Một nghiên cứu mới đây đã chỉ ra, nữ giới thường có tuổi thọ dài hơn đàn ông, đồng thời cũng có ít nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm hơn. Nguyên nhân được cho là do gen di truyền trong cơ thể, cũng như lối sinh hoạt hàng ngày là yếu tố dẫn đến hiện tượng này.
Nhiều số liệu thống kê đã cho thấy tuổi thọ của phụ nữ có xu hướng cao hơn đàn ông. Để chứng thực hiện tượng này, nhiều nhà nghiên cứu đã tiến hành phân tích khả năng sinh tồn của của cả 2 giới thông qua những sự kiện thảm khốc nhất có liên quan đến sức khỏe trong hơn 250 năm, bao gồm nạn đói Ailen đến dịch bệnh sởi năm 1846 và 1882. Trong các sự kiện này, số phụ nữ sống sót đứng đầu. Cụ thể, trong đại dịch sởi năm 1882 ở Iceland, phụ nữ sống lâu hơn 2 năm so với nam giới. Trong thời kỳ này, tuổi thọ trung bình của phụ nữ là 19 trong khi đàn ông sống trung bình đến 16 tuổi.
Ở nạn đói Ailen bắt đầu vào năm 1846 và bùng phát đến 1851 đã cướp đi khoảng một triệu sinh mạng. Theo nghiên cứu tuổi thọ của nam giới và phụ nữ của Viện Hàn lâm Khoa học, phụ nữ có khả năng tồn tại lâu hơn 4 lần khi thực phẩm khan hiếm. Ngay cả nạn đói ở Ukraine năm 1933, các bé gái sơ sinh sống trung bình 11 tuổi, trong khi các bé trai sơ sinh chỉ đạt trung bình khoảng 7 năm.
Theo các nhà nghiên cứu, nguyên nhân đầu tiên khiến nam giới có nguy cơ tử vong cao thường có liên quan đến cúm và dễ bị biến chứng do các bệnh hô hấp nghiêm trọng. Điều này phần lớn là do estrogen ở nữ có khả năng tăng cường hệ thống miễn dịch trong khi testosterone ở nam giới ức chế khả năng miễn dịch. Testosterone đã được chứng minh làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, nhiễm trùng và ung thư.
Nguyên nhân thứ hai quyết định sự việc phụ nữ thường sống thọ hơn đàn ông là do cấu trúc nhiễm sắc thể. Phụ nữ có hai nhiễm sắc thể X, còn nam giới có nhiễm sắc thể X và Y. Điều này có nghĩa là phụ nữ giữ hai bản sao của mỗi gen mà họ có, trong khi đàn ông chỉ giữ một bản. Nếu một gen bị lỗi hoặc trục trặc với tuổi tác, phụ nữ có một gen khác để quay trở lại. Đàn ông thì không, vì vậy họ có nguy cơ mắc các bệnh như ung thư cao hơn. Ở Anh, người ta ước tính rằng đàn ông có nguy cơ tử vong vì ung thư cao hơn 40% và mắc bệnh cao hơn 16% so với phụ nữ.
Phụ nữ mang hai nhiễm sắc thể XX, trong khi nam giới chỉ một nhiễm sắc thể X và Y. Các nhà khoa học cho rằng phụ nữ thường sống lâu hơn đàn ông vì nhiễm sắc thể X kép của họ bảo vệ chống lại bệnh tật khi các tế bào bắt đầu gặp trục trặc theo tuổi tác, ngược lại, với nam giới khi mang nhiễm sắc thể XY thì dễ gặp bệnh tật hơn (Ảnh: Internet)
Nguyên nhân thứ ba khiến phụ nữ có tuổi thọ cao hơn là do kích thước cơ thể. Đàn ông cao hơn và có nhiều tế bào trong cơ thể. Càng nhiều tế bào, càng có nhiều khả năng một thứ gì đó sẽ phát triển đột biến có hại.
Ngoài ra, chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ có thể mang lại lợi ích không ngờ. Nó cần một chế độ tập luyện giúp loại bỏ nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Giả thuyết "trái tim phụ nữ chạy bộ" chỉ ra rằng nhịp tim của phụ nữ tăng lên trong nửa sau của chu kỳ kinh nguyệt cũng có ích như một bài tập vừa phải.
