Từ trước đến giờ, ta chỉ nghe về hiện tượng trẻ béo phì hoặc suy dinh dưỡng, chứ ít khi nghe đến tình trạng trẻ béo phì bị chẩn đoán suy dinh dưỡng bao giờ. Nhưng các chuyên gia sức khỏe lại cho biết tình trạng này không hiếm, thậm chí còn rất phổ biến trong thời đại ngày nay. Nếu bạn đang là mẹ có con nhỏ, đừng bỏ qua bài viết để biết cách phòng tránh cho con nhé.
Các chuyên gia dinh dưỡng cho biết, vẫn còn nhiều người chưa hiểu đúng về tình trạng suy dinh dưỡng, nên thường cho rằng nó chỉ xảy ra ở những đối tượng thiếu cân, gầy gò. Thực tế, nó có thể xuất hiện cả ở những người bị cho là thừa cân. Theo y văn, suy dinh dưỡng được định nghĩa là hiện tượng thiếu chất hoặc thừa chất quá mức, xảy ra khi chế độ dinh dưỡng hàng ngày không cung cấp đầy đủ, hoặc không cân bằng được các nhóm dưỡng chất dẫn đến việc hấp thụ dinh dưỡng của cơ thể bị suy giảm.
Vốn dĩ hiện tượng trẻ thừa cân nhưng lại được chẩn đoán là suy dinh dưỡng không hề hiếm, ngược lại nó còn là một vấn đề sức khỏe mà nhiều trẻ đang mắc phải trong thời gian gần đây. Các nhà khoa học gọi đây là tình trạng suy dinh dưỡng thể béo phì - được xem là một trạng thái ngược của bệnh suy dinh dưỡng, xảy ra khi cơ thể hấp thụ quá nhiều năng lượng nhưng lại thiếu hụt các nguyên tố vi lượng cần thiết khác như: canxi, kẽm, sắt, vitamin D,....
Trẻ em (bao gồm cả trẻ sơ sinh) là đối tượng có tỉ lệ mắc suy dinh dưỡng thể béo phì cao nhất. Tại Việt Nam, theo số liệu từ Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tỷ lệ trẻ em béo phì đang có xu hướng tăng cao, đặc biệt là tại các thành phố lớn như TP. HCM (hơn 50%) và Hà Nội (41%) (Ảnh: Internet)
- Trẻ không được bú sữa mẹ hoàn toàn: trong 6 tháng đầu đời, trẻ phải uống nhiều các loại sữa công thức thay vì bú mẹ hoàn toàn, điều này dẫn đến việc trẻ bị thiếu hụt đi hàm lượng canxi có trong sữa mẹ. Ngoài ra, nguồn năng lượng có trong sữa công thức tương đối cao, trong khi đó trẻ nhỏ chưa biết cách để sử dụng tối đa nguồn năng lượng ấy dẫn đến dư thừa và gây béo phì.
- Trẻ thiếu hụt vitamin D: trẻ không được tiếp xúc thường xuyên với ánh nắng mặt trời để hấp thụ vitamin D tự nhiên cũng là một trong những yếu tố khiến trẻ bị thiếu hụt dinh dưỡng. Đây có thể xuất phát từ tâm lý kiêng cữ quá mức của phụ huynh.
- Trẻ ăn dặm quá sớm: nhiều cha mẹ cho trẻ tập ăn dặm quá sớm (trước khi trẻ 6 tháng) cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng rối loạn chuyển hóa, giảm khả năng hấp thụ canxi trong cơ thể, khiến nguy cơ mắc các bệnh suy dinh dưỡng thể béo phì tăng cao.
- Thiếu cân bằng trong dinh dưỡng: một sai lầm mà hầu hết các mẹ đều mắc phải khi chăm con đó là luôn đồng ý cho trẻ ăn những món ăn chúng yêu thích (chẳng hạn như: bánh ngọt, bánh mì, các loại thực phẩm chế biến sẵn,... ) vì không muốn trẻ bị biếng ăn, thay vì hướng trẻ đến các loại thực phẩm cần thiết và tốt cho sức khỏe như: rau củ quả, cá béo, các loại hạt, sữa chua, phô mai.... Chính hành động này đã gây ra tình trạng mất cân bằng dinh dưỡng giữa các loại thực phẩm khác nhau, dẫn đến việc dù trẻ thừa cân do dư thừa năng lượng nhưng lại suy dinh dưỡng do thiếu các vi chất quan trọng.
Theo kết quả khảo sát của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, với các đối tượng bị suy dinh dưỡng thể béo phì, có đến hơn 20 trong 90 loại vitamin và khoáng chất thiết yếu đều được không đáp ứng đủ theo nhu cầu của cơ thể, đặc biệt là hàm lượng vitamin D luôn nằm trong mức cực thấp. Tình trạng này kéo dài sẽ khiến trẻ đối mặt với các nguy cơ: chậm phát triển chiều cao, suy yếu hệ miễn dịch, mệt mỏi, khó ngủ, kém linh hoạt, kém tập trung,...
Việc mất cân bằng dinh dưỡng chính là một trong những tác nhân chủ yếu gây cản trở sự phát triển toàn diện của trẻ. Trẻ sẽ yếu ớt, dễ mắc bệnh và thiếu linh hoạt hơn các bạn khác cùng tuổi (Ảnh: Internet)
- Trẻ lười vận động: cha mẹ không khuyến khích, tạo điều kiện cho con vận động nhiều hơn để tăng cường đề kháng và hệ miễn dịch tự nhiên, khiến sức khoẻ của con ngày càng sa sút. Không những thế, việc năng lượng dư thừa do các loại thực phẩm giàu chất béo, chất đạm không được giải quyết hết có thể gây ra tình trạng tích tụ mỡ thừa, dẫn đến béo phì.
