Hệ vi sinh vật đường ruột nắm giữ rất nhiều vai trò quan trọng, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tiêu hóa nói riêng, và sức khỏe tổng thể nói chung. Nhận định này càng đáng tin hơn khi mới đây, một kết quả nghiên cứu cho thấy sự mất cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột có thể gây ra cơn đau tim - chứng minh sự tác động mạnh mẽ của nó đối với con người.
Các chuyên gia sức khỏe cho biết, đường ruột chính là cơ quan tiêu hóa của cơ thể, có nhiệm vụ phá vỡ cấu trúc thức ăn thành các chất dinh dưỡng, sau đó hấp thụ để hỗ trợ các chức năng thiết yếu khác - từ sản xuất năng lượng đến cân bằng hormone, nâng cao sức khỏe thể chất đến sức khỏe tinh thần, thậm chí là cả loại bỏ độc tố và chất thải. Tuy nhiên, chức năng của đường ruột sẽ không thể thực hiện trơn tru nếu thiếu đi hệ vi sinh vật trong ống tiêu hóa.
Theo đó, trong ống tiêu hoá có chứa một hệ vi sinh vật vô cùng phong phú, bao gồm cả vi khuẩn có lợi và vi khuẩn gây hại. Chúng sống cộng sinh và có tác động lẫn nhau. Nếu có bất kỳ sự mất cân bằng nào xảy ra ở hệ vi sinh vật, đường ruột cũng sẽ bị ảnh hưởng theo.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Uppsala và Lund (Thụy Điển) muốn tìm hiểu xem sức khỏe sẽ gặp những mối nguy gì nếu tình trạng rối loạn hệ vi sinh vật đường ruột xảy ra, nên đã thử tiến hành một cuộc nghiên cứu trên 8.973 người tham gia, với độ tuổi từ khoảng 50 đến 65 tuổi, không có tiền sử hay đang mắc các bệnh mãn tính - bằng cách phân tích vi khuẩn đường ruột và các chỉ số sức khỏe của họ.
Và họ nhận ra, bất kỳ ai đang có số lượng hại khuẩn trội hơn lợi khuẩn đều có nguy cơ mắc một căn bệnh nguy hiểm gì đó. Tại nghiên cứu này chính là bệnh tim, khi họ nhận thấy ở những người đang bị mất cân bằng hệ vi sinh vật nếu có nhiều hại khuẩn thuộc chi Streptococcus thì sẽ dễ mắc tình trạng xơ vữa động mạch cực kỳ cao. Cụ thể, chúng có thể biến đổi choline (thường có nhiều trong trứng, các loại đậu hạt, thịt, cá,... ) thành một hợp chất có hại gọi là trimethylamine N-oxide (TMAO). Chất này có thể làm suy giảm hoặc thậm chí là hư hỏng các mạch máu. Điều này dễ tạo nguy cơ cho chất béo và cholesterol bám trên thành động mạch, sau đó tạo thành các mảng xơ vữa.
Trong khi đó, tình trạng xơ vữa động mạch lại là một trong những nguyên nhân gây ra các biến chứng đau tim, suy tim và nhồi máu cơ tim cực kỳ nguy hiểm (Ảnh: Internet)
Từ điều trên ta có thể thấy, việc chăm sóc hệ tiêu hóa cũng như duy trì cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột là điều cực kỳ quan trọng, giúp giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh tim. Đó là lý do vì sao chúng ta cần bổ sung nhiều probiotic - các chủng vi khuẩn sống ở dạng thực phẩm hoặc chất bổ sung, có thể giúp hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả hơn bằng cách cải thiện hoặc duy trì sự cân bằng trong hệ vi sinh vật đường ruột. Để tìm kiếm thực phẩm có chứa probiotics không hề khó, ngược lại có rất nhiều món quen thuộc với ta mà cực kỳ giàu loại vi sinh này. Bạn có thể tìm thấy ở những món sau đây.
Có rất nhiều sự lựa chọn về sữa chua dành cho chúng ta, tuy nhiên loại sữa chua nguyên chất sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn sữa chua có đường. Sữa chua tự nhiên Hy Lạp cũng là một gợi ý hay mà bạn nên thử. Tuy nhiên, nếu là một người không thích ăn chua, hãy tạo vị ngọt tự nhiên từ trái cây giàu chất xơ như kiwi hoặc xoài để có được một t món ăn nhẹ có hàm lượng protein cao, thân thiện với đường ruột nhé.
Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, ăn sữa chua thường xuyên có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2, cải thiện việc duy trì cân nặng và cải thiện sức khỏe tim mạch do hàm lượng canxi (Ảnh: Internet)
Đã có nhiều kết quả nghiên cứu chứng minh rằng bên trong kimchi - một loại đồ ăn Hàn Quốc làm từ bắp cải và gia vị lên men - có chứa rất nhiều probiotics, giúp tăng cường vi khuẩn có lợi trong đường ruột, từ đó xúc tác và cải thiện sức khỏe đường ruột.Ngoài ra, kimchi cũng được chứng minh là giúp giảm táo bón và giảm cholesterol.
Mọi người có thể bắt đầu bữa sáng với bánh mì ngũ cốc, một quả trứng và một ít kimchi. Nhiêu đây đã đủ bổ sung hàm lượng chất xơ, choline, và protein thiết yếu cho cơ thể.
Các chuyên gia dinh dưỡng cho biết, tuy rằng mối quan hệ giữa hệ vi sinh vật đường ruột và gan vẫn chưa được hiểu rõ, nhưng đã có nhiều nghiên cứu cho thấy, sức khỏe đường ruột kém có liên quan đến sự phát triển của bệnh gan nhiễm mỡ. Vì vậy, một số chuyên gia đã giới thiệu đến bệnh nhân món đậu phụ lên men - hay còn gọi là miso, một loại món ăn truyền thống của người Nhật.
Đậu phụ lên men này có đặc tính giảm mỡ gan khi kết hợp với tập thể dục, do đó làm giảm nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu, thuật ngữ chỉ một loạt các tình trạng do tích tụ chất béo trong gan.
Quá trình lên men miso còn giúp cải thiện khả năng tiêu hóa và hấp thụ thức ăn của cơ thể, đồng thời có chứa men vi sinh hỗ trợ đường ruột (Ảnh: Internet)
Hãy luôn chăm sóc hệ tiêu hóa và hệ vi sinh vật đường ruột của mình, vì nếu chức năng của hệ tiêu hoá suy giảm sẽ kéo theo rất nhiều hệ lụy về sức khỏe, đồng thời cũng ảnh hưởng tiêu cực đến các cơ quan khác bên trong cơ thể, chẳng hạn như với trái tim của chúng ta. Mọi người cũng nên tăng cường các vi khuẩn có lợi bằng những thực phẩm cho đường ruột đã được liệt kê ở trên để đường ruột luôn khỏe mạnh nhé.
Xem thêm: Hãy cẩn thận với căn bệnh ung thư dạ dày, nó chính là nguyên nhân gây ra 15.000 ca tử vong mỗi năm
Quỳnh Giang
Theo Người đưa tin