Huyết áp cao có thể gây tử vong bất ngờ nếu không được kiểm soát đúng cách, đủ để thấy đây là một căn bệnh rất nguy hiểm. Vì thế, với những người đang mắc phải căn bệnh này, cần có sự chủ động trong việc giảm chỉ số huyết áp để bảo vệ sức khỏe của mình.
Theo các chuyên gia sức khỏe, huyết áp được hiểu là “áp lực máu cần thiết” tác động lên thành động mạch, nhằm đưa máu từ tim đến nuôi dưỡng các mô trong cơ thể. Áp lực máu được tạo nên bởi lực co bóp của quả tim và sức cản của động mạch.
Huyết áp là một trong những dấu hiệu chính giúp nhận biết tình trạng cơ thể và sức khỏe. Thông qua chỉ số huyết áp tăng hay giảm, các y bác sĩ sẽ xác định được sức khỏe của ta đang ổn định hay có nguy cơ mắc bệnh tật - từ đó tiến hành kiểm tra chuyên sâu và điều trị kịp thời.
Thông thường, huyết áp được đo dựa theo công thức: số đo của huyết áp tâm thu*/ số đo của huyết áp tâm trương**. Chỉ số huyết áp bình thường sẽ dao động giữa mức 90/60 mmHg (milimet thủy ngân) và 120/80 mmHg.
* Huyết áp tâm thu: áp lực trong động mạch lên đến mức tối đa khi tâm thất co bóp. ** Huyết áp tâm trương: áp lực trong động mạch giảm xuống mức tối thiểu khi tâm thất giãn ra. |
Mọi người sẽ được chẩn đoán cao huyết áp khi chỉ số đo huyết áp cao hơn so với mức tối đa trong khoảng dao động. Các y bác sĩ cho biết, tình trạng cao huyết áp cực kỳ nguy hiểm. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị đúng cách, bệnh có thể khiến người mắc phải đối mặt với rất nhiều biến chứng nghiêm trọng gồm: tai biến mạch máu não, suy tim, nhồi máu cơ tim, thiếu máu cơ tim, suy thận,... và dẫn đến tử vong khi không được cấp cứu kịp thời.
Điều này cho thấy, việc kiểm soát chỉ số huyết áp của mình luôn ở mức ổn định là điều cực kỳ quan trọng - đặc biệt là với những người đang mắc phải bệnh cao huyết áp. Nhắc đến việc giữ cân bằng huyết áp trong cơ thể với người đang mắc bệnh, đa số đều cho rằng phải nhờ đến thuốc. Nhưng các nhà nghiên cứu cho biết, người bệnh vẫn có thể thực hiện điều này mà không cần phụ thuộc vào thuốc, nếu siêng năng thực hiện theo 7 cách sau đây.
Vì sao ăn mặn lại gây hại cho huyết áp? Đó là vì khi chúng ta ăn các loại thực phẩm chứa nhiều muối, một lượng lớn natri (có nhiều trong muối) sẽ được dung nạp vào cơ thể, và làm tăng hàm lượng natri trong máu. Điều này sẽ gây áp lực lên thận, buộc cơ quan này phải làm việc cật lực để lọc máu.
Tuy nhiên, đối với hàm lượng natri quá cao và tích tụ trong máu theo thời gian có thể khiến thận không thể phát huy tối đa hiệu suất làm việc, dẫn tới sự gia tăng áp lực thẩm thấu trong lòng mạch. Khi này, nước sẽ di chuyển vào trong lòng mạch theo áp lực thẩm thấu trên và làm thể tích máu gia tăng khiến huyết áp tăng cao.
Các bác sĩ nhấn mạnh, dù chỉ giảm một lượng nhỏ muối trong chế độ ăn uống cũng có thể cải thiện sức khỏe tim mạch và giảm khoảng 5 - 6 mmHg huyết áp đối với người bệnh huyết áp cao. Bên cạnh đó, với người có thể trạng bình thường, các chuyên gia khuyến nghị nên duy trì tổng lượng muối không quá 5 gam muối một ngày đối với hầu hết người lớn (Ảnh: Internet)
Thói quen ăn uống hoàn toàn có khả năng tác động đến tình trạng huyết áp của bạn, vì nó là yếu tố chủ yếu để giúp bạn duy trì một cân nặng hợp lý, hoặc là nguyên nhân chính gây ra tình trạng thừa cân béo phì ở mỗi người. Các chuyên gia cho biết, chế độ dinh dưỡng lành mạnh là chìa khoá để bạn hạn chế mọi nguy cơ bệnh tật, trong đó có cả cao huyết áp.
Cụ thể, bạn phải bảo đảm sự cân bằng giữa các dưỡng chất thiết yếu để cung cấp cho cơ thể, không thiếu không thừa. Ngoài ra, nên tăng cường nhiều chất xơ và hạn chế các loại thức ăn độc hại - ảnh hưởng sức khoẻ như đồ ăn chế biến sẵn, chiên, rán, nướng vì nó chứa nhiều chất béo chuyển hóa (nguồn cơn cho những căn bệnh mãn tính như tiểu đường, tim mạch).
