Các tế bào miễn dịch được ví như là “khiên chắn” của cơ thể, giúp ngăn chặn nguy cơ hình thành bệnh tật, trong đó có cả ung thư. Tuy nhiên, vì sao có nhiều người vẫn mắc bệnh ung thư dù đã có sự chống đỡ của hệ miễn dịch? Câu trả lời đã được các chuyên gia sức khỏe giải đáp thông qua nghiên cứu mới đây. Để hiểu rõ hơn, bạn đừng bỏ qua bài viết này.
Đầu tiên, hãy cùng tìm hiểu xem hệ miễn dịch là gì, và làm cách nào mà hệ miễn dịch có thể giúp cơ thể tránh khỏi bệnh tật. Theo đó, hệ miễn dịch là một hệ thống rộng lớn bao gồm các tế bào bạch cầu (được chia thành các tế bào lympho và đại thực bào) trải dọc theo khắp cơ thể, và bao bọc xung quanh các lớp mô hay các cơ quan có trong cơ thể.
Vai trò chính của hệ miễn dịch đó là chống lại các tác nhân gây bệnh đến từ môi trường xung quanh như các loại virus, vi khuẩn, các loại nấm hay ký sinh trùng. Bên cạnh đó, hệ miễn dịch cũng chịu trách nhiệm theo dõi tất cả các chất thường xuất hiện trong cơ thể, thông qua cấu tạo protein của các chất. Khi có bất kỳ chất mới nào đi vào cơ thể mà hệ miễn dịch không nhận ra thì sẽ kích hoạt báo động, khiến các tế bào miễn dịch tìm và tấn công chất đó. Ví dụ, vi sinh vật có chứa một số protein thường không xuất hiện trong cơ thể người sẽ bị hệ miễn dịch xem là “ngoại lai”, từ đó tấn công hoặc tiêu diệt chúng.
Nếu cơ thể không có hệ miễn dịch hoặc có hệ miễn dịch đã bị suy yếu, thì rất dễ mắc phải nhiều căn bệnh nguy hiểm (Ảnh: Internet)
Đối với bệnh ung thư, hệ miễn dịch cũng là một trong những “chìa khóa” quan trọng trong việc phòng bệnh. Đó là vì khi các tế bào ung thư xâm nhập vào máu và hệ bạch huyết, một loại tế bào miễn dịch khác gọi là T (tên khoa học là Gamma Delta T, có chức năng tiêu diệt các tế bào ngoại lai mạnh mẽ hơn các tế bào bạch cầu thông thường) sẽ phát hiện và tiêu diệt chúng, đồng thời phát ra những tín hiệu trên cơ thể để cảnh báo chúng ta biết. Với cơ chế phát hiện và tấn công các tế bào dị thường, hệ miễn dịch góp phần ức chế sự phát triển của tế bào ung thư, ngăn ngừa sự lan rộng và di căn sang cơ quan khác của cơ thể.
Tuy nhiên, vì sao đã có sự chống lại tế bào ung thư của tế bào miễn dịch T, nhưng vẫn có nhiều người mắc bệnh ung thư? Đây được xem là một vấn đề mà nhiều năm nay, các nhà khoa học vẫn đang miệt mài tìm kiếm câu trả lời chính xác nhất.
Và mới đây, các nhà khoa học đã tìm thấy được một hiện tượng giúp họ giải đáp được vì sao con người vẫn mắc bệnh ung thư dù đã có sự bảo vệ của tế bào miễn dịch. Đó là sự suy yếu của các tế bào miễn dịch T chỉ sau một thời gian ngắn “va chạm” với các tế bào hay khối u ung thư.
Cụ thể, vào thời điểm hầu hết bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh ung thư, thì trước đó là hệ thống miễn dịch của họ đã tương tác với các tế bào ung thư đang phát triển trong nhiều tháng đến nhiều năm. Vì thế, các nhà khoa học đã thử thực hiện một số thí nghiệm lên loài chuột, nhằm mục đích tìm hiểu xem điều gì đã xảy ra khi tế bào T lần đầu tiên chạm trán với tế bào khối u. Bằng cách làm biến đổi gen của chuột đang trong quá trình già đi, từ đó kích hoạt các khối u ung thư gan - tương tự như ở con người. Và họ đã nhìn thấy các tế bào T thực hiện khả năng tiêu diệt tế bào ngoại lai bên trong con chuột, đó là nhờ vào chức năng mã hóa các gen protein của nó.
Tuy nhiên, trong vòng 6 - 12 giờ “chạm trán” với các tế bào ung thư, một số tế bào T bỗng trở bị rối loạn chức năng và dần suy yếu. Các nhà khoa học giải thích nguyên do, ung thư bắt nguồn từ các tế bào bình thường, khỏe mạnh bị biến đổi và bắt đầu phát triển ngoài tầm kiểm soát. Vì vậy, không phải lúc nào hệ miễn dịch cũng nhận định tế bào ung thư là thành phần ngoại lai. Đặc biệt, có một số tế bào ung thư có khả năng ẩn nấp và làm nhiễu loạn chức năng mã hóa gen protein của tế bào T, từ đó thành công vượt qua được hàng rào miễn dịch trong cơ thể.
Chỉ cần một vài tế bào ung thư có thể qua vượt qua được sự truy tìm của tế bào miễn dịch, chúng có thể liên kết thành các khối u và làm tăng thêm nhiều tế bào hư hại khác trong cơ thể chỉ trong thời gian ngắn (Ảnh: Internet)
Việc có thêm nhiều tế bào ung thư di chuyển trong cơ thể - thông qua máu và bạch huyết - có thể khiến việc tiêu diệt của tế bào T trở nên kém hiệu quả. Cộng hưởng với hiện tượng suy yếu chỉ trong thời gian ngắn tiếp xúc với các tế bào ung thư, khiến hệ miễn dịch không còn đủ sức để chống chọi lại các ảnh hưởng tiêu cực từ các tác nhân này gây ra. Theo thời gian, các tế bào ung thư dần liên kết thành khối u tại bất kỳ vị trí nào trong cơ thể, hút cạn chất dinh dưỡng trong cơ thể, gây biến đổi gen, làm hư hỏng các tế bào bình thường, phá hủy các mô và khởi phát bệnh ung thư.
Chắc hẳn bạn đã biết được các hậu quả mà ung thư gây ra cho sức khỏe thể chất và tinh thần của chúng ta. Để tránh bệnh, mọi người cần nghiêm túc tuân thủ theo lối sống lành mạnh nhằm tăng cường hệ miễn dịch, cũng như chủ động thăm khám sàng lọc và từ bỏ mọi thói quen xấu có thể hình thành nguy cơ mắc bệnh ngay bây giờ.
Xem thêm: 6 dấu hiệu này xuất hiện trên bàn tay cảnh báo lượng đường trong máu tăng cao
Quỳnh Giang
Theo Người đưa tin