Nhiều người thường nghĩ bệnh ung thư mới là bệnh nguy hiểm nhất, nhưng các chuyên gia sức khỏe lại khẳng định một điều khác, bệnh động mạch vành mới chính là loại bệnh tật nguy hiểm nhất hiện nay. Bất kỳ ai đang mắc phải căn bệnh này mà không lo điều trị, nguy cơ tử vong có thể xảy ra bất kỳ lúc nào.
Theo chia sẻ của các chuyên gia khoa Tim mạch, bệnh động mạch vành được xem là một trong những bệnh lý về tim phổ biến nhất hiện nay, và cũng được xem là bệnh có mức độ nguy hiểm cao nhất. Bởi mạch vành là cơ quan chủ yếu trong việc cung cấp máu cho cơ tim, nuôi dưỡng cơ tim khỏe mạnh, từ đó giúp trái tim hoạt động tốt chức năng của nó. Trong khi đó, tim lại là bộ phận chủ chốt của cơ thể - đóng vai trò như một máy bơm, giúp bơm từ 5 - 6 lít máu/ phút (kèm với các chất dinh dưỡng và oxy) đi khắp cơ thể nhằm duy trì sự sống.
Điều này cho thấy, khi mạch vành gặp vấn đề khiến một hoặc nhiều nhánh động mạch trong hệ thống này bị tắc nghẽn, sức khỏe của tim cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Và một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra các vấn đề về mạch vành đó là xơ vữa động mạch (một tình trạng bệnh mà các mảng bám như cholesterol và các chất thải còn tích tụ trong máu bám lên thành động mạch, gây cản trở quá trình lưu thông máu). Khi bệnh mạch vành tiến triển, sự lưu thông máu qua động mạch cũng trở nên khó khăn hơn. Hậu quả là cơ tim không thể nhận đủ lượng máu và oxy cần thiết, dẫn đến tình trạng thiếu máu cơ tim cục bộ. Không chỉ vậy, bệnh động mạch vành cũng là nguyên nhân gây ra hàng loạt các biến chứng nguy hiểm nhất hiện nay, có khả năng gây tử vong, bao gồm:
1. Nhồi máu cơ tim: sự xuất hiện của mảng xơ vữa trong lòng động mạch là một điều kiện cực kỳ thuận lợi để cục máu đông hình thành. Tuy nhiên, các mảng xơ vữa này thường không bền, một khi nứt vỡ đột ngột và hình thành huyết khối có thể dẫn đến tắc hoàn toàn mạch máu và gây nhồi máu cơ tim diện rộng.
Nhồi máu cơ tim chính là biến chứng nguy hiểm nhất do bệnh mạch vành gây ra. Nếu không được cấp cứu kịp thời, người bệnh có thể bị tử vong trong vòng vài giờ. Trường hợp được cấp cứu, họ cũng có nguy cơ gặp nhiều di chứng vì một phần mô tim đã bị tổn thương mãi mãi sau biến chứng này (Ảnh: Internet)
2. Suy tim: người mắc phải bệnh mạch vành mà không lo điều trị từ sớm cũng sẽ dễ bị suy tim, do mảng xơ vữa ngăn chặn dòng máu giàu oxy và dinh dưỡng tới nuôi cơ tim. Cơ tim bị thiếu dinh dưỡng lâu ngày sẽ làm cho tim suy yếu, khiến chức năng co bóp tống đẩy máu kém hơn.
Dù không đe dọa tính mạng nhanh chóng như nhồi máu cơ tim nhưng suy tim ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe thể chất tinh thần và chất lượng cuộc sống của người bệnh, ngay cả những hoạt động đơn giản như đi bộ, leo cầu thang, sinh hoạt cá nhân cũng khiến họ bị khó thở, mệt mỏi, đau ngực rất khó chịu (Ảnh: Internet)
3. Rối loạn nhịp tim: đây cũng là một biến chứng thường thấy, và cần tất cả người mắc bệnh mạch vành cần lưu tâm. Bình thường, tim đập đều đặn 60 - 100 nhịp/ phút là nhờ sự kiểm soát của hệ thống điện tim. Nhưng ở người bệnh mạch vành, cơ tim thiếu oxy có thể khiến hệ thống này bị rối loạn.
Tùy tình trạng tắc nghẽn mạch vành mà mỗi người bệnh sẽ bị rối loạn nhịp tim ở mức độ khác nhau. Có những trường hợp chỉ thấy tim đập nhanh loạn nhịp nhẹ nhưng cũng có trường hợp tim đập hơn 300 nhịp/ phút khiến tim mất khả năng bơm máu mà không có dấu hiệu báo trước. Nếu không có thiết bị khử rung tim để khôi phục lại nhịp tim bình thường thì người bệnh có thể bị tử vong trong vài phút.
Từ những biến chứng trên, ta có thể thấy sự quan trọng trong việc kiểm soát và điều trị bệnh đúng cách, kịp thời. Vì nếu lơ là, nguy cơ tử vong có thể xảy ra với người bệnh bất kỳ lúc nào. Bên cạnh đó, với những người chưa từng mắc bệnh, chủ động phòng bệnh là điều cực kỳ cần thiết. Ai muốn ngăn chặn bệnh từ sớm, nên thực hiện tốt những việc sau đây.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) luôn xếp muối vào nhóm gia vị nguy hiểm, có thể gây ra nhiều bệnh tật nếu không được sử dụng đúng cách - một trong số đó là các bệnh về tim mạch. Cụ thể, khi chúng ta ăn các loại thực phẩm chứa nhiều muối, một lượng lớn natri (khoáng chất có nhiều trong muối) sẽ được dung nạp vào cơ thể, từ đó làm tăng hàm lượng natri trong máu. Điều này sẽ gây áp lực lên thận, buộc cơ quan này phải làm việc cật lực để lọc máu.
