Là một trong những căn bệnh gây tử vong hàng đầu, tuy nhiên không ít người bị bệnh tim không biết rằng chính quan niệm sai lầm trong lối sống đã tác động trực tiếp đến sức khỏe của mình.
Càng kiêng càng ốm
Chị Chu Thanh Mai, 40 tuổi (Thái Bình) mắc bệnh tim bẩm sinh. Hàng tháng, chị luôn phải uống thuốc đều đặn và được gia đình đưa lên Bệnh viện Bạch Mai thăm khám định kỳ. Cơ thể chị lúc nào cũng gầy guộc, xanh xao và thường xuyên mệt mỏi, ốm vặt. Ngay từ nhỏ, gia đình cũng như bạn bè luôn quan tâm và nhắc nhở chị đi đứng nhẹ nhàng, chớ làm việc nặng. Khi trưởng thành, chị được cha mẹ cho đi học cắt may rồi về mở tiệm ngay tại nhà.
Mọi người trong nhà luôn nghĩ đó là công việc nhẹ nhàng, phù hợp với sức khỏe của chị. Cứ thế, hết năm này qua tháng nọ, chị Mai luôn sống trong sự “nhẹ nhàng” đó và vẫn phải chịu đựng sự mệt mỏi do bệnh tim gây ra.
Không bị tim bẩm sinh như chị Mai, nhưng một lần khi đang làm việc tại công ty, chị Thu Hiền (Đống Đa, Hà Nội) thấy cơ thể khá mệt mỏi, đau cổ, đau vai, thở gấp, mồ hôi ra nhiều, buồn nôn và có dấu hiệu hoa mắt, chóng mặt. Lúc đầu, chị chỉ nghĩ đơn giản là do nhiều tuổi, cơ thể dễ thay đổi khi có tác động của thời tiết. Hiện tượng này lặp lại nhiều lần khiến chị lo lắng và được chồng đưa đi khám.
Tại bệnh viện, các bác sĩ tiến hành xét nghiệm và chẩn đoán chị Hiền bị bệnh tim mạch vành. Từ khi phát hiện bệnh, ông xã và hai đứa con cứ luôn nhắc chị chú ý sức khỏe, chỉ được làm những việc nhẹ nhàng. Vì hai con đã lớn và không thích có người lạ trong nhà, nên căn nhà 4 tầng từ trước giờ chỉ do chị dọn dẹp.
Nhưng kể từ khi bị bệnh, chồng chị Hiền vẫn nhất quyết bắt phải thuê ôsin. Chưa hết, vì nhà có điều kiện, anh còn ra sức thuyết phục chị nghỉ việc ở nhà nghỉ ngơi, chăm sóc sức khỏe. Bất kể việc gì trong nhà đều đã có ôsin đảm nhận và con cái giúp đỡ. Ngay cả khi chị định cầm chổi quét nhà, anh cũng vội vã gọi ngay ôsin hoặc con vào làm thay. Lo lắng cho sức khỏe của vợ nên bất cứ lúc nào đi vắng anh cũng liên tục dặn dò các con không được để mẹ làm việc gì hoặc đi đâu…
Dù kiêng kỵ kỹ lưỡng như thế, nhưng bệnh tim của chị Thu Hiền không có dấu hiệu thuyên giảm. Hàng ngày chị đều phải uống cả bụm thuốc mà vẫn thường xuyên bị mệt mỏi, đầu óc mụ mị bi quan, bệnh tình không giảm còn có xu hướng tăng. Vì thế, dù chồng có ngăn cản cỡ nào, sau 3 tháng ngồi không, chị đã quyết đi làm trở lại. Và lạ kỳ thay, kể từ khi đi làm trở lại, sức khỏe của chị được cải thiện. Những cơn mỏi mệt thưa dần, da dẻ hồng hào hơn...
Vận động là sự sống
Quan niệm người bệnh tim chỉ nên nghỉ ngơi, không được làm việc gì theo TS. Phạm Mạnh Hùng, Trưởng phòng Can thiệp Tim mạch, Tổng Thư ký Hội Tim mạch học Việt Nam, hoàn toàn là sai lầm. Hội Tim mạch Mỹ cho rằng ít vận động là nguyên nhân chủ yếu gây bệnh tim. Các nghiên cứu khoa học đã cho thấy có đến 90% các biến cố tim mạch xảy ra khi người bệnh nghỉ ngơi, chứ không phải lúc họ đang vận động.
