Hợp tác quảng cáo

Hiểu đúng về từng loại mỡ trong cơ thể sẽ giúp bạn giảm cân tốt hơn

Giảm mỡ tăng cơ chính là phương pháp đúng đắn nhất khi giảm cân, giúp cho bạn có được thân hình thon gọn nhưng vẫn săn chắc. Tuy nhiên, trong cơ thể có rất nhiều loại mỡ khác nhau, và bạn cần hiểu đúng về từng loại mỡ này trước khi bắt đầu giảm cân nếu muốn đạt hiệu quả tốt nhất.

Nhiều người nghĩ rằng, mỡ là nguyên nhân gây thừa cân, béo phì và làm mọi cách để có thể giảm mỡ trong cơ thể. Điều này đúng, nhưng không phải là hoàn toàn. Thực tế, các mô mỡ trong cơ thể cũng có nhiều vai trò riêng biệt (và khá quan trọng) đối với cơ thể con người, bao gồm: điều chỉnh nhiệt độ cơ thể, sinh nhiệt, cách nhiệt, lưu trữ chất béo và các vitamin tan trong chất béo. Mô mỡ được chia thành 2 dạng: mỡ trắng và mỡ nâu. Để việc giảm cân đạt hiệu quả tốt nhất, bạn cần nắm rõ ưu điểm và nhược điểm của 2 loại mỡ này trước.

Mỡ nâu và mỡ trắng: những điều bạn cần biết

Mô mỡ được phân thành mô mỡ màu trắng và mô mỡ màu nâu và cả hai đều có chức năng riêng biệt:

1. Mỡ nâu

Còn được biết đến là chất béo tốt, có có chức năng chuyên biệt trong việc tạo nhiệt và điều hòa nhiệt độ cơ thể. Nó phân bố ở cổ, ngay phía trên xương đòn, gần chỗ giao nhau giữa vai và cổ, xung quanh thận và vùng ngực.

Theo các chuyên gia sức khỏe, mỡ nâu là loại mỡ có nhiều ty thể - cơ quan chịu trách nhiệm sản xuất năng lượng trong tế bào. Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng, mỡ nâu không phải là chất béo vô giá trị và ngày càng được quan tâm nhiều hơn. Hiện nay, chất béo nâu được cho là giống cơ bắp hơn chất béo trắng. Khi được kích hoạt, chất béo nâu sẽ đốt cháy chất béo trắng.

Hieu dung ve tung loai mo trong co the se giup ban giam can tot hon

Những nghiên cứu gần đây cho thấy nhóm người gầy có xu hướng sản sinh nhiều chất béo nâu hơn những người thừa cân hoặc béo phì khi được kích thích đốt cháy calo (Ảnh: Internet)

2. Mỡ trắng

Mỡ trắng về cơ bản là có vai trò dự trữ chất béo và vitamin tan trong chất béo, đồng thời cung cấp chất cách nhiệt. Đồng thời, các tế bào mỡ trắng li ti ở một định lượng vừa đủ sẽ giúp sản sinh ra hormone có tên là adiponectin, khiến gan và cơ nhạy cảm với hormone insulin, giúp con người ít mắc bệnh tiểu đường và bệnh tim mạch.

Tuy nhiên, khi định lượng mỡ trắng dày đặc hơn trong cơ thể, cơ chế sản xuất hormone adiponectin trở nên chậm lại hoặc ngừng hẳn - điều này cấu thành nguy cơ khiến các đối tượng có nhiều lượng mỡ trắng dư thừa bị mắc bệnh.

