Một cụm từ khoá “thuốc tăng đề kháng cho trẻ” trên google sẽ cho ra 51 triệu kết quả khác nhau, giúp cho cha mẹ sẽ có nhiều sự lựa chọn để mua thuốc cho trẻ hơn là đưa trẻ đến các bệnh viện để thăm khám và kê đơn cẩn thận
Thông tin trẻ quay trở lại trường học sau một thời gian dài ở nhà do dịch bệnh đã khiến cho nhiều bậc phụ huynh lo lắng, vì nguy cơ con bị hậu COVID khiến sức khỏe suy giảm hoặc có thể mắc COVID-19 và các bệnh lây truyền khác. Chính vì vậy, đã có nhiều cha mẹ đã tự ý tìm kiếm thông tin trên google để mua các các loại thuốc đề kháng, hoặc thuốc bổ về để bổ sung cho con trẻ.
Tuy nhiên, dù quan tâm đến sức khỏe của con như vậy nhưng rất ít cha mẹ đưa con đi gặp bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn và kê đơn, thay vào đó, họ chỉ tự ý mua thuốc theo các lời khuyên có trên google (Ảnh: Internet) |
Nhiều chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo rằng việc tự ý cho trẻ uống thuốc đề kháng, hoặc thuốc bổ mà không được kê đơn bởi bác sĩ là điều cực kỳ nguy hiểm.
Lấy ví dụ đơn giản nhất như câu chuyện bổ sung vitamin C cho trẻ, lâu nay, nhiều người vẫn nghĩ vitamin C rất lành, có thể cho con uống thoải mái. Tuy nhiên, một số nghiên cứu cho thấy, liều vitamin C trên 2.000 mg có thể gây ra các tác dụng không mong muốn như tiêu chảy, buồn nôn, đau bụng.
Bổ sung vitamin C sai cách có thể khiến cơ thể tích trữ quá nhiều sắt và có thể dẫn tới bệnh lý sỏi thận (Ảnh: Internet) |
Các bác sĩ cũng khẳng định, việc đảm bảo dinh dưỡng, môi trường sống cho trẻ mới là điều tốt nhất. Dù không phủ nhận những ích lợi về thông tin của việc chăm sóc sức khỏe trên Google nhưng cách này cũng có nhiều hạn chế bởi nguồn thông tin cần phải được kiểm chứng chuyên môn.
Hơn nữa, kể cả khi nguồn thông tin trên Google đúng là đã được kiểm chứng bởi các chuyên gia y tế nhưng cơ thể con người là một bộ máy rất phức tạp, không ai giống ai nên không thể áp dụng y nguyên và cứng nhắc. Mỗi người có tình trạng sức khỏe khác nhau, bệnh lý khác nhau nên luôn cần có một chế độ phù hợp dựa trên các chỉ số xét nghiệm cụ thể và tính toán của bác sĩ.
Cha mẹ cũng nên tránh gây áp lực cho con trẻ, khiến trẻ bị căng thẳng, vì stress cũng là một nguyên nhân làm suy giảm miễn dịch. Yếu tố tinh thần cũng góp phần quan trọng nâng cao hệ miễn dịch nên cha mẹ cần tạo cho trẻ một đời sống tinh thần vui tươi, thoải mái, tránh lo âu, căng thẳng.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng lưu ý các bậc cha mẹ ngoài việc bảo đảm chế độ dinh dưỡng đầy đủ, lành mạnh để nâng cao thể chất cho trẻ thì luôn chú trọng môi trường sống, giấc ngủ, tinh thần và khuyến khích trẻ vận động, đó chính là những yếu tố quan trọng trong việc nâng cao sức đề kháng cho con.
Đối với giấc ngủ của trẻ, cần lưu ý chất lượng giấc ngủ, thời gian ngủ phải phù hợp lứa tuổi. Thiếu ngủ sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ miễn dịch của cơ thể. Trẻ mầm non nếu được ngủ đủ giấc sẽ không cáu gắt, chơi ngoan.
Đối với trẻ thiếu nhi và thiếu niên, ngủ đủ giấc sẽ giúp cho việc tập trung cao hơn và khả năng ghi nhớ tốt hơn. Nếu không ngủ đủ giấc, trẻ sẽ mệt mỏi, học tập kém tập trung và khả năng ghi nhớ cũng bị ảnh hưởng (Ảnh: Internet) |
Tiếp đến là tăng cường vận động, cha mẹ nên khuyến khích trẻ tập thể dục thể thao. Vận động góp phần tăng cường chuyển hóa các chất dinh dưỡng, lưu thông khí huyết giúp tăng miễn dịch. Cho trẻ ra tiếp xúc với ánh sáng mặt trời sẽ giúp tổng hợp vitamin D.
Việc nghiên cứu các phương pháp để chăm sóc sức khoẻ của con trên google tuy không phải là xấu, nhưng cha mẹ không nên tự ý mua thuốc tăng đề kháng cho trẻ mà không có sự hướng dẫn hoặc kê đơn của bác sĩ. Ngoài ra, hãy ghi nhớ những lời khuyên của các chuyên gia để giúp con luôn khoẻ mạnh nhé.
Quỳnh Giang
Theo Người đưa tin