Nhiều người Việt vẫn có thói quen cố chịu đựng khi bị rối loạn tiêu hóa, đau dạ dày... ở mức độ nhẹ mà không chịu điều trị hoặc thay đổi thói quen ăn uống.
Chỉ khi một trong số các triệu chứng bệnh trở nên trầm trọng thì mọi người mới bắt đầu nhờ đến sự can thiệp của bác sĩ. Sau đây là một số hướng dẫn cơ bản mà bạn có thể làm cho chính mình để giúp bộ máy tiêu hóa được khỏe mạnh:
1. Tập trung khi ăn
Chúng ta nên tập trung trong quá trình ăn. Không nên đọc sách, xem tivi, nói chuyện điện thoại hay làm việc trong lúc đang ăn. Nếu bạn dành thời gian cho ăn uống, thì sự hấp thụ thức ăn sẽ tốt và dễ dàng hơn.
Khi chúng ta tập trung ăn, não bộ sẽ hoạt động để điểu khiển việc tiêu hóa, chứ không phải làm nhiều việc một lúc. Hơn nữa, việc tập trung ăn uống làm chúng ta cảm thấy ngon miệng hơn.
Ăn chậm, nhai kỹ, tập trung khi ăn... là những bí quyết giúp bạn tránh xa đau dạ dày. (Ảnh minh họa) |
2. Ăn chậm
Khi chúng ta ăn, các cơ quan cảm giác sẽ truyền các tín hiệu đến não. Ăn chậm giúp não có đủ thời gian kích thích sự sản xuất các enzym tiêu hóa, kích thích co thắt cơ và các quá trình vận động cần thiết khác cho tiêu hóa trước khi thực phẩm đi đến dạ dày.
3. Nhai kỹ
Quá trình tiêu hóa tốt sẽ bắt đầu ở miệng. Đặc biệt, có một số loại carbohydrate (có trong rau xanh, ngũ cốc, đậu) chỉ có thể tiêu hóa được ở miệng và ruột non.
Vì thế hãy nhai thức ăn cho đến khi thức ăn trở thành dạng lỏng rồi mới nuốt. Nếu thức ăn không được nhai đúng cách, việc tiêu hóa carbohydrate sẽ bị cản trở và việc tiêu hóa thức ăn sẽ diễn ra lâu hơn.
Hơn nữa, hoạt động nhai cũng thông báo cho cơ thể là thực phẩm đang đi xuống do đó dạ dày, gan, túi mật, tụy…tất cả phải vào “vị trí sẵn sàng làm việc” và tránh được bị đầy hơi.
4. Không nên uống nhiều nước trong lúc ăn
Uống nhiều nước trong khi ăn có thể làm loãng dịch tiêu hóa mà bạn cần. Nên uống nước trước khi ăn, như vậy bạn sẽ không cảm thấy khát trong bữa ăn.
Theo Đông y, uống nước lạnh hoặc nước đá có thể ảnh hưởng đến tiêu hóa. Các chuyên gia khuyên chúng ta nên uống một cốc nước ấm pha với chanh 30 phút trước bữa ăn, có thể thúc đẩy sự bài tiết axit clohydric.
5. Không nên ăn quá nhiều
Ăn quá no sẽ khiến dạ dày phải làm việc trong tình trạng quá tải vì không có đủ chỗ trống để nhào trộn thức ăn. Các bữa ăn nhỏ, vừa phải sẽ giúp tiêu hóa dễ dàng hơn. Lịch sử cho thấy rằng những người ăn ít lượng calo, và nói chung là ăn ít hơn thì mắc bệnh ít hơn và sống lâu hơn.
Hãy tránh xa các thực phẩm ăn nhanh. (Ảnh minh họa) |
6. Không ăn các loại thức ăn chế biến sẵn
Thực phẩm chế biến sẵn sẽ không có lợi cho sức khỏe, đặc biệt là hệ tiêu hóa, vì các thực phẩm này thường chứa nhiều đường, chất béo, và muối. Lượng chất dư thừa không cần thiết này sẽ được tích tụ dưới dạng mỡ hoặc bài tiết ra ngoài gây ảnh hưởng đến đường tiêu hóa.
7. Ăn các loại thức ăn có chứa probiotic (men vi sinh)
Đây là các loại vi khuẩn lành mạnh giúp ích cho quá trình tiêu hóa. Không chỉ vậy, probiotic còn giúp cho cơ thể chống lại bệnh tật một cách tự nhiên. Các thực phẩm chứa probiotic bao gồm: sữa chua, dưa cải muối, kimchi, pho mát.
Vi Vi
Theo chuyên trang Sức Khỏe Gia Đình - NXB Y học