Chúng tôi đến thăm các bệnh nhân nhi viện K cơ sở 2 ở xã Tam Hiệp - Thanh Trì (Hà Nội) vào một chiều cuối năm. Nhìn gương mặt của những người mẹ trẻ chăm nuôi con, các bệnh nhân nhi mang trong mình những căn bệnh hiểm nghèo thêm tiều tụy và mệt mỏi.
Ảnh minh họa |
Nỗi đau không chọn tuổi
Tôi dám chắc rằng không một người bình thường nào vào đây mà không khỏi đau xót khi nhìn thấy các em. Tất cả những đứa trẻ chúng tôi gặp ở đây đều gần như rụng hết tóc vì điều trị bằng hoá trị, và đều có đôi mắt buồn rười rượi. Những đôi mắt trẻ thơ đen láy mà như những dấu chấm than, ám ảnh. Và cạnh đó là đôi mắt đỏ hoe của những người mẹ đi chăm con.
Kể chuyện nhà mình cho chúng tôi nghe mà nước mắt của chị Dương Thị Thư ở thôn Đàm Khánh, xã Yên Bình, thị xã Tam Điệp như không thể ngăn lại. Chị lấy chồng từ năm 19 tuổi, rồi có ba mặt con. Nhà làm nghề nông nên vợ chồng chị chỉ biết trông chờ vào mấy sào ruộng. Ngoài ra, ai thuê gì làm thêm có tiền là vợ chồng chị cũng làm để mong cải thiện bữa cơm gia đình và nuôi nấng 3 con nhỏ ăn học. Lan Anh là đứa con gái đầu của chị, là con gái lớn trong nhà nên cô bé rất nhanh nhạy, biết đỡ đần bố mẹ chăm sóc các em và làm những việc vặt trong nhà.
Nhưng ông Trời như không có mắt khi buộc căn bệnh hiểm nghèo vào bé Lan Anh. Vợ chồng chị như suy sụp sau khi nhận được kết luận của bác sĩ Bệnh viện K: “cháu bị ung thư u hạch, bệnh đã đến giai đoạn nặng rồi”… Bé Lan Anh đang học lớp 4 phải bỏ học giữa chừng để cùng mẹ lên Hà Nội nằm điều trị. Cuộc sống vốn không dư dả nay lại càng khó khăn hơn từ khi phát hiện đứa con gái đầu lòng mang căn bệnh quái ác. Chị biết gia đình có rất ít hy vọng cho cuộc sống của đứa con gái bé bỏng nhưng để giành giật lấy sự sống dù là mỏng manh vợ chồng chị có lúc đã nghĩ đến chuyện bán nốt căn nhà để chữa chạy cho con.
Tính đến nay, mẹ con chị Thư đã ở Bệnh viện K được bốn tháng, và trong suốt thời gian đó bé Lan Anh chỉ được về thăm nhà có bốn ngày. Nhiều đêm nằm trong bệnh viện, hai mẹ con ôm nhau khóc, Lan Anh nói với mẹ: “Mẹ ơi, cho con về nhà đi, con không muốn nằm ở đây nữa, tốn tiền lắm. Rồi bố mẹ lấy đâu ra tiền lo cho các em”… Theo lời bác sĩ, tế bào ung thư đã xâm nhập vào tận tuỷ nên bé Lan Anh buộc phải ở BV để điều trị thường xuyên, quá trình điều trị kéo dài trong khoảng hai năm và không ai có thể hứa trước điều gì mà chỉ mong đợi phép màu đến với em.
Khi mới vào Viện K, Lan Anh cứ đinh ninh với mẹ: “Mẹ ơi con không bị bệnh ung thư đâu mẹ nhỉ, các bạn khác trọc đầu nhưng con có bị đâu”, nhưng sau nhiều lần xạ trị, mái tóc đen óng của em đã giờ đã rụng gần như sạch, chỉ còn lại những sợi lơ thơ, cô bé cũng đã ý thức được bệnh tình của mình. Từ khi bé Lan Anh vào viện đến giờ, chi phí thuốc men đã lên đến hơn 30 triệu đồng. Hai vợ chồng chị chỉ có 4 sào ruộng nên chồng chị hiện phải đi làm thuê để kiếm thêm tiền đỡ đần cho những trang trải của hai mẹ con nơi bệnh viện. Chị Thư chỉ dám tiêu 10.000đ cho mỗi bữa ăn của cả hai mẹ con vì chị đã không làm gì ra tiền, anh đi làm thuê cũng chẳng được là bao, chị lại còn hai đứa con nhỏ ở nhà, một cháu năm nay lên lớp ba còn cháu út đang học lớp mẫu giáo. Khi được hỏi về nguyện vọng của chị, chị thở dài: “Em không mong gì hơn là có đủ tiền để trang trải cho việc điều trị và thuốc men cho cháu để bệnh tình cháu thuyên giảm, cho cháu được trở về đi học với thầy cô bạn bè”.
Ngọc Diệp
Theo chuyên trang Sức Khỏe Gia Đình - NXB Y học