Bệnh máu nhiễm mỡ có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm, gây tổn hại sức khỏe và ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của người bệnh.
Máu nhiễm mỡ là gì
Ngày nay, máu nhiễm mỡ là căn bệnh khá phổ biến và nhiều người mắc phải. Bệnh còn có thể gọi bằng tên khác là rối loạn chuyển hóa lipid máu hay mỡ máu cao.
Bệnh máu nhiễm mỡ hay còn gọi là rối loạn chuyển hóa lipid máu |
Thông thường, trong máu của chúng ta luôn có một tỉ lệ mỡ nhất định, được xác định thông qua chỉ số cholesterol, triglycerid... Nếu các chỉ số này vượt quá ngưỡng cho phép thì được coi là mắc bệnh máu nhiễm mỡ.
Biến chứng nguy hiểm của bệnh máu nhiễm mỡ
Bệnh tim mạch
Tình trạng cholesterol trong máu tăng cao là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây xơ vữa và tắc nghẽn các động mạch cung cấp máu đến tim.
Đặc biệt nếu cả cholesterol và triglyceride cùng tăng thì nguy cơ mắc bệnh tim mạch tăng lên nhiều lần. Đồng thời, tình trạng này còn đẩy nhanh quá trình xơ vữa động mạch, gây thiếu máu cơ tim, thậm chí nhồi máu cơ tim.
Cao huyết áp
Mỡ máu tăng cũng làm sản sinh ra các mảng xơ vữa, khiến lòng mạch hẹp lại, thành mạch mất đi tính đàn hồi làm tăng đề kháng lên lòng mạch máu.
Khi đó, để đáp ứng đủ nhu cầu máu, cơ thể buộc phải tăng nhịp tim, tăng sức co bóp cơ tim, tăng khả năng hấp thu giữ nước cho cơ thể... Những điều này sẽ dẫn tới cao huyết áp.
Đây là một trong những biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh máu nhiễm mỡ. Tình trạng rối loạn chuyển hóa lipid máu, khiến cho các tinh thể cholesterol lắng đọng trong thành mạch, gây ra các mảng xơ vữa.
Những mảng xơ vữa này có thể di chuyển hoặc xuất hiện ngay tại mạch máu não, dẫn đến lòng mạch bị hẹp đi, tắc nghẽn, làm giảm lưu thông máu, gây thiếu máu não và dẫn tới các cơn đột quỵ.
Sỏi mật
Khi lượng cholesterel trong cơ thể gia tăng, nồng độ trong mật cao, nồng độ muối mật lại thấp, kết hợp với sự ứ đọng của dịch mật sẽ khiến cholesterol bị kết tủa trong dịch mật tạo nên sỏi mật.
Rối loạn chuyển hóa lipid máu làm tăng các chất béo tự do trong máu, dẫn đến chết hoặc rối loạn chức năng tế bào tụy, khiến suy giảm bài tiết insulin, gây tăng đường huyết.
Nguyên nhân gây máu nhiễm mỡ
Tuổi tác và giới tính
Nghiên cứu cho thấy rằng nồng độ estrogen có ảnh hưởng nhất định tới quá trình chuyển hóa chất béo và gián tiếp ảnh hưởng đến các mạch máu.
Ở độ tuổi 15 – 45, nữ giới thường có tỉ lệ triglyceride thấp hơn so với nam giới. Nhưng khi bước sang giai đoạn mãn kinh, nồng độ triglyceride cùng cholesterol xấu ngày càng tăng, khiến phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh máu nhiễm mỡ cao hơn.
Béo phì
Mất kiểm soát cân nặng, thừa cân, béo phì là nguyên nhân phổ biến gây bệnh máu nhiễm mỡ. Khi trọng lượng cơ thể dưa thừa sẽ làm tăng lượng cholesterol trong máu gây ra bệnh.
Béo phì là một trong những nguyên nhân phổ biến gây máu nhiễm mỡ
Chế độ ăn quá nhiều chất béo
Thói quen tiêu thụ nhiều chất béo bão hòa cũng làm tăng nồng độ cholesterol gây ra bệnh máu nhiễm mỡ.