Bên cạnh đó các chuyên gia cũng đã tiến hành phân tích nhiều nguyên nhân và cho biết, bên cạnh yếu tố sinh học gồm: gen di truyền, nhiễm sắc thể, nồng độ hormone,... thì lối sống của nam giới cũng được xem là yếu tố phổ biến dẫn đến tỷ lệ nam giới dễ mắc bệnh hơn nữ giới. Nam giới thường có lối sống thiếu khoa học hơn nữ giới, gồm: tiếp xúc nhiều với các chất hóa học, lạm dụng chất kích thích, nghiện rượu bia/ thuốc lá, ăn uống không điều độ, ăn nhiều các loại thực phẩm dầu mỡ, đồ công nghiệp,...
Thói quen xấu trong ăn uống, sinh hoạt là một trong những yếu tố khiến nam giới dễ mắc bệnh nguy hiểm hơn nữ giới (Ảnh: Internet)
Những số liệu trên chỉ là một phần cho ta thấy về khả năng sinh tồn của 2 giới, nhưng không hoàn toàn là số liệu để quyết định tuổi thọ của bất kỳ ai. Vì đa phần, bệnh tật sẽ thường kéo đến nhanh hơn ở những người có lối sống kém lành mạnh. Nên dù là nam giới hay nữ giới, muốn sống thọ thì tốt nhất vẫn nên đảm bảo cách ăn uống và sinh hoạt của mình luôn khoa học, đơn cử bằng những việc sau đây:
WHO đã nghiên cứu và chỉ ra rằng, hơn 40% các bệnh ung thư có thể phòng ngừa nếu duy trì lối sống lành mạnh, và 1/3 bệnh nhân có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm và điều trị tích cực. Cụ thể nhờ vào các việc cần làm sau đây:
- Bỏ thuốc ngay: Hút thuốc có mối quan hệ mật thiết với nhiều loại bệnh ung thư khác nhau như ung thư phổi, ung thư vòm họng, ung thư thanh quản, ung thư tuyến tụy, ung thư cổ tử cung và ung thư thận. Ngay cả khi bạn không trực tiếp hút thuốc nhưng việc hít phải khói thuốc cũng khiến nguy cơ bạn mắc bệnh tăng lên. Để phòng ngừa ung thư, tốt nhất bạn nên tránh xa khói thuốc.
- Có chế độ dinh dưỡng hợp lý: việc hạn chế đồ ăn chế biến sẵn, đồ ăn nhanh sẽ giúp bạn có một sức khỏe tốt. Thay vào đó, sử dụng thực phẩm tươi sống và chế biến thanh đạm, ít dầu mỡ sẽ giúp sức khỏe của mọi người luôn được duy trì ổn định.
- Vận động thường xuyên: chăm chỉ tập luyện thể dục thể thao thường xuyên không chỉ giúp bạn duy trì cân nặng và vóc dáng mà còn giúp bạn có một cơ thể khỏe mạnh. Mỗi ngày, hãy dành ra 30 phút hoặc ít nhất 3 lần/ tuần để hoạt động thể chất, nâng cao thể lực bạn nhé!
- Tiêm chủng đầy đủ: việc tiêm phòng đầy đủ sẽ làm giảm khả năng mắc bệnh về đường sinh sản, hoặc các bệnh hô hấp, truyền nhiễm, nhiễm trùng ở cả hai giới. Chẳng hạn như tiêm đầy đủ vắc xin viêm gan B sẽ làm giảm nguy cơ ung thư gan, tiêm vắc xin HPV sẽ giảm nguy cơ ung thư cổ tử cung, ung thư dương vật.
- Khám sức khỏe định kỳ: đa số bệnh tật nguy hiểm ở giai đoạn đầu đều không có biểu hiện lâm sàng. Bệnh chỉ được phát hiện sớm trong quá trình khám sức khỏe và sàng lọc. Chính vì vậy, việc khám sức khỏe định kỳ 1- 2 lần/ năm được xem là cách đơn giản nhưng mang lại hiệu quả rất cao trong phòng và điều trị bệnh.
Xem thêm: 4 hành vi ngốn dương khí nhiều nhất, đàn ông lưu ý làm càng ít càng tốt
Quỳnh Giang
Theo Người đưa tin