Hợp tác quảng cáo

Lạc nhau giữa thời công nghệ

Khi “bão” công nghệ len lỏi vào từng ngóc ngách của cuộc sống, chúng giúp xóa tan khoảng cách địa lý, người với người cách nhau hàng ngàn km cũng có thể dễ dàng “gặp nhau”.

Susie Lee - thành viên của ứng dụng hẹn hò Siren đã đưa ra lời cảnh báo: công nghệ không thể thay thế hoàn các tương tác giữa con người, cần học cách quan tâm lẫn nhau trong phòng ngủ thay vì chỉ để ý tới thiết bị công nghệ.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Hai người hai thế giới

Anh là trưởng phòng nhân sự một công ty, chị là nhân viên kế toán. Hai người quen nhau qua facebook, từ ảo thành thật, từ ý hợp tâm đầu trên mạng mà nên vợ thành chồng. Mỗi ngày, hai vợ chồng đi làm khi đứa con gái 2 tuổi còn chưa ngủ dậy và có mặt ở nhà khi cô giúp việc cho cháu ăn uống đầy đủ. Chẳng biết do mệt mỏi bởi cả ngày vùi đầu vào công việc hay lí do gì mà ăn xong, chỉ kịp ôm ấp con một lúc rồi hai vợ chồng lại vội vàng về phòng riêng nghỉ ngơi. Con gái nhỏ thiếu hơi bố mẹ cả ngày cứ quấn riết lấy mẹ rồi quay sang bố. Anh chị cũng chỉ chơi với con qua loa rồi đưa cho con chiếc ipad để con tự chơi, rồi lại mỗi người một góc phòng ôm điện thoại, laptop lướt web, facebook...

Hôm rồi tôi tới nhà anh chị chơi, cô giúp việc vừa mở cửa, đập ngay vào mắt là cảnh cô con gái đang bi bô theo những lời thoại của bộ phim hoạt hình trên ipad còn vợ chồng anh chị nằm dài trên chiếc sofa chăm chú vào chiếc điện thoại của mình. Tôi nhắc anh chị, không ít trường hợp các cháu vì bố mẹ không giao tiếp với con, để con tự chơi hoặc chơi quá nhiều điện tử trên điện thoại dẫn đến tự kỷ. Anh tặc lưỡi và cười xuề xòa như chuyện không quan trọng. Trò chuyện với chúng tôi nhưng chốc chốc anh lại bốc điện thoại lên miết miết, di di như đã thành thói quen và phản xạ tự nhiên.

Hay trường hợp vợ chồng anh Bình (32 tuổi) ở Tân Phú cũng lâm vào cảnh trớ trêu. Anh kể, anh hết sức bực mình vì việc cô vợ bị nghiện iPhone. Lúc nào vợ anh cũng khư khư ôm điện thoại, xem Facebook và hàng tá thứ khác, khi rảnh thì lấy điện thoại ra chơi game và tranh thủ sạc pin. Cho nên lúc nào vợ anh cũng trong tâm trạng chờ đón những tin nhắn trên mạng xã hội hay mail. Thậm chí những lúc ngủ thì tiếng chuông điện thoại “beng beng” cũng làm anh mất ngủ và khó chịu. Con cái chưa có, vậy mà đi làm về, ngay cả trong bữa cơm vợ anh cũng chẳng chuyện trò, cứ ngồi im, hết nhận cuộc gọi của đồng nghiệp rồi đến tin nhắn. Lắm khi cả buổi tối cô ấy chẳng mở miệng lần nào. Bình bắt chuyện thì vợ ậm ừ một hai tiếng cho qua, thậm chí chẳng thiết ngước lên nhìn mặt chồng lấy một lần.

Vì dành quá nhiều thời gian âu yếm “người tình” điện thoại nên người vợ cũng “quên” luôn chuyện sinh hoạt vợ chồng. Bao nhiêu lần anh chủ động “làm phiền” đều bị vợ càu nhàu: “để yên, người ta đang chat với bạn”. Thế là lâu dần anh cũng tự ái, không thèm quan tâm nữa, tình cảm thành nhạt như nước ốc.

Công nghệ trở thành một phần không thể thiếu trong mỗi gia đình, giúp cuộc sống thi vị, lung linh hơn. Tuy nhiên, nếu lạm dụng, chiếc máy tính lại trở thành “người thứ ba” ngăn trở hạnh phúc. Một người một chiếc điện thoại trên tay là dường như có cả thế giới của riêng mình, bởi với một xã hội được kết nối bởi những mạng xã hội, mỗi người có thể có đến hàng nghìn “bạn bè” trên thế giới ảo.

“Kẻ thứ ba” phá bĩnh hôn nhân

Theo nghiên cứu của các nhà khoa đến từ trường đại học Durham (Anh) cho biết, các thiết bị điện tử đang dần hủy hoại cuộc sống hôn nhân của nhiều vợ chồng.

Nhóm nghiên cứu do tiến sĩ Mark McCormack đứng đầu đã tiến hành phỏng vấn 15 cặp vợ chồng trên khắp nước Anh để tìm hiểu công nghệ hiện đại ảnh hưởng như thế nào tới đời sống tình dục. Kết quả cho thấy, các cặp đôi đang ngày càng bị hấp dẫn bởi những thiết bị công nghệ cao như điện thoại di động, máy tính bảng... nhiều hơn cả “chuyện ấy”.

Một phụ nữ tham gia nghiên cứu thậm chí còn cho rằng smartphone của chồng cô là “người thứ ba trong cuộc hôn nhân”. Một phụ nữ khác tiết lộ rằng cô thỉnh thoảng vào Facebook và thấy chồng mình đang giải trí trên ứng dụng thể thao trong khi cả 2 đang cùng nằm trên giường ngủ. Cô nhận thấy rằng vợ chồng cô đang ngồi cạnh nhau nhưng dường như đang sống ở hai thế giới.

Thời công nghệ số bận rộn, các công chức trẻ ít thời gian dành cho gia đình, biến tổ ấm của mình thành nơi “ứng dụng” các công nghệ, khiến cho hôn nhân lạnh lẽo, tình cảm khô cứng. Thông điệp chuyển tải yêu thương trở nên sinh động hơn nhưng cũng có nhiều ngăn cách bởi các password vô tình, lạnh lẽo.

Theo bà Nguyễn Thị Tâm, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Khoa học Tâm lý Hồn Việt, việc bị nghiện smartphone bắt đầu lan rộng ở Việt Nam điều này gắn liền với thói quen sử dụng. Hiện nay rất khó để phát hiện việc nghiện này, một người dùng bình thường ban đầu là khám phá, sau đó cảm thấy có nhiều tính năng và bị cuốn theo mất ngày càng nhiều thời gian mà không hề hay biết mình bị nghiện.

Cho dù cuộc sống có hiện đại đến đâu thì hôn nhân vẫn còn nguyên những giá trị cũ. Muốn nuôi dưỡng hôn nhân vẫn cần những cái nắm tay giản dị, những nụ hôn nồng ấm và những lời nói chân thành khi mắt nhìn vào mắt, vai tựa bên vai. Nếu chìm đắm trong thế giới ảo thì cho dù hai vợ chồng ngồi cạnh nhau vẫn lạc trong mê cung xa lạ, lạnh lẽo.

Lê Ngọc

Theo chuyên trang Sức Khỏe Gia Đình - NXB Y học

Tin cùng chuyên đề

TIN KHÁC

Sống tâm lý

Cho con

Giảm béo