Có thể kể đến một số loại thực phẩm có lượng chất béo bão hòa cao như thịt bò, thịt lợn, thịt bê, sữa, trứng, thực phẩm đóng gói, đồ hộp chứa dầu dừa, dầu cọ, bơ ca cao...
Thường xuyên căng thẳng, stress
Trạng thái căng thẳng quá mức là nguyên nhân gây ra nhiều căn bệnh nguy hiểm, trong đó có bệnh máu nhiễm mỡ.
Bởi khi căng thẳng, chúng ta thường có xu hướng ăn nhiều hơn, ít tập thể dụng, sử dụng rượu bia và các chất kích thích để quên đi áp lực. Những việc này sẽ khiến hàm lượng mỡ máu tăng lên đáng kể, gây ra bệnh cho bạn.
Ít tập thể dục
Các chuyên gia luôn khuyến cáo việc tập thể dục đều đặn là cần thiết và tốt cho sức khỏe. Khi cơ thể ít vận động thể chất sẽ khiến nồng độ lipoprotein xấu gia tăng, giảm HDL và cholesterol tốt.
Việc ít tập thể dục cũng khiến cơ thể tích lũy nhiều chất béo, làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh như máu nhiễm mỡ, gan nhiễm mỡ.
Những dấu hiệu của bệnh máu nhiễm mỡ
Người bị mỡ máu cao không có các dấu hiệu hay triệu chứng bệnh rõ rệt. Những biểu hiện ban đầu của bệnh thường rất khó phát hiện. Đặc biệt là ở người trẻ bệnh thường diễn biến âm thầm và hầu như không có triệu chứng.
Hầu hết người bệnh đều phát hiện máu nhiễm mỡ một cách vô tình khi kiểm tra sức khỏe. Chỉ đến khi bệnh tiến triển khá nặng, hoặc xuất hiện biến chứng thì mới có những dấu hiệu biểu hiện.
Chân đau, tê bì
Khi lượng cholesterol trong máu tăng cao, các mạch máu sẽ bị tắc nghẽn và giảm lưu thông. Điều này khiến lượng máu đưa đến chân bị thiếu hụt, gây ra tình trạng tê bì, đau nhức, sưng tấy, các khớp ngón chân thường có cảm giác ê mỏi.
Chân lạnh
Ở những người mắc bệnh máu nhiễm mỡ, lượng máu cung cấp đến chân thường không đủ khiến cho chân bị lạnh. Nếu bạn thường xuyên có dấu hiệu này thì nên đi gặp bác sĩ sớm để tìm ra nguyên nhân và điều trị kịp thời.
Đau tức ngực
Người mắc bệnh máu nhiễm mỡ cũng thường xuất hiện những cơn đau thắt ngực không thường xuyên và kéo dài trong thời gian ngắn.
Những cơn đau tức này thường tự mất đi mà không cần điều trị, nhưng nó có thể tái phát bất cứ lúc nào. Ngoài ra, bệnh nhân cũng thường có cảm giác khó chịu ở vùng ngực giống như bị đè nặng, bóp nghẹt kéo dài từ vài phát đến vài chục phút...
Điều trị bệnh máu nhiễm mỡ
Bệnh nhân máu nhiễm mỡ cần điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt của mình một cách khoa học. Nên tăng cường vận động cơ thể, giảm tiêu thụ chất béo, hạn chế ăn các loại nội tạng động vật.
Ngoài ra nên thay thế việc nấu ăn với mỡ động vật bằng dầu thực vật. Tăng cường ăn các thực phẩm giàu chất xơ, các loại rau xanh, trái cây và cá nước ngọt.
Bệnh nhân máu nhiễm mỡ cần đi kiểm tra và theo dõi định kỳ từ 3-6 tháng một lẫn hoặc theo chỉ định của bác sĩ.
Cần kiểm soát cân nặng ở ngưỡng phù hợp. Nếu thừa cân thì phải nên kế hoạch giảm cân khoa học.
