Hợp tác quảng cáo

Khi nàng dâu "kể tội" mẹ chồng

Đó là lời chúng tôi muốn chia sẻ với những nàng dâu đang muốn kể tội mẹ chồng. Vì bản chất của sự kết hội này rất mong manh.

Ngọt ngào khi tán thưởng

Nếu không có cái buổi tập thể thao vào thứ Sáu mỗi tuần này thì có lẽ Hoa sẽ bị stress, trầm cảm. Bởi bao bực dọc với mẹ chồng khiến Hoa phải câm nín, dồn nén cả tuần sẽ được “bung” ra với bạn tập. Ở nhà thì lúc nào cô cũng phải nín lặng, không được “khởi nghĩa”. Các em chồng thì bênh mẹ, chồng cũng yêu mẹ. Mang chuyện về nhà đẻ thì bố cô hay la mắng “Con gái lấy chồng thì phải ráng mà làm dâu, mang về nhà kêu khóc là ba không đồng ý”. Chỉ có hội đồng minh này chia sẻ, vỗ về và hỉ hả để cô được mở lời tuôn chảy.

Mỗi ngày một chuyện, chuyện gì cũng thú vị. Nào là “Con nít mà mẹ tôi cứ cho chúng thoải mái bới đất, xách nước mồ hôi nhễ nhại. Nên hôm trước thằng nhỏ cảm nóng đấy…”. Ai đó tán thành: “Các cụ nhà quê mà”.

Hoa được nước kể tiếp “À còn cu Bin nhà mình vừa vào lớp Một, bài vở nhiều, mình muốn khởi đầu nó phải hơn bạn bè. Thế mà cứ 9h tối, bà giục cháu đi ngủ, thế thì mình còn dạy gì… Cổ hủ không chịu nổi”. Mấy người ngồi nghe lại gật gù “Công nhận!”…

Trời không hiểu, đất không hay, chồng không thấu… Đúng là không bằng những người bạn tập này, cùng làm dâu nên hiểu nhau!

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Lúc “thêm dầu đổ lửa”

Hoa vừa đi làm về, thấy bà Lan từ nhà mình bước ra, còn mẹ chồng cô ngồi thong thả uống nước. Lạ! Hôm đó thấy con dâu về, bà nói luôn: “Nay chị Hoa nấu ăn cho mẹ nhé. Mẹ nấu không hợp khẩu vị, chị không ăn được, lại đi ăn ngoài… Mẹ nhà quê nên xót tiền lắm”.

Thái độ của bà rất bình thản nhưng rõ ràng là công kích thẳng khiến Hoa giật mình, hình như mẹ chồng đã nghe được chuyện cô nhận xét về bà. Vừa thay đồ cô vừa nghĩ “Sao bà ấy biết nhỉ? Thôi, chắc tại con bé Mai”. Mai là đồng minh trong nhóm tập thể dục. Chắc nó về kể với mẹ nó là bà Lan, mà bà Lan thì thân chí cốt với mẹ chồng chị. “Không ngờ con bé này lại đặt điều, mình chỉ nói hôm qua bà nấu mặn quá chứ có nói phải ra ngoài ăn đâu”.

Vừa giận, Hoa vừa không dám ngẩng mặt đi qua mẹ chồng. Cô lủi thủi nấu ăn trong bếp. Không khí gian nhà bỗng nặng thêm. Mẹ chồng thì cứ đi đi lại lại trong nhà, bà vừa bồng đứa cháu nhỏ vừa càu nhàu “Già rồi, chết là nhẹ nhất, con cái có ai muốn ở với bố mẹ già đâu. Có khi trong bụng nó mong mình chết…”. Lưng hoa lại nóng ran lên, hôm trước cô cũng có than rằng “Mẹ chồng tôi giữ con trai như ghen ngược, lúc nào cũng nghĩ anh ấy thiên vị mình. Chẳng biết khi nào được thoải mái…”. Nói thì có nói thế nhưng nào cô có dã tâm mong bà chết sớm!

Từ hôm đó, Hoa càng thấy mẹ chồng làm lạnh với mình. Thỉnh thoảng bà lại buông những câu bóng gió, ám chỉ cứ như “tao biết hết mày nói gì về tao với thiên hạ đấy!”. Tai hại nhất là chồng chị rồi cũng biết. Hôm đó chồng chở con trai lớn về, thằng bé ù vào khoe “Bà nội ơi, con được 9 điểm này, bài bà nội dạy con đấy”. Bà không hớn hở mà làm mặt dỗi: “Bà đâu dám nhận công, chín điểm chắc bài do mẹ Hoa dạy chứ. Mẹ mày nói bà lạc hậu, cổ hủ rồi, chỉ hại con cháu…”.

