TS. Viên Văn Đoan (Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: Nếu đưa ra được con số thống kê thì chưa biết liệu số người chết vì tai nạn giao thông nhiều hơn hay số người chết vì huyết áp cao nhiều hơn.
Tăng huyết áp là bệnh lý phổ biến trong nhóm bệnh tim mạch. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, có khoảng 1 tỉ người mắc bệnh tim mạch trong toàn cầu. Trong đó số người bị tăng huyết áp cũng như tử vong do tăng huyết áp trong số này rất lớn.
Tiêu biểu như trong năm 2005, có khoảng 17,5 triệu người tử vong vì bệnh tim mạch thì có tới 7,1 triệu người (gần 41%) tử vong do tăng huyết áp.
Sát thủ giấu mặt
Không chỉ là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong nhóm bệnh tim mạch, tăng huyết áp cũng là nguyên nhân gây tử vong chiếm số lượng lớn trong cộng đồng.
Theo số liệu thống kê năm 2008 của Viện Tim mạch Việt Nam, hiện nước ta có khoảng 10 triệu người bị tăng huyết áp, chiếm 25% dân số (nghiên cứu ở người lớn 25 tuổi trở lên).
Cùng với nguy cơ tử vong cao, tăng huyết áp có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như tai biến mạch máu não, suy tim, suy thận, nhồi máu cơ tim, mù lòa… Những biến chứng này có thể gây tàn phế cho người bệnh và trở thành gánh nặng rất lớn cho gia đình cũng như xã hội.
Điều đáng chú ý, tuy đây là loại bệnh nguy hiểm nhưng tăng huyết áp rất khó phát hiện trong thời kỳ đầu do các triệu chứng không rõ ràng, thường phát hiện dễ dàng qua đo huyết áp nhưng nhiều người chưa có thói quen khám sức khỏe định kỳ hay tự đo huyết áp.
Theo điều tra dịch tễ năm 2002 của Viện Tim mạch Việt Nam cho thấy 77% người dân hiểu sai về tăng huyết áp và các yếu tố nguy cơ của bệnh, hơn 70% các trường hợp không biết cách phát hiện sớm và dự phòng bệnh tăng huyết áp.
Cuộc chiến trường kỳ với huyết áp cao
Định nghĩa về tăng huyết áp, TS. Viên Văn Đoan cho biết bệnh tăng huyết áp là hậu quả của một loạt các rối loạn chuyển hóa của cơ thể con người như lão hóa, sự tác động của môi trường tự nhiên, môi trường xã hội…
Tỉ lệ bệnh tăng huyết áp ở người lớn là từ 25-30%, đặc biệt thường gặp ở nhóm người cao tuổi (60 tuổi trở lên chiếm 60%)… Như vậy, tăng huyết áp là bệnh của thời gian, tuổi tác. Chúng ta chỉ có thể phòng để nó đến chậm hơn chứ không thể loại bỏ hoàn toàn nguy cơ.
Đồng thời, đây là bệnh do các cơ chế chưa có biện pháp chữa khỏi hẳn nên những người bệnh cao huyết áp chỉ có khả năng kiểm soát bệnh (huyết áp) để ngăn ngừa những biến cố do bệnh gây nên, giảm tỷ lệ tử vong và tàn phế do bệnh. Và phải xác định, chữa bệnh tăng huyết áp là chữa lâu dài, chữa đến cuối đời.
Tăng huyết áp là kẻ giết người thầm lặng, tên gọi này là do phần lớn những trường hợp bệnh không có biểu hiện triệu chứng cơ năng nên rất khó phát hiện. Khi đó người bệnh sẽ không biết để điều trị, về lâu dài nó sẽ ảnh hưởng làm hỏng tim, thận, nội tạng… gây suy tim, suy thận, nặng có thể dẫn đến tử vong.
Ngoài ra, tăng huyết áp còn được gọi là quả bom nổ chậm vì nó có thể gây ra các biến chứng như xuất huyết não. Khi huyết áp vượt quá áp lực mà động mạch chịu được sẽ khiến động mạch bị vỡ. Hiện tượng này thường xuất hiện ở não, khi đó máu tràn vào trong não, chèn ép não khiến tử vong. Những trường hợp nhẹ sau đó cứu được cũng để lại những di chứng nặng nề. Vì vậy, tăng huyết áp mới gọi là quả bom nổ chậm, lúc chưa nổ thì rất bình thường, nhưng khi đã nổ thì gây hậu quả tai hại.
Vì vậy, muốn giữ cho “quả bom nổ chậm” này không bao giờ nổ thì phải đưa huyết áp về chỉ số bình thường, dưới mức 140/90mmHg. Và phải duy trì liên tục và kéo dài con số huyết áp này.
Không gì bằng phòng tránh
TS. Viên Văn Đoan cho biết, để giảm thiểu nguy cơ bị cao huyết áp không gì hữu hiệu bằng cách thay đổi lối sống lành mạnh:
- Lối sống có ít các yếu tố nguy cơ như ăn uống hợp lý, trọng lượng cơ thể giữ ở mức vừa phải (như chỉ số BMI giữ ở 22 trở xuống).
- Ngoài ra, không nên ăn quá mặn. Nhiều người Việt có quan niệm ăn mặn là khỏe, tuy nhiên đây là quan niệm sai lầm.
- Nên hoạt động thể lực, tránh stress, tránh các thói xấu như hút thuốc, rượu bia sử dụng hợp lý. Việc duy trì hoạt động thể lực điều độ có thể giảm từ 18-22mmHg.
Một khi đã bị cao huyết áp, người bệnh cần ghi nhớ nguyên tắc “chữa hằng ngày, chữa liên tục và chữa kéo dài mãi mãi”. Hiện có năm nhóm thuốc chính thường được dùng chữa tăng huyết áp: Nhóm lợi tiểu-Nhóm ức chế ACE làm giảm việc sản sinh angiotensin-Nhóm thụ thể beta-Nhóm làm giãn mạch, mở rộng mạch máu-Nhóm chẹn kênh calci.
Các nhóm thuốc này thường được các bác sĩ điều trị kê toa kết hợp tùy theo thể trạng và bệnh lý của bệnh nhân để làm tăng hiệu quả điều trị của thuốc và làm giảm bớt tác dụng phụ.
Lưu ý khi dùng thuốc hạ huyết áp Mỗi người bệnh sẽ có một đơn thuốc riêng do thầy thuốc kê toa. Người tuyệt đối không được dùng theo kinh nghiệm hay dùng đơn thuốc của người khác để tự chữa cho mình. Nên uống thuốc hàng ngày, uống vào một giờ nhất định theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị. Theo một nghiên cứu thì thuốc sau 24 tiếng đã được thải ra ngoài nên phải uống thuốc để duy trì ổn định một nồng độ thuốc trong máu liên tục, kéo dài. Dù đã dùng thuốc, người bệnh vẫn phải kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ khác như đái tháo đường, mỡ máu…
T.H
Theo chuyên đề Sức Khỏe Gia Đình