(SKGĐ) Khi hạnh phúc không thể níu kéo được nữa, không còn cách nào khác - bạn đành phải buông tay. Nhưng, hàng trăm, hàng nghìn những e ngại xuất hiện trong đầu và trước mặt bạn. Phải làm sao đây?
![]() |
1. Vượt qua chính mình
Dám hay không dám? Còn có thể cứu vãn được không? Có nhất thiết phải đi đến bước cuối cùng như thế hay không? Gia đình hai bên sẽ nghĩ gì? Có ai phản đối không? Mọi người sẽ nghĩ mình như thế nào? Sẽ có lời ra tiếng vào? Sẽ bị bàn tán, dèm pha?... Hàng trăm câu hỏi cứ dồn lên chất chồng mà không cách nào tìm được câu trả lời thỏa đáng.
Suy nghĩ của con người thường mơ hồ, hôm nay nghĩ thế này, ngày mai lại nghĩ khác. Có thể hôm nay quyết tâm được rồi, nhưng chỉ cần một tác động nhỏ: “Con nên suy nghĩ kỹ lại đi”, “Không còn cách nào khác sao chị?”, “Đừng để sau này phải hối hận nha em!”, “Cháu nên nghĩ cho tương lai thằng Bin”… sẽ lại đưa mọi thứ về điểm xuất phát, và lại bắt đầu nhìn lại từ đầu.
Thuyết phục chính bản thân mình tưởng dễ mà hóa ra lại là khó nhất. Trằn trọc mất ngủ hàng đêm, đầu óc tê liệt vì phải nghĩ suy chọn lựa, cứ như đứng trước hai dòng nước, chọn bên nào cho đúng? Nhìn sang đứa con ngủ say ngây thơ, khẽ thở dài.
Lúc này, điều cần thiết nhất có lẽ là một khoảng thời gian nhất định cho riêng mình để ngồi suy ngẫm lại tất cả mọi việc trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Một mình và không bị tác động bởi bất cứ điều gì. Chọn một chuyến đi xa ngắn, thay đổi không gian sống, bỏ mọi muộn phiền sau lưng để yên tĩnh một vài ngày, bình tĩnh suy xét và trả lời từng câu hỏi. Mỗi đáp án là một đầu dây gỡ dần nút thắt trong lòng.
Chẳng có công thức nào cho việc chuẩn bị sẵn sàng đón một cuộc ly hôn, chính vì thế bản thân người trong cuộc phải tự quyết định mọi thứ. Dù có do dự như thế nào thì sự thật vẫn là sự thật, níu giữ hạnh phúc không toàn vẹn, không còn thuộc về mình, rõ ràng là một phương án không sáng suốt.
2. Thương con vắng bố
“Con yêu cả bố cả mẹ”. Khi quyết định ly hôn, nghe câu nói ngây ngô ấy ai chẳng đau lòng. Con cái đóng vai trò quan trọng trong hôn nhân và cả trong… ly hôn. Đón con đến với thế giới là niềm vui khôn nguôi của cả gia đình, là kết tinh tình yêu của hai người. Nhưng khi những vết rạn nứt xuất hiện, con trẻ lại là người dễ bị thương tổn nhất.
Nuôi con một mình là một thử thách lớn. Làm thế nào để con cân bằng lại sau sự cố gia đình lại càng khó khăn hơn. Khi đặt con trước sự lựa chọn: bố hoặc mẹ, chỉ một mà thôi, vô tình đã khoét sâu hơn vết thương trong con. Chúng bạn có đủ mẹ cha, còn con chỉ được phép chọn một. Có thể quyết định được không nếu nhìn vào đôi mắt trong veo ấy?.
Nhưng cần tỉnh táo để nhận ra môi trường nào sẽ tốt cho con, sẽ giúp con lớn lên bình thường nhất. Khi bản thân đã sẵn sàng cho cuộc chia tay, việc chuẩn bị tâm lý cho con là một điều cần thiết. Không thể mãi nói dối con rằng: bố chỉ đi công tác thôi, rồi bố sẽ về hay bố vì một lý do nào đó mà không thể sống chung với hai mẹ con mình. Có thể con sẽ tin lúc đó, nhưng thời gian sẽ khiến sự thắc mắc trong con tăng thêm, và con sẽ lại bị tổn thương một lần nữa khi phát hiện ra sự thật hoàn toàn khác.
