Hợp tác quảng cáo

Mối nguy hiểm khi tái sử dụng chai nhựa

Các bà nội trợ có thói quen tái sử dụng lại những chai nhựa để tiết kiệm mà không biết việc tái sử dụng không đúng cách là nguyên nhân tăng nguy cơ mắc ung thư, gây dậy thì sớm ở trẻ và nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác.

“Lợi thì có lợi…”

Nhiều người trong chúng ta vẫn vô tư dùng vỏ chai nhựa sau khi dùng hết để đựng nước uống tiếp và coi nó như các loại bình, ly tách đựng nước uống sạch và an toàn cho sức khỏe. Hầu hết đều cho rằng thói quen đó vô hại.

Chị Thanh Hà, nhân viên kế toán tại một công ty truyền thông ở quận 3, TP.Hồ Chí Minh chia sẻ: “Lần nào uống nước ngọt hoặc nước suổi xong, gia đình tôi cũng giữ lại vỏ để làm bình đựng nước, vừa tiện vừa tiết kiệm. Mỗi khi nấu sữa bắp hay ép trái cây, tôi cũng bỏ vô từng chai vậy luôn, đi làm về mệt cứ lấy từng chai ra uống. Ai cũng bảo không tốt nhưng chai nước người ta sản xuất đã tiệt trùng sạch sẽ, mình dùng trong gia đình chứ có chung chạ gì đâu mà sợ”.

Đồng quan điểm với chị Hà, chị Việt Nga (34 tuổi, Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh) cũng luôn tận dụng những chai nhựa để làm vật dụng hằng ngày. Theo chị, cho dù có đi mua chai nhựa ở ngoài về đựng nước thì cũng như nhau, thà tận dụng luôn, vừa đỡ tốn tiền lại đỡ tốn công mua. “Ví dụ, các hộp sữa chua của công ty sau khi ăn xong vẫn có thể dùng lại để làm hộp sữa chua nhà tự làm, hoặc cốc làm đá trong tủ lạnh, chai nước khoáng uống xong cũng có thể đựng nước tiếp, ăn kem xong để lại hộp để đựng thức ăn trong tủ lạnh”, chị Nga cho biết.

Có phải nhựa nào cũng an toàn?

Mặc dù Bộ Y tế đã có quy định nhựa nào dùng cho thực phẩm, nhựa nào thì không được dùng, nhưng công tác hậu kiểm các loại đồ nhựa đựng thực phẩm trên thị trường chưa được quan tâm nhiều. Các loại nhựa tổng hợp của nhiều loại nhựa khác nhau sẽ làm thay đổi tính chất, hoá dẻo... nếu dùng lại không đúng cách sẽ rất nguy hiểm.

Hầu hết chai nhựa có sẵn trên thị trường được sản xuất để sử dụng một lần. Chất liệu của hầu hết các loại chai soda, nước khoáng hiện nay là polyethylene terephthalate (viết tắt là PET hay PETE) - một loại nguyên liệu nhẹ, xốp, giá rẻ và dễ tái chế và khá an toàn, tuy nhiên, với bề mặt xốp có thể cho phép vi khuẩn và mùi vị tích tụ lại. Loại nhựa này có thể bị “rò rỉ” hóa chất trong những điều kiện “khắc nghiệt”, chẳng hạn như tiếp xúc với ánh nắng mặt trời hay hơi nóng, vì vậy không nên tái sử dụng.

Thêm vào đó, sự hư hỏng thông thường do việc rửa và tái sử dụng nhiều lần có thể dẫn tới sự xuống cấp của nhựa, chẳng hạn như nhựa mỏng đi hoặc bị rạn, nứt, mà chúng ta có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Vi khuẩn có thể ẩn náu trong những vết nứt đó, đe dọa tới sức khỏe của người sử dụng.

Theo một khảo sát được công bố trên Tạp chí Sức khỏe Cộng đồng của Canada, các nhà nghiên cứu tại Trường Đại học Calgary, Canada, lấy thử 76 mẫu nước từ chai nước của các học sinh tiểu học để xét nghiệm. Kết quả cho thấy gần 2/3 mẫu nước có mức độ vi khuẩn vượt mức cho phép đối với nước uống, có thể là do “vi khuẩn tái phát triển trong những chiếc chai được để ở nhiệt độ phòng trong một thời gian dài”, nghiên cứu viết.

Theo các nhà khoa học, nếu nhựa nhiễm vi khuẩn từ nhựa rác thải y tế còn mang nhiều mầm bệnh nguy hiểm hơn bởi khâu xử lý phân loại, làm sạch nhựa phế liệu ở ta chỉ đơn giản là ngâm nước có hoá chất tẩy rửa, làm trắng nên không thể loại bỏ hết tạp chất. Nếu quá trình sản xuất pha chế nguyên liệu, phụ gia không đúng kỹ thuật, gia nhiệt không đạt yêu cầu cũng tạo ra thành phần hoá học độc hại nguy hiểm cho sức khỏe.

Đối mặt với nguy cơ ung thư

Việc tái sử dụng chai nhựa có thể dẫn đến những nguy cơ cho sức khỏe. Trong các nghiên cứu, các nhà khoa học đã chứng minh, chất BPA trong nhựa có thể gây ra các biến chứng về nhiễm sắc thể đối với thai nhi và dẫn đến các khuyết tật bẩm sinh.

Ngoài ra, các chất hóa học trong nhựa có thể rối loạn các hormone giới tính như estrogen, dẫn đến hiện tượng dậy thì sớm ở trẻ. Nhiều nghiên cứu cho thấy, những người sử dụng nước đóng chai chất lượng thấp có thể tăng nguy cơ ung thư tiền liệt tuyến, ung thư vú và ảnh hưởng tới khả năng sinh sản.

Bên cạnh đó, khi sử dụng chai nhựa để lưu trữ nước ấm, nhiệt độ cao có thể xúc tác cho phản ứng hóa học giữa nước và các thành phần của vỏ chai, tạo ra các hợp chất gây ung thư.

Bạn phải làm sao nếu vẫn muốn tái sử dụng chai nhựa?

Hai kinh nghiệm của người dùng sau đây có thể sẽ giúp ích được cho bạn trong trường hợp bạn vẫn muốn tái sử dụng chai nhựa vì sự tiện lợi của nó.

“Ở nhà, cô Ryan đã dùng luân phiên 10 chai đựng nước PET và thường xuyên rửa sạch chúng bằng nước xà phòng. Cô để cho các chai đựng nước này thật khô giữa các lần sử dụng nhằm tránh để vi khuẩn phát triển.

Cô Lilya thì chỉ sử dụng lại các chai đựng nước trong thời gian một tuần và tránh để chúng ở nơi quá nóng và có nắng. Cô ta nói: "Nếu bạn có thể nếm thấy mùi vị của nhựa trong nước uống, thì đó là dấu hiệu không ổn rồi".

Mặt khác, hãy tìm biểu tượng tái chế (recycle) hình tam giác với số 1 ở giữa (FDA). Nếu bên dưới đáy chai có số "1" trong biểu tượng thì bạn cần phải cẩn thận hơn khi tái sử dụng để đựng nước uống. Tuy nhiên, đáng tiếc là Việt Nam ta chưa có thói quen này, kể cả nhà sản xuất lẫn người tiêu dùng".

Hiểu Đan

Theo chuyên đề Sức Khỏe Gia Đình - NXB Y học

Tin cùng chuyên đề

TIN KHÁC

Sống tâm lý

Gia đình khỏe

Giảm béo