Hợp tác quảng cáo

Mẹ chồng nhà quê, con dâu thành thị

Những tâm sự trái chiều từ quan niệm “khác máu tanh lòng”.

Nàng dâu: Sao "dạy" mẹ chồng khó thế

Chị Hương là người thành phố “xịn”. Còn mẹ chồng chị, bà Tình, lại là người nhà quê “đặc”. Hồi mới cưới nhau, thỉnh thoảng vợ chồng về quê thăm bà, mẹ con cũng ríu rít lắm. Có điều kiện, chị vẫn gửi về biếu bà khi thì hộp sữa, lúc thì cái chăn. Còn bà thì có ai lên đều gửi cho con dâu lúc thì chục trứng, khi thì yến bánh đa. Chị là dâu út, nhưng chồng chị lại hợp với mẹ nhất, nên chị với mẹ chồng tuy xa mặt mà không cách lòng.

Nhưng mọi sự bắt đầu thay đổi kể từ khi chị Hương sinh con. Nhà neo người, ôsin thay lên thay xuống mà vẫn không ưng, nên chị đồng ý với chồng đưa mẹ chồng ra ở cùng để chăm cháu. Những ngày đầu, chị rất chịu khó dạy mẹ chồng cách sử dụng lò vi sóng, lò nướng, máy giặt, điều hòa, máy xay sinh tố, máy rửa hoa quả, máy rửa bát đĩa, máy hút bụi, máy chống trộm và vân vân các loại máy khác trong nhà. Chị muốn bà thật sự hiểu giá trị của tiện nghi và cũng muốn bà nhanh chóng hoà nhập với môi trường mới. Chị cũng dạy mẹ chồng cách ăn uống, nghỉ ngơi theo lối sống mới: ngủ muộn, dậy muộn, ăn theo kiểu Tây....

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Nhưng càng dạy, chị càng mệt mỏi vì bà vẫn chẳng thông. Bảo bật điều hòa cho cháu ngủ phải đóng tất cả các cửa lại thì vẫn cứ mở thông thống. Bảo cho quần áo vào máy giặt thì bà vẫn trung thành với kiểu giặt tay truyền thống mất hàng tiếng đồng hồ. Bảo cho cái bánh mỳ vào lò vi sóng làm ấm lên thì lại hơ nóng trên bếp ga. Đó là chưa kể vô số những nhầm lẫn và quên tai hại như: nấu nồi cơm điện thì quên ấn nút, đi vệ sinh thì quên giật nước, đi chợ quên khóa cửa, pha sữa cho cháu thì quên đo nước. Đào tạo người nhà quê sao khó vậy, chị thở dài!

Nhiều người bảo chị số sướng, có mẹ chồng ra chăm cháu, trông nhà, đỡ phải phó mặc con cho ôsin, nhưng chị thì chả thấy sướng tí nào. Chị thấy cuộc sống của mình trở nên mất tự do, khi lúc nào mẹ chồng cũng soi mói, theo dõi. Đi đâu cũng hỏi: “Con đi đâu đấy?” Đi về rồi lại hỏi: “Con đi đâu về đấy? Con có mệt không? Đi làm hôm nay có chuyện gì không?”... Sao mà bà hỏi không biết mỏi miệng nhỉ? Nhưng không chỉ có thế. Đến bữa cơm bà lại hỏi: “Thế giám đốc công ty con đi công tác về chưa? Tháng này sao thằng Hưng (chồng chị, con bà) hay về muộn thế? Đến bao giờ thì vợ chồng con sinh thêm đứa nữa, cứ đẻ luôn đi, mẹ trông cho luôn thể”. Trời đánh còn tránh miếng ăn, bọn Tây ăn có bao giờ nói chuyện đâu, chị nhắc mãi mà bà vẫn chứng nào tật nấy.

Chị thấy mình càng kiệm lời bao nhiêu thì mẹ chồng càng lắm lời bấy nhiêu. Dắt xe ra cửa đi làm nhưng quên cái điện thoại hay khẩu trang phải chạy lên phòng lấy là bà lại lầu bầu: “Sao con đoảng thế, không chuẩn bị trước khi đi”. Thỉnh thoảng quên tắt tivi trước khi đi ngủ thì than “lãng phí tiền điện”. Quên không là cái áo sơmi cho chồng thì bảo “không quan tâm đến chồng”. Cái gì bà cũng nói được. Hồi đầu, chị còn cố nhã nhặn trả lời. Sau thì chị chán, bà hỏi chị cũng chẳng buồn đáp lại. Càng ngày, chị càng thấy câu “mẹ chồng nàng dâu khác máu tanh lòng” mới đúng làm sao.

