỡng Quốc gia, nhóm trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ từ 0 - 6 tuổi cần được bổ sung sắt từ 0,93 - 10 miligam (mg) chất sắt/ ngày. Có thể bổ sung sắt cho trẻ tùy theo thể trạng, độ tuổi như sau:
- Trẻ từ 0 - 6 tháng: ở độ tuổi này, trẻ vẫn còn phụ thuộc vào nguồn dinh dưỡng chính là sữa. Nếu trẻ đang bú mẹ thì mẹ cần tổng hợp sắt thông qua các nguồn thực phẩm (thịt, cá, trứng, sữa, rau xanh,... ) và viên sắt uống hàng ngày để trẻ được dung nạp đủ hàm lượng sắt cần thiết. Đối với trẻ phải uống sữa công thức, mẹ có thể bổ sung thêm cho trẻ qua các dạng thuốc lỏng như siro sắt với hàm lượng là 1mg/ kilogam (kg)/ ngày. Ví dụ, trẻ nặng 5kg, thì mẹ cần bổ sung cho trẻ 5mg chất sắt/ ngày.
Trước khi bổ sung thêm các siro sắt cho trẻ, mẹ cần phải hỏi ý kiến bác sĩ để được kê đơn loại thuốc phù hợp và liều lượng dùng đúng với tình trạng thể chất của trẻ. Tuyệt đối không tự ý mua và bổ sung cho trẻ vì nó có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe (Ảnh: Internet)
- Trẻ từ 6 tháng trở lên: đây là độ tuổi mà trẻ đã bắt đầu ăn dặm và tập làm quen với các loại thực phẩm. Vì vậy, mẹ có thể bổ sung cho con thông qua các loại thực phẩm ăn hàng ngày. Bao gồm: sắt động vật - thường hay có trong những loại thịt đỏ (thịt bò, thịt heo, thịt cừu,… ), hải sản (cá ngừ, cá hồi, tôm, cua, nghêu, sò,… ), gia cầm, trứng và nội tạng động vật, và sắt thực vật - có nhiều trong các loại rau có màu xanh đậm (rau bó xôi, rau muống, bông cải xanh,… ), các loại đậu, ngũ cốc nguyên hạt hoặc trái cây khô,…
Có thể thấy, chất sắt đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc phát triển thể chất - trí não và duy trì tình trạng sức khỏe của trẻ, đặc biệt là trong thời điểm giao mùa làm xuất hiện hàng loạt căn bệnh nhiễm trùng - hô hấp như hiện tại thì sắt được xem là yếu tố giúp con hạn chế nguy cơ mắc bệnh. Do đó, mẹ hãy chủ động bổ sung chất sắt cho con mỗi ngày, nhưng đừng quên là chỉ bổ sung với liều lượng hợp lý và có sự tư vấn kỹ lưỡng của bác sĩ nhé.
Xem thêm: Dù rau có tốt đến mấy, bạn vẫn phải kiêng nếu đang ở trong 6 thời điểm này
Quỳnh Giang
Theo Người đưa tin