Nên chọn một môn thể thao yêu thích và phù hợp với sức khỏe để luyện tập thường xuyên. Cố gắng duy trì chế độ luyện tập đều đặn ít nhất 30 phút mỗi ngày.
Bên cạnh đó, người mắc bệnh cần loại bỏ các thói quen xấu hàng ngày làm tăng lượng mỡ trong máu như hút thuốc lá, uống rượu bia, dùng các chất có nồng đồ cao để tránh làm tăng lượng triglycerid trong máu.
Trường hợp chỉ số mỡ máu cao bác sĩ có thể kê thêm thuốc cho bệnh nhân. Thời gian sử dụng thuốc tùy thuộc vào tình trạng bệnh của từng người và việc bạn có mắc thêm căn bệnh nào khác không.
Một liệu trình thuốc thông thường kéo dài từ 4-8 tuần đối với người mỡ máu cao và không mắc các bệnh khác. Hoặc từ 3-6 tháng hay từ 6 tháng đến 1 năm với người mắc cùng lúc nhiều bệnh.
Nguyên tắc ăn uống cho người máu nhiễm mỡ
Chế độ ăn uống hàng ngày có liên quan mật thiết tới sự gia tăng lượng mỡ trong máu. Do đó, người mắc bệnh máu nhiễm mỡ cần điều chỉnh ngay trong bữa ăn hàng ngày của gia đình.
Bạn nên kiểm soát một cách nghiêm túc việc ăn uống của bản thân. Nên ăn những thực phẩm có chứa hàm lượng cholesterol thấp như rau xanh, các sản phẩm làm từ đậu, thịt nạc thăn... Đặc biệt nên tăng cường các loại rau giàu chất xơ.
Không nên ăn tối quá muộn, đặc biệt là ăn thức ăn chứa nhiều đạm vào buổi tối vì khó tiêu hóa, sẽ khiến lượng cholesterol đọng lại trên thành động mạch, gây xơ vữa động mạch.
Nên giảm bớt lượng muối trong khẩu phần ăn, vì chế độ ăn nhạt tốt cho sức khỏe và bệnh tim mạch.
Cần kiêng ăn những món ăn giàu chất béo và thay thế bằng các thực phẩm ít béo như cá, đậu phụ, đỗ tương.
Tăng cường một số thực phẩm có tác dụng hỗ trợ làm giảm mỡ máu như gừng, nấm hương, mộc nhĩ, hành tây, trà, dầu ngô...
Để giảm lượng cholestero trong máu, chế độ ăn của người máu nhiễm mỡ chỉ được phép cung cấp dưới 30% calo từ chất béo.
Cần tránh ăn mỡ thực vật và kem sữa bò vì chúng chứa nhiều chất béo no. Chỉ nên ăn các loại thịt nạc, nếu ăn thịt gia cầm thì nên loại bỏ phần da.
Nếu dùng các thực phẩm từ sữa, nên chọn loại sữa đã tách kem để giảm bớt lượng chất béo.
Tránh ăn bơ thực vật dạng thỏi và các loại bánh có nguyên liệu từ bơ, các món ăn chiên xào, đồ ăn nhanh, mì ăn liền và các thực phẩm công nghiệp chế biến sẵn. Bởi chúng có chứa hàm lượng cáo axit béo dạng trans, sẽ làm tăng cholesterol trong máu.
Nên dùng dầu ô liu, dầu cải, dầu ngô, dầu hạt rum, dầu đậu nành và dầu hướng dương. Đây là những loại dầu có tác dụng làm hạ mức cholesterol.
Người mắc máu nhiễm mỡ nên hạn chế ăn các loại thịt đỏ như thịt bò, thịt lợn, thịt trâu... Không nên ăn quá 255g thịt đỏ mỗi tuần.
Nên thay thế các loại thịt bằng cá để hấp thu axit béo có ích omega-3 giúp bảo vệ hệ tim mạch.
Như Quỳnh
Theo chuyên đề Sức Khỏe Gia Đình