COVID-19 đã gây ra một cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu khác được gọi là "Coronasomnia" - tình trạng không thể đi vào giấc ngủ hoặc giấc ngủ có chất lượng kém trong đại dịch.
Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe tâm thần của con người. Kể từ khi đại dịch xảy ra, cuộc sống của người dân đã bị gián đoạn do sự hỗn loạn gây ra bởi các sự kiện trong đại dịch COVID-19 như giãn cách xã hội, những nỗi lo về tình hình kinh tế, sức khỏe hay cách ly,... Sự gia tăng các vấn đề sức khỏe tâm thần trong đại dịch bao gồm chứng mất ngủ và trầm cảm. Một thuật ngữ mới được đặt ra để chỉ chứng mất ngủ do corona gây ra được gọi là ''Coronasomnia''. Thay đổi lối sống là một trong những yếu tố gây ra tình trạng này và những người bị ảnh hưởng nhiều nhất là phụ nữ, nhân viên y tế chống dịch tuyến đầu, bệnh nhân COVID-19, bác sĩ, người chăm sóc và học sinh, sinh viên.
Một thuật ngữ mới được đặt ra để chỉ chứng mất ngủ do corona gây ra được gọi là ''Coronasomnia'' - (Ảnh: Freepik). |
Coronasomnia - Các triệu chứng và nguyên nhân
Các triệu chứng của Coronasomnia cũng tương tự như chứng mất ngủ bình thường, chẳng hạn như:
- Khó đi vào giấc ngủ
- Đau đầu
- Sự lo lắng
- Thức dậy vào nửa đêm
- Không thấy thoải mái khi nghỉ ngơi
- Mệt mỏi
- Căng thẳng
- Cáu gắt
- Thiếu tập trung
- Tâm trạng lâng lâng
Một số nguyên nhân phổ biến làm tăng nguy cơ mất ngủ:
- Lối sống bị thay đổi: Do chế độ giãn cách được áp dụng ở nhiều nơi trên thế giới và một số hoạt động lối sống như làm việc tại nhà và các lớp học trực tuyến đã làm gián đoạn lối sống của mọi người, gây mất cân bằng giấc ngủ.
- Căng thẳng: Sự thay đổi lối sống đột ngột khiến con người rơi vào trạng thái căng thẳng do khó thích nghi. Sinh viên căng thẳng về các bài giảng trực tuyến, dân văn phòng căng thẳng khi phải làm việc ở nhà, nhân viên tuyến đầu chống dịch căng thẳng về khối lượng công việc, công nhân căng thẳng khi bị nghỉ việc và nói chung, chúng ta căng thẳng về sự không chắc chắn trong tương lai.
Sử dụng nhiều thiết bị điện tử khiến bạn khó ngủ hơn - (Ảnh: Freepik). |
- Sử dụng quá nhiều thiết bị điện tử: Trong nỗ lực cập nhật thông tin về đại dịch COVID-19, hay liên lạc với người thân bạn bè cũng như chế độ học và làm việc trực tuyến và nhu cầu giải trí đã làm tăng đáng kể thời gian con người sử dụng thiết bị điện tử. Điều này cũng đã ảnh hưởng đến chu kỳ giấc ngủ và gây ra chứng Coronasomnia.
Cách loại bỏ chứng mất ngủ Coronasomnia
Dưới đây là một số mẹo có thể giúp bạn ngăn ngừa Coronasomnia :
- Giảm tiêu thụ caffeine: Caffeine có thể khiến bạn thức khuya, do đó làm gián đoạn chu kỳ giấc ngủ. Tránh uống cà phê vào buổi tối muộn và giảm lượng tiêu thụ trong ngày của bạn.
- Cắt giảm thời gian sử dụng thiết bị: Với tất cả các hoạt động chính chuyển sang phương tiện trực tuyến, có thể khó cắt giảm thời gian sử dụng thiết bị. Tuy nhiên, hãy thử giảm thời gian sử dụng thiết bị càng nhiều càng tốt. Bên cạnh đó, hãy sử dụng các ứng dụng ánh sáng ban đêm để giảm tiếp xúc với ánh sáng xanh, thứ ánh sáng khiến não ngừng sản xuất hormone giúp cơ thể chìm vào giấc ngủ Melatonin.
- Điều chỉnh thói quen: Cố gắng điều chỉnh một thói quen lành mạnh bao gồm ăn đúng giờ, ngủ đúng giấc, tập thể dục và duy trì lịch làm việc lành mạnh. Điều này có thể giúp giảm căng thẳng và thúc đẩy quản lý thời gian.
Khó ngủ khi có những thay đổi lớn trong cuộc sống là điều bình thường. Nhưng khi tình trạng Coronasomnia kéo dài hơn ba tháng, nó có thể được coi là chứng mất ngủ mãn tính, có thể gây ra những hậu quả lâu dài cho sức khỏe. Vì vậy, nếu bạn đã thử những mẹo này nhưng vẫn không thể ngủ một cách dễ dàng, hãy liên hệ với chuyên gia sức khỏe tâm thần để có cách giải quyết triệt để.
Phong Vũ
Theo Người đưa tin