Đây cũng được xem là một phương pháp lý tưởng mà nhiều bác sĩ đã khuyên bệnh nhân của mình thường xuyên thực hiện, giúp hạn chế tình trạng huyết áp tăng cao và luôn ở mức an toàn. Các chuyên gia khuyến khích mỗi người nên vận động tối thiểu 150 phút một tuần, hoặc 30 phút mỗi ngày thông qua các hoạt động như: đi bộ, chạy bộ, đạp xe, bơi lội hoặc các bộ môn thể thao tuỳ thích.
Bạn cũng có thể tập luyện theo chế độ cường độ cao ngắt quãng, tức là xen kẽ các bài tập ngắn cường độ cao với thời gian phục hồi nhẹ nhàng hơn để rèn luyện sức bền, giúp kiểm soát huyết áp của mình (Ảnh: Internet)
Bạn có biết, nguyên nhân gây ra tình trạng tăng huyết áp ở những người hút thuốc lá là nicotin - một chất gây nghiện có thể làm sản sinh adrenaline, khiến tim đập nhanh hơn gây huyết áp cao. Ngoài ra, hút thuốc lá còn làm tăng huyết áp dao động là yếu tố nguy hiểm hơn cả bệnh tim mạch. Vì vậy, nếu còn muốn giữ gìn “hơi thở” của mình, đồng thời làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim, cải thiện sức khỏe tổng thể, thì ngưng hút thuốc ngay hôm nay cũng không phải là quá muộn.
Mặt khác, bạn cũng nên uống rượu ở mức vừa phải. Nếu chỉ uống một ly mỗi ngày đối với phụ nữ và hai ly mỗi ngày đối với đàn ông thì có thể giúp giảm khoảng 4 mmHg huyết áp. Tuy nhiên, một ly rượu tiêu chuẩn tương đương với 340 ml bia, 142 ml rượu vang hoặc 42,6 ml rượu 80 độ. Vì thế, nếu uống vượt quá lượng rượu này có thể khiến huyết áp tăng cao ở mức nguy hiểm.
Bạn có biết, cân nặng có sự tác động rất lớn đến tình trạng huyết áp của mỗi người? Nhiều chuyên gia chia sẻ, thừa cân là một trong những nguyên nhân chính gây ra hiện tượng ngưng thở khi ngủ, làm tăng cao huyết áp. Đó là lý do vì sao, căn bệnh cao huyết áp dần trở nên phổ biến ở nhiều lứa tuổi - với những cá nhân đang phải đối mặt với tình trạng thừa cân, béo phì.
Cách tốt nhất để kiểm soát/ hoặc phòng ngừa căn bệnh cao huyết áp chính là duy trì một cân nặng hợp lý, người đang có cân nặng vượt mức tiêu chuẩn nên có kế hoạch giảm cân phù hợp để hạn chế nguy cơ khởi phát các biến chứng nguy hiểm.
Khi căng thẳng, người bệnh có xu hướng ăn thực phẩm không lành mạnh, uống quá nhiều rượu hoặc hút thuốc. Những yếu tố này đều ảnh hưởng tiêu cực đến huyết áp.
Biết rằng việc tránh xa những cảm xúc tiêu cực là rất khó do áp lực cuộc sống, tuy nhiên hãy học cách kiểm soát nó bằng cách: đọc sạc, nghe nhạc, thư giãn và nghỉ ngơi, tập thiền, yoga để cân bằng tâm trí và giảm thiểu tối đa nguy cơ gây hại cho sức khỏe, nhất là hệ thống huyết áp (Ảnh: Internet)
Theo dõi huyết áp tại nhà giúp bạn kiểm soát mức huyết áp, giúp đảm bảo rằng các thay đổi trong lối sống đang hoạt động hiệu quả, đồng thời cảnh báo các biến chứng sức khỏe tiềm ẩn. Bên cạnh đó, việc thăm khám sức khỏe định kỳ cũng rất quan trọng, là chìa khóa giúp kiểm soát huyết áp và cũng là cơ sở để bác sĩ có thể đưa ra những chỉ định phù hợp với điều kiện sức khỏe của bạn.
Trên đây là 7 cách rất đơn giản nhưng lại giúp người mắc bệnh huyết áp cao kiểm soát bệnh hiệu quả mà không cần dùng thuốc. Tuy nhiên, nếu tình trạng bệnh không được cải thiện dù bạn đã áp dụng các cách kể trên để thay đổi lối sống lành mạnh hơn, thì bạn nên đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và theo dõi một cách sát sao bởi các bác sĩ.
Xem thêm: 6 dấu hiệu này xuất hiện trên bàn tay cảnh báo lượng đường trong máu tăng cao
Quỳnh Giang
Theo Người đưa tin