Mẹ chồng: có ai mà hoàn hảo

Thời xưa con dâu phải lựa mẹ chồng, thời nay, không ít mẹ chồng phải lựa con dâu từng tí một mà không cẩn thận vẫn khiến chúng phật lòng. Đó là nỗi khổ của bà Tình. Vì con, vì cháu, bà bỏ cả nhà cửa, ruộng vườn, đàn gà con lợn ở quê để lên giúp chúng nó. Cứ tưởng mình sống biết điều, yêu thương con dâu như chính con đẻ thì nó cũng sẽ kính yêu mình. Nhưng không, hình như trong mắt nó, bà chỉ là nguồn cơn của những nỗi phiền toái, bực dọc. Nhiều lúc bà tủi thân, nghĩ phải chăng nhà quê là có tội.

Ảnh minh họa

Thời nay không ít mẹ chồng phải lựa nàng dâu. (Ảnh minh họa)

Bà cũng hơn 60 tuổi rồi, cả đời lại chẳng đi đâu xa, nên long ngóng trước mấy đồ hiện đại, không nhớ hết được cách sử dụng các loại máy móc mà con dâu bảo cũng là lẽ thường. Bà cứ tưởng mở cửa sẽ mát hơn nên bật điều hòa vẫn mở cửa, giặt quần áo bằng tay sạch và đỡ hại vải lại tiết kiệm tiền điện, nướng bánh mì trên bếp ga thì thơm và ngon hơn cho vào lò vi sóng.

Con đi đâu về làm cha làm mẹ chả nhẽ không hỏi, nếu biết nó không thích bà sẽ ngậm tăm. Cứ tưởng bữa cơm phải có câu chuyện nó mới sum vầy, còn nếu như nó không thích nữa thì bà cũng sẽ không nói nữa. Nó đi ngủ quên không tắt đèn, tắt tivi thôi kệ nó vậy, nhắc nhiều, nó càng ghét. Nghĩ vậy, nhưng bà vẫn ước, giá như mẹ con có nhiều cơ hội trò chuyện với nhau, nó sẽ hiểu bà không phải là hoàn hảo, nhưng cũng không đến mức vô dụng, và bà thực sự quan tâm đến con dâu chứ không phải là tọc mạch gì.

Nhưng nếu hỏi thăm nó cũng không muốn, mua sắm nó cũng không ưng thì biết làm gì để chứng tỏ mình quan tâm. Ví như chuyện bà chỉ mua sắm quần áo cho cháu và con trai mà không mua cho con dâu. Không phải bà không quan tâm mà vì chẳng có đủ tiền để mua những kiểu quần áo nó thường mặc, còn mua theo ý của bà thì nó chê ỏng chê eo, cầm rồi nhét vào tủ, có thèm mặc lần nào đâu. Hay như chuyện bà tỏ ra lo cho con trai vất vả, thì cũng là tự lòng bà mẹ nghĩ vậy thôi, chứ bà đâu có ý là con dâu không quan tâm đến chồng. Bà là ngươì nhà quê, có sao nói vậy, chứ đâu nhiều chữ mà suy diễn như con dâu mình.

Mấy hôm nay, hỏi gì con dâu cũng ừ hữ, hoặc lặng thinh, bà Tình vừa tức vừa buồn. Nhưng buồn nhiều hơn tức, vì chị Hương chỉ muốn bà theo ý nó mà không chịu hiểu bà có thể và có muốn điều đó không. Bà tính tối nay con trai về, ăn cơm xong sẽ nói chuyện thẳng thắn với hai vợ chồng. Bà sẽ cố gắng thay đổi để giúp con nhưng cũng muốn con dâu phải thay đổi cách nhìn nhận. Mẹ chồng nàng dâu đâu phải chuyện “khác mau tanh lòng.” Đó là chuyện của những tiếng lòng cần thông hiểu cho nhau.

Thanh Huyền

Theo chuyên trang Sức Khỏe Gia Đình - NXB Y học

Tin cùng chuyên đề

TIN KHÁC

Sống tâm lý

Cho con

Giảm béo