Ta có thể thấy, chính mỡ trắng là loại mỡ mà chúng ta cần giảm. Về cơ bản, chúng ta cần lớp mỡ này để đảm bảo các cơ quan bên trong không bị tác động/ tổn thương bởi môi trường bên ngoài, như va chạm, té ngã,... Tuy nhiên, chúng ta chỉ cần một khoảng mỡ vừa đủ chứ không nên quá dày, vì lớp mỡ nội tạng càng dày thì nguy cơ mắc nhiều bệnh tật càng lớn. Các nhà nghiên cứu cho biết, mặc dù mỡ nâu và mỡ trắng là các loại mô mỡ khác nhau, nhưng họ đang khám phá tiềm năng biến mô mỡ trắng thành mô mỡ nâu để tăng sản xuất năng lượng, từ đó có thể giải quyết vấn đề tích tụ mỡ trắng.

Cách kích hoạt cơ chế chuyển hóa mỡ trắng thành mỡ nâu

Mỡ trắng tập trung nhiều ở bụng, ở các cơ quan nội tạng, dưới da. Còn mỡ nâu được coi là loại "mỡ tốt" thì lại chỉ chiếm 3 - 7% tổng lượng mỡ trong cơ thể . Khi cơ thể cần năng lượng thì mỡ trắng sẽ được vận chuyển đến chỗ các ty thể để tham gia vào phản ứng đốt, tạo thành nguồn năng lượng cho các hoạt động của cơ thể.

Tuy nhiên, quá nhiều mỡ trắng tích tụ sẽ khiến bạn dễ đối mặt với nhiều bệnh chuyển hóa nguy hiểm, nên mọi người hãy thường xuyên thực hiện những việc sau đây để kích hoạt cơ chế chuyển hóa mỡ trắng thành mỡ nâu:

1. Hạ nhiệt độ của cơ thể

Tiếp xúc với nhiệt độ lạnh đã được chứng minh là góp phần làm mô mỡ trắng chuyển sang màu nâu.

Hieu dung ve tung loai mo trong co the se giup ban giam can tot hon

Bạn có thể chọn tắm nước hơi lạnh so với sở thích nước ấm, đi dạo, đạp xe dưới trời lạnh cũng là một cách để chuyển hóa mỡ trắng thành mỡ nâu (Ảnh: Internet)

2. Kiểm soát cảm giác thèm ăn

Đừng quên rằng mỡ trắng chính là hormone gây thèm ăn để kéo thêm đồng đội mỡ. Bạn cần thay đổi chế độ thói quen hằng ngày trong ăn uống, sinh hoạt, nhất là tránh lạm dụng thức ăn nhanh giàu năng lượng, ăn quá nhiều chất béo, chất ngọt...

3. Tập thể dục

Việc vận động thường xuyên sẽ giúp lưu thông máu, tăng cường oxy để ty thể đốt mỡ trắng một cách hiệu quả hơn.

4. Ngủ sâu, ngủ đủ giấc

Việc thức khuya không làm cho mỡ trắng suy giảm mà chỉ làm mỡ nâu phải hoạt động để cung cấp năng lượng. Vì vậy nhiều người thức khuya mà vẫn tăng cân là vì thế.

5. Kiểm soát stress

Stress có thể khiến cơ thể sản sinh ra nhiều hormone cortisol và làm tăng cảm giác càng ăn, và ăn càng nhiều thì sẽ càng tích mỡ. Vì vậy, hãy thả lỏng cơ thể, cố gắng loại bỏ trạng thái căng thẳng bằng cách thư giãn, đi dạo, massage,...

Hiểu được vai trò của mỡ nâu và mỡ trắng trong cơ thể sẽ giúp bạn biết cách tận dụng chúng, từ đó thúc đẩy quá trình trao đổi chất, điều chỉnh nhiệt độ và sức khỏe tổng thể. Ngoài ra, đừng quên thực hiện các lời khuyên kể trên nhằm chuyển đổi mỡ trắng thành mỡ nâu nếu bạn muốn kết quả giảm cân như mong muốn nhé.

Quỳnh Giang

Theo Người đưa tin

 

Tin cùng chuyên đề

TIN KHÁC

Sống tâm lý

Cho con

Giảm béo