Sẻ chia tâm sự với con một cách nhẹ nhàng, giúp con đối diện với sự thật để con thích nghi dần với sự thay đổi. Vẫn biết sự thật rất “đắng”, nhưng đặt con vào thế chủ động, nhận thức được tình hình, con sẽ dễ thông cảm cho bố mẹ hơn, sẽ hiểu chuyện hơn và chắc chắn con sẽ trưởng thành hơn.
3. “Trăm dâu đổ đầu tằm”
Bước ra cuộc sống tự lập, không còn chia sẻ mọi thứ với một người khác, ắt hẳn là khúc cua không dễ đi qua. Gánh nặng tài chính sẽ biến cuộc sống trở nên gập ghềnh, bấp bênh hơn. Mối lo tiền bạc, cơm áo thường trực hiện hữu rất có thể là chướng ngại vật lớn thách thức bản lĩnh và vắt cạn kiệt sức lực. Ly hôn xong sẽ ở đâu? Tìm nhà như thế nào? Làm thế nào với hàng loạt các hóa đơn?
Lật lại vấn đề, rất có thể từ khó khăn sẽ biến thành động lực thúc đẩy sự cố gắng. Bình tĩnh là một điểm cốt yếu. Khoanh vùng nhà ở như gần trường học của con, gần cơ quan, đảm bảo an ninh, giá cả phải chăng… Lập một tài khoản ngân hàng mới cho những khoản tiền riêng, lập một ngân sách dựa trên thu nhập cá nhân và biết bản thân sẽ phải làm gì, tính toán chi thu thế nào cho hợp lý.
Khi dám thay đổi cũng là lúc dám một mình tiến về phía trước, điều quan trọng nhất đừng để mình rơi vào cái vòng xoáy áp lực, lo toan và bế tắc. Biết là không mấy suôn sẻ, nhưng hãy coi đó là những “lộ phí” cho hành trình dài sắp tới tiến đến một tương lai tốt đẹp hơn.
![]() |
4. Kẻ thù mang tên thời gian
Khi “đứt gánh giữa đường” cái lo sợ về tuổi thanh xuân, sợ bắt đầu một mối quan hệ mới hiện lên rõ hơn bao giờ hết. Soi bóng mình trong gương, bất chợt nhận ra cái thời 20 đã xa quá rồi. Khóe mắt xuất hiện thêm một vết nhăn, làn da đã không còn mịn màng như trước, vòng eo không còn thon thả… Tất cả đều đã in hằn dấu vết của thời gian.
Liệu chăng sau khi kết thúc mối quan hệ cũ có còn đủ tự tin để bắt đầu một mối quan hệ khác? Liệu chăng bản thân mình có còn sự hấp dẫn? Có quá muộn để làm lại từ đầu? Còn có thể yêu thêm lần nữa?
Nhưng điểm cuối của một con đường luôn là khởi điểm cho một con đường khác. Chẳng có gì là quá muộn, cũng chẳng có gì là không thể. Thời gian đã lấy đi nét đẹp trong sáng, thanh thoát nhưng lại tạo nên sắc đẹp mặn mà, quyến rũ. Không có lý do gì để bản thân không tự trang hoàng, làm mới lại mình, tự hưởng thụ và bắt đầu điều gì mới. Bước đến cạnh một vạch xuất phát khác, tìm đến chân trời khác và tự tin đem hạnh phúc đến cho mình.
Tan vỡ là nỗi đau lớn nhất trong đời sống hôn nhân, nhưng phụ nữ hiện đại đã không còn trói tay cam chịu mà dũng cảm vượt qua được nỗi đau ấy, “chịu đựng cơn đại phẫu để dứt bỏ đi phần thân thể tê liệt, bệnh tật”, tiếp tục cuộc sống của mình.
Hồng Nhung