Lý giải cho điều này, TS. Phạm Mạnh Hùng cho biết, khi nồng độ cholesterol tốt (yếu tố đóng vai trò quyết định ngăn ngừa khả năng nhồi máu cơ tim) trong máu quá tốt sẽ có hại cho hệ thống tim mạch hơn cả trường hợp nồng độ cholesterol xấu cao hơn mức bình thường chút ít.
Chính luyện tập thể dục, thể thao thường xuyên với cường độ vừa phải là cách tốt nhất để gia tăng nồng độ cholesterol tốt ở mức lý tưởng. Ngoài ra, các nhà khoa học trên thế giới cũng nhấn mạnh không có phương pháp nào giảm thiểu tối đa hiện tượng nhồi máu cơ tim hơn hoạt động thể dục, thể thao.
TS. Phạm Mạnh Hùng đưa ra lời khuyên về việc luyện tập thể dục, thể thao nói riêng và vận động nói chung đối với người bệnh tim như sau:
- Người mắc bệnh tim nên đi bộ mọi lúc, mọi nơi với tốc độ khác nhau. Ngoài ra, các hoạt động thể lực ở mức độ vừa phải như tập yoga, đạp xe, bơi lội, làm vườn, khiêu vũ… nên được duy trì đều đặn và thường xuyên để có tác dụng tích cực đối với tim mạch.
- Việc tập luyện nên duy trì hàng ngày và có thể tăng dần cường độ. Chỉ cần 30-60 phút tập luyện mỗi ngày và khoảng 5 ngày trong tuần bạn sẽ giảm được nguy cơ bệnh lý tim mạch, kiểm soát được tình trạng tăng huyết áp, tăng cholesterol hay béo phì.
- Ngay cả việc luyện tập cường độ nhẹ như đi dạo, chăm sóc cây cảnh, làm vườn… cũng có tác dụng làm giảm bệnh lý tim mạch. Nếu không thể thu xếp thời gian để luyện tập thể dục thể thao hay vận động thường xuyên, trong quá trình làm việc người bệnh nên dành ra những khoảng thời gian ngắn chừng 10 phút để vận động chân tay, thay đổi tư thế…
- Địa điểm và thời gian luyện tập cũng đóng vai trò rất quan trọng. Người bệnh nên tập khi cơ thể khỏe mạnh, chọn các địa điểm thoáng khí, tránh tập ở những nơi ẩm thấp, kín gió, không nên tập vào sáng sớm, tối khuya hoặc những lúc trời nắng nóng. Khi bị đau, mệt mỏi, khó thở… người bệnh nên dừng tập luyện ngay lập tức.
- Đối với những người sẵn có bệnh tim mạch hoặc có nguy cơ cao mắc bệnh tim, tốt nhất nên tham khảo ý kiến bác sĩ để có hình thức tập luyện, vận động phù hợp.
Để tim trẻ khỏe
Ngoài vận động đúng cách, những lưu ý sau rất cần thích để bạn chăm sóc quả tim của mình:
Điều không nên làm | Lợi ích cho bạn |
Không hút thuốc | Hút thuốc luôn đứng đầu danh sách các yếu tố nguy cơ mắc và tử vong vì bệnh tim. Các nguy cơ này càng tăng tỉ lệ thuận với số lượng thuốc hút và thời gian hút. |
Không uống quá nhiều rượu | Uống một chút rượu vang (1-2 ly mỗi ngày), đặc biệt là rượu vang đỏ rất có lợi cho sức khỏe tim mạch. Tuy nhiên, Hội Tim mạch Hoa Kỳ cũng khuyến cáo người trên 65 tuổi không nên uống quá 150ml rượu mỗi ngày. |
Kiểm soát cân nặng | Thừa cân sẽ làm tăng gánh nặng cho tụy khiến nguy cơ mắc bệnh tim tăng cao bởi nó liên quan đến huyết áp và mức độ cholesterol. |
Kiềm chế stress | Trạng thái căng thẳng, giận dữ đều ảnh hưởng đến sức khỏe và tăng nguy cơ bị bệnh tim. Các nghiên cứu cho thấy phần lớn bệnh tim là do áp lực về tâm lí. |