Thế là thằng bé tẽn tò, còn chồng Hoa ngơ ngác nhìn vợ. Sự bình an bỗng òa vỡ. Mẹ chồng bỏ cơm, nằm trong phòng. Cả chồng và con trai đều chạy vào phòng mẹ dỗ dành, an ủi, hỏi han. Hoa một mình lủi thủi. Lúc sau, chồng cô còn nổi giận: “Anh thật thất vọng về em, sao em lại mang chuyện nhà để thiên hạ cười. Mẹ già, có nhiều cái không hợp nhưng anh không nghĩ rằng vợ anh lại có những ý nghĩ, lời nói ác tâm thế”. Cô bật khóc vì thấy oan ức, nào cô có dã tâm tệ đến thế.

Khi “buôn lê bán dưa”

Chờ đợi mãi hết buổi tập, Hoa giữ Mai nói chuyện riêng. Mai thì chối quanh, chối quẩn “Em không hề nói thế. Có lẽ mẹ chị tưởng tượng ra thôi…”. Chị em trở nên căng thẳng. Cô chừa mặt Mai ra, có nói chuyện với mấy người khác nhưng thấy Mai tới thì cô thôi. Mai cũng tức giận, lại mang chuyện “thanh minh” với những người trong nhóm tập. “Các chị có thấy rõ ràng chị ấy nói xấu bác gái từ chân tới đầu không? Mà em quen bác lâu, bác đâu đến mức đó, chị ấy chẳng tốt đẹp gì mới nói xấu thế”.

Người thì vỗ về: “Nó bức xúc quá thì nói. Mình biết nghe thôi, chứ hiểu gì chuyện nhà nó. Em dại mang kể lại làm gì cho phiền”. Người khác lại “chêm” vào “Tôi thì chẳng dám nói ai đúng ai sai. Nhưng thấy nó kể về mẹ chồng thế thì cũng ngại, không biết ra chỗ khác không hài lòng mình chút gì thì nó có lôi ra chê bai không? Thế nên đừng thân thiện quá!”. Tình cờ trong một lần đến muộn, Hoa lại nghe thấy những lời đó. Cô chết chân! Thế là cô chỉ còn cách kết thúc lớp học thể dục sau hai tháng.

Cô lại vùi đầu trong công sở. Mẹ chồng còn chưa hết giận, cô lấy cớ nhiều việc, về muộn để tránh giáp mặt. Quản lí có vài nhân viên thôi, cũng chẳng còn việc gì làm, cô “chat” với đám bạn ở xa, rồi cô lại viết lên blog tâm sự chuyện mẹ chồng (blog cũng khá an toàn, vì blog giấu tên mà). Sau đó cô lại cà kê than thở với đám nhân viên. Đám nhân viên tất nhiên là “vuốt đuôi” xoa dịu cục tức của cô. Những đồng minh này thật an toàn mà cô khám phá ra muộn màng.

Nhưng nào ngờ, thế giới với cô đều đáng nghi ngại. Một lần cô tình cờ nghe đám nhân viên xì xầm: “Tinh tướng thế thì mẹ chồng ghét là phải. Mà hôm nay khó tính chắc lại đụng độ với mẹ chồng đấy!. Bà ấy mà dám nói là toàn lựa mẹ chồng, có mà người khác phải lựa bà ấy. Chả đáng làm sếp…”.

Cô bước vào thì cả đám nhớn nhác. Im lặng để kìm nén cơn giận, cô online trò chuyện. Bạn bè chưa thấy cô đã kêu “Buzz gì đấy, chán gì đấy, lại mẹ chồng à, thôi chuyện xưa như trái đất…” Vào blog, cô giật mình khi thấy một khách lạ comment (bình luận): “Bạn ơi, nói xấu mẹ chồng thế này có vẻ cao tay nhỉ, tội các cụ không biết Internet quá…”. Cô tắt phụt máy, gục đầu, không ngờ qua vài chuyện mà thấy hình ảnh mình tự vẽ lên thật xấu xa, tệ hại!

Vi Vi

Theo chuyên đề Sức Khỏe Gia Đình - NXB Y học

Tin cùng chuyên đề

TIN KHÁC

Sống tâm lý

Cho con

Giảm béo