Vào mùa hè oi bức, nhiều phụ huynh thường đưa con em mình đi bơi để giải nhiệt. Dù rằng các hoạt động dưới nước rất tốt để giúp trẻ phát triển, nhưng các bác sĩ vẫn khuyên cha mẹ cần đề phòng mọi nguy cơ vi khuẩn xâm nhập tai, dẫn đến tình trạng viêm tai giữa ở trẻ.
Các bác sĩ chuyên khoa tai - mũi - họng cho biết, có rất nhiều nguyên nhân để dẫn đến căn bệnh viêm tai giữa ở trẻ, nhưng phổ biến nhất là tiếp xúc với môi trường nước (hồ bơi, ao, hồ, sông nước,.... ), giúp vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào tai.
Đối với ao hồ, sông nước, cha mẹ tốt nhất nên hạn chế cho con bơi ở các khu vực này vì đây là nguồn nước tự nhiên, có nhiều sinh vật sinh sống nên hiển nhiên cũng chứa nhiều vi khuẩn, ký sinh trùng nguy hiểm. Nước này khi vào tai mà không được vệ sinh cẩn thận sẽ dễ bị nhiễm trùng, dẫn đến nhiều bệnh tai - mũi - họng nguy hiểm, trong đó có viêm tai giữa.
Đối với hồ bơi, tuy sạch sẽ hơn vì được tẩy rửa và thay/ khử trùng nước thường xuyên, nhưng cha mẹ vẫn cần cảnh giác phòng bệnh cho con vì đây là nơi đông người với rất nhiều mầm bệnh nguy hiểm, chưa kể dễ bị ô nhiễm bởi các loại dịch mũi - miệng và chất thải (nếu có).
Tình trạng viêm tai giữa ở trẻ nếu không được xử lý kịp thời có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khoẻ, như thủng màng nhĩ, viêm xương chũm mãn tính, điếc… (Ảnh: Internet) |
Trước khi đưa ra biện pháp xử lý phù hợp, phụ huynh nên nhận biết tình trạng bệnh của con đang ở thể nào do viêm tai giữa có 2 dạng, bao gồm: viêm tai giữa cấp (tai giữa khi bị vi khuẩn xâm nhập, gây viêm, lâu ngày tiến triển thành viêm tai giữa cấp. Bệnh làm tổn thương tai giữa và màng nhĩ, nếu kéo dài có thể làm chảy dịch liên tục qua lỗ thủng màng nhĩ) và viêm tai giữa có dịch tiết (tình trạng tai giữa có dịch nhưng không gây nhiễm trùng trong hơn ba tháng. Đối với dạng viêm tai giữa này, người bệnh thường không có các triệu chứng cơ năng rõ ràng, đôi khi chỉ có cảm giác đầy nặng tai).
Để giúp cha mẹ có thể phòng bệnh viêm tai giữa cho con một cách hiệu quả, các bác sĩ đã liệt kê một số điều cần ghi nhớ trước và sau khi cho trẻ đi bơi sau đây:
Cha mẹ nên đưa con trẻ đến các hồ bơi có nguồn nước được khử trùng thường xuyên, đảm bảo vệ sinh, lượng người tắm giới hạn để hạn chế mọi tác nhân gây bệnh có thể xâm nhập vào tai - mũi - họng của trẻ. Hạn chế cho trẻ bơi ở nơi sông hồ tù đọng, nơi có nguồn nước bị ô nhiễm.
2. Chuẩn bị và vệ sinh tai đúng cách trước và trong khi bơi
Trước khi đi bơi, cha mẹ nhớ kiểm tra tai của con cẩn thận. Nếu phát hiện ráy tai, cần lấy ra sớm để đề phòng nước vào tai khi bơi sẽ gây bít tắc ống tai ngoài, dẫn đến viêm ống tai ngoài, nước đọng làm viêm tai giữa.
Khi đi bơi cũng cần trang bị dụng cụ hỗ trợ bơi như mũ, kính bơi và nút tai chống nước. Trong khi bơi tránh để sặc nước, hạn chế để nước lọt vào tai, mũi, họng (Ảnh: Internet) |
Nếu vô tình bị nước vào trong mũi, hãy bịt một bên lỗ mũi và xì nhẹ bên còn lại, để giúp nước thoát ra ngoài. Còn nếu nước vào bên trong tai thì nghiêng đầu, kéo vành tai ra sau tạo thành một đường thẳng giúp cho nước dễ dàng chảy ra ngoài.
Cha mẹ nên nhắc nhở con sau khi bước lên từ hồ bơi nhớ phải xì mũi nhẹ, nghiêng đầu để nước trong ống tai ngoài tự chảy ra, không ngoáy tai mạnh gây xây xước dễ nhiễm trùng. Sau đó, tắm lại nước sạch với xà phòng, nhỏ mắt, lau tai khô và súc họng với nước muối sau khi đi bơi.
Cha mẹ lưu ý, tuyệt đối không dùng các dụng cụ không đảm bảo vệ sinh để ngoáy tai cho trẻ. Có thể lấy que tăm bông đặt nhẹ ở ống tai ngoài một lúc để hút nước trong tai ra chứ đừng ngoáy sâu vào tai, tránh việc đẩy bụi bẩn và tác nhân gây bệnh vào sâu hơn.
Việc cha mẹ dẫn trẻ đi bơi, tăng cường vận động nhằm phát triển thế chất là một điều rất tốt. Tuy nhiên, mùa hè thường cũng thường là mùa của những căn bệnh truyền nhiễm và nhiễm trùng, trong đó có viêm tai giữa. Vì vậy, cha mẹ không nên chủ quan, cần tăng cường che chắn, chuẩn bị các biện pháp bảo vệ cho trẻ.
Xem thêm: Cảnh báo đến dân văn phòng, ngồi quá 8 tiếng có thể đối mặt nguy cơ đột tử đến 50%
Quỳnh Giang
Theo Người đưa tin