Cứ như thế theo thời gian, khi hàm lượng natri quá cao và tích tụ trong máu ngày càng nhiều, thận sẽ không thể thực hiện tốt “công việc” lọc máu của nó và dẫn tới sự gia tăng áp lực thẩm thấu trong lòng mạch. Khi này, nước sẽ di chuyển vào trong lòng mạch theo áp lực thẩm thấu trên và làm thể tích máu gia tăng, khiến huyết áp tăng cao và tạo áp lực lên hệ tim mạch. Bệnh mạch vành cũng sẽ vì vậy mà dễ khởi phát hơn.
Nếu muốn tránh nguy cơ mắc bệnh mạch vành, hãy chú ý đến chế độ dinh dưỡng của mình. Nên lựa chọn các món ăn thanh đạm, nêm vừa gia vị, hạn chế các loại thực phẩm chế biến sẵn vì nó chứa rất nhiều muối.
Theo khuyến cáo của WHO, mỗi người trưởng thành chỉ nên sử dụng khoảng dưới 5 gam muối/ ngày, nhằm tránh các biến chứng nguy hiểm cho hệ tim mạch (Ảnh: Internet)
Căng thẳng thường xuyên sẽ làm cho hàm lượng cortisol và adrenaline gia tăng đáng kể. Hai loại hormone này có thể khiến huyết áp tăng cao và nhịp tim nhanh hơn so với mức bình thường. Khi nhịp tim tăng nhanh liên tục sẽ thúc đẩy cơ tim bơm máu, từ đó đòi hỏi một lượng oxy lớn. Lúc này, khối lượng oxy bên trong phế nang bị giảm sút. Tình trạng này nếu để lâu dần có thể gây ra nhiều nguy cơ cho hệ tim mạch, trong đó bao gồm cả hệ thống mạch vành.
Cách tốt nhất để kiểm soát tình trạng căng thẳng thường xuyên này là lên kế hoạch cân đối thời gian làm việc và nghỉ ngơi thật hợp lý. Các chuyên gia khuyến khích rằng mỗi người chỉ nên làm việc từ 7 - 8 tiếng mỗi ngày, và đảm bảo giấc ngủ chất lượng. Bên cạnh đó, mọi người nên tập các bài tập thở sâu thường xuyên để làm giảm căng thẳng và tăng hàm lượng oxy trong cơ thể.
Chất béo chuyển hóa được xem là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng xơ vữa động mạch, thông qua việc làm tăng chỉ số cholesterol xấu (LDL) trong máu. Các cholesterol-LDL này sẽ tạo thành các mảng xơ vữa bám vào thành động mạch, gây cản trở quá trình máu vận chuyển oxy và chất dinh dưỡng đến các cơ quan, trong đó có trái tim - từ đó dẫn tới nhiều vấn đề tim mạch. Không chỉ thế, các mảng xơ vữa này thường không bền, khi nứt vỡ đột ngột sẽ hình thành huyết khối và dẫn đến tắc nghẽn mạch máu hoàn toàn, gây nhồi máu cơ tim diện rộng.
Theo khảo sát của WHO, mỗi năm có hơn nửa triệu người chết vì các bệnh tim mạch có liên quan đến chất béo chuyển hóa. Do đó, WHO đã đưa chất béo chuyển hóa vào danh sách đen, kêu gọi thay thế bằng các loại chất béo và dầu có lợi cho sức khỏe hơn.
Chất béo chuyển hoá thường được tìm thấy trong các thức ăn được chế biến sẵn, ngập dầu, chiên, nướng, các loại bánh thông thường hàng ngày như bánh quy, bánh kem, khoai tây chiên, kem,... (Ảnh: Internet)
Theo các chuyên gia sức khỏe, một lượng bia rượu vừa phải có thể giúp cho quá trình tuần hoàn máu thuận lợi và làm giảm nguy cơ mắc bệnh về tim. Tuy nhiên, việc lạm dụng rượu, bia sẽ gây ra nhiều hệ lụy xấu cho sức khỏe, thậm chí là phản tác dụng và gây hại ngược lại cho tim mạch. Nguyên nhân là vì trong rượu, bia cũng có nhiều chất có khả năng gây độc cho tim, làm suy yếu cơ tim, tăng nguy cơ mắc chứng rối loạn nhịp tim hoặc suy mạch vành.
Để giữ gìn sức khỏe tổng thể (nói chung) và hệ thống tim mạch (nói riêng), mọi người chỉ nên sử dụng thức uống có cồn trong liều lượng cho phép. Cụ thể, đối với nam giới, không uống quá 30 gam cồn (tương đương 75 mililit (ml) rượu mạnh, 260ml rượu vang hoặc 330ml bia) và nữ giới thì không quá 20 gam cồn (tương đương 50ml rượu mạnh, 160ml rượu vang và 220ml bia) mỗi ngày.
Bệnh động mạch vành không phải là căn bệnh mà bất kỳ ai có thể xem thường, đặc biệt là những người đang mắc phải bệnh này cần chú ý kiểm soát tình trạng bệnh, tuyệt đối không lơ là nếu không muốn “thần chết chực chờ kế bên”. Ngoài ra, để phòng bệnh từ sớm, mọi người nên từ bỏ các thói quen xấu giúp bảo vệ hệ tim mạch của chính mình.
Xem thêm: 10 thức uống tự nhiên giàu collagen giúp bạn kéo dài tuổi thanh xuân
Quỳnh Giang
Theo Người đưa tin