Suy dinh dưỡng thể béo phì có thể gây ra nhiều tác hại nghiêm trọng cho trẻ, khiến trẻ phát triển chậm cả về thể chất và trí tuệ. Vì thế, việc cha mẹ phòng ngừa suy dinh dưỡng cho trẻ từ sớm là điều hết sức quan trọng. Nhưng nên phòng ngừa bệnh cho trẻ như thế nào mới là đúng?
Các chuyên gia dinh dưỡng đã chỉ ra những điều cần mẹ lưu ý khi chăm sóc trẻ theo từng giai đoạn, mẹ nên ghi nhớ kỹ và áp dụng với trẻ nhà mình càng sớm càng tốt.
- Cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn: trẻ sơ sinh nên được uống sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời, kéo dài đến năm 2 tuổi hoặc hơn để đảm bảo bé được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng thiết yếu. Trong trường hợp trẻ uống sữa công thức, mẹ nên xin ý kiến bác sĩ về việc bổ sung thêm các dưỡng chất khác như canxi, vitamin D, sắt, kẽm theo dạng thuốc uống để trẻ được cung cấp đủ nguồn dinh dưỡng cần thiết
- Không cho trẻ ăn dặm quá sớm: độ tuổi tiêu chuẩn để trẻ ăn dặm là 6 tháng tuổi. Vì khi này, hệ tiêu hóa của trẻ đã đủ khỏe để có thể xử lý thức ăn. Ăn dặm quá sớm sẽ khiến trẻ dễ mắc các bệnh tiêu hóa khi lớn lên, đồng thời làm tăng nguy cơ suy dinh dưỡng thể béo phì ở trẻ. Mẹ cũng nên nhớ là hãy xây dựng chế độ ăn dặm đầy đủ dưỡng chất với đa dạng nguồn thực phẩm.
- Thiết lập chế độ ăn uống cân bằng dinh dưỡng: để đề phòng nguy cơ suy dinh dưỡng thể béo phì ở trẻ, các bác sĩ chuyên khoa khuyên mẹ nên cho trẻ ăn uống đầy đủ theo nhu cầu của cơ thể, ví dụ như: khẩu phần ăn của trẻ 3 tuổi thì cần bao nhiêu lượng đạm, chất béo hay tinh bột để bổ sung cho chính xác, cứ như vậy mà tính lên cho phù hợp với từng độ tuổi và thể trạng của trẻ.
Nên tăng cường các loại thực phẩm chứa nhiều vitamin A, B, C, D và khoáng chất, vi chất (sắt, canxi, kẽm, folate, thiamin,... ) có trong các loại thực phẩm như: rau xanh và trái cây, thịt đỏ, cá, trứng, gan, sữa và các chế phẩm từ sữa, ngũ cốc nguyên cám và các loại hạt.
Mẹ cần hạn chế cho trẻ ăn các thực phẩm giàu chất béo chuyển hóa, có thể gây hại sức khỏe của trẻ như: đồ chế biến sẵn, đồ ăn nhanh,... (Ảnh: Internet)
- Kết hợp vận động: hãy khuyến khích các trẻ chủ động tham gia các hoạt động rèn luyện thể chất, bởi vì vận động sẽ giúp trẻ nâng cao sức khỏe, tăng cường sức đề kháng cũng như hệ miễn dịch một cách tự nhiên nhất.
Nó còn giúp trẻ phát triển chiều cao, duy trì cân nặng phù hợp với thể trạng và lứa tuổi, giảm tối đa nguy cơ gây bệnh thừa cân, béo phì và các bệnh lý tim mạch, ung thư về sau. Ngoài ra, hoạt động thể lực hỗ trợ trẻ ăn ngon, ngủ sâu, tăng cường trí nhớ, khả năng tập trung và cải thiện các vấn đề tinh thần như căng thẳng, trầm cảm, lo âu.
Nên khuyến khích các con tham gia các hoạt động rèn luyện thể chất để vừa nâng cao sức khoẻ, vừa hạn chế tình trạng thừa cân. Nếu được, mẹ hãy cho trẻ vận động vào sáng sớm trong khoảng 6h30 - 8h30 để hấp thu nguồn vitamin D có trong ánh nắng mặt trời, giúp quá trình chuyển hóa canxi trong cơ thể được hiệu quả hơn (Ảnh: Internet)
Béo phì nhưng vẫn bị chẩn đoán là suy dinh dưỡng là một vấn đề sức khỏe rất nghiêm trọng đối với sự phát triển cả về thể chất, lẫn trí não của trẻ nhỏ. Mong rằng bài viết này đã mang đến những thông tin hữu ích, giúp cha mẹ hiểu rõ hơn để về hiện tượng này và kịp thời nắm bắt tình trạng sức khoẻ của con, từ đó có những biện pháp phòng ngừa phù hợp, giúp trẻ nâng cao sức khoẻ.
Xem thêm: Chỉ cần áp dụng 4 cách "lười biếng" sau, chị em sẽ ngày càng trẻ đẹp - khoẻ mạnh
Quỳnh Giang
